✴️ Thuốc giảm đau không kê đơn và sự ảnh hưởng tới khả năng sinh sản của nam giới

Tổ chức Y tế Thế giới ước tính cứ bốn cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ ở các nước đang phát triển thì có một cặp vợ chồng không có con mặc dù đã cố gắng mang thai 5 năm. Một nghiên cứu đã phân tích về tỷ lệ vô sinh kể từ năm 1990 tới 2010 ở các quốc gia, khu vực và toàn cầu với số liệu từ 277 cuộc khảo sát sức khỏe. Nghiên cứu ước tính rằng hơn 45 triệu cặp vợ chồng, hay khoảng 15% tổng số cặp vợ chồng trên toàn thế giới, bị vô sinh vào năm 2010. Trong số phụ nữ 20-44 tuổi có nguy cơ mang thai, 1,9% không thể sinh con (vô sinh nguyên phát). Trong số những phụ nữ đã từng sinh ít nhất một lần và có nguy cơ mang thai, 10,5% không thể sinh thêm con (vô sinh thứ phát). Tỷ lệ vô sinh cao nhất ở Nam Á, Bắc Phi, Đông Âu và Trung Á. Trong khi đó, một phân tích được công bố trên tạp chí Human Reproduction Update cho thấy số lượng tinh trùng của nam giới ở Bắc Mỹ, Châu Âu, Úc và New Zealand đang giảm mạnh. Các nhà nghiên cứu đã ghi nhận sự suy giảm 52% nồng độ tinh trùng và 59% tổng số lượng tinh trùng trong khoảng thời gian gần 40 năm với mốc kết thúc vào năm 2011. Một nghiên cứu không liên quan khác cho rằng nam giới chịu trách nhiệm duy nhất lên đến 30% và đóng góp tới 50% tổng số trường hợp vô sinh.



Có rất nhiều nguyên nhân có thể gây ra vô sinh và một trong những tác nhân quan trọng là việc lạm dụng thuốc tây. Hầu hết các loại thuốc trên thị trường hiên nay không được đánh giá về ảnh hưởng của chúng đối với khả năng sinh sản của nam giới trước khi được cấp phép. Có nhiều nghiên cứu cho thấy một số loại thuốc đặc biệt có hại cho hệ sinh sản nam giới, bao gồm testosterone, opioid, thuốc chống trầm cảm, thuốc chống loạn thần, thuốc điều hòa miễn dịch và thậm chí cả nhiều loại thuốc không kê đơn.

Một nhóm các nhà nghiên cứu Pháp và Đan Mạch đã tìm hiểu những ảnh hưởng đến sức khỏe khi một người mẹ sắp sinh uống bất kỳ một trong ba loại thuốc giảm đau nhẹ được tìm thấy trong các tủ thuốc của hầu như tất cả gia đình là axit acetylsalicylic(tên thương mại phổ biến là aspirin), paracetamol (còn được gọi là acetaminophen và được bán dưới tên thương hiệu Tylenol) và ibuprofen (tên thương hiệu phổ biến là Advil và Motrin). Hàng rào nhau thai bao gồm nhiều lớp và có chức năng là một lớp màng giúp phân tách máu mẹ khỏi dòng máu của thai nhi. Các chất từ trong máu của người mẹ có thể chuyển qua thai nhi bằng nhiều cơ chế khác nhau như khuếch tán hay vận chuyển tích cực bằng các bơm trên màng tế bào. Do đó, thai nhi cũng bị phơi nhiễm với các loại thuốc nếu người mẹ dùng thuốc trong thời kỳ mang thai. Các thí nghiệm ban đầu của họ cho thấy rằng khi dùng trong thời kỳ mang thai, cả ba loại thuốc aspirin, paracetamol và ibuprofen đều ảnh hưởng đến tinh hoàn của trẻ sơ sinh nam. Ngoài ra, các nhà khoa học từ Bệnh viện Đại học Copenhagen đã nghiên cứu tác động của paracetamol trên chuột thí nghiệm và đưa ra kết luận rằng việc tiếp xúc với paracetamol trong vòng 13,5 ngày sau khi giao phối có thể làm giảm khả năng sinh sản của phôi cái. Theo kết quả, con cái có ít tế bào trứng hơn khi chúng trưởng thành. Điều này làm giảm cơ hội sinh sản thành công của chúng, đặc biệt là khi chúng già đi.

Ở một nghiên cứu khác, nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường ở Pháp đã tuyển chọn 31 tình nguyện viên nam trong độ tuổi từ 18 đến 35. Trong số này, 14 người được sử dụng liều ibuprofen 600 miligam hai lần một ngày. Liều 1200 mg mỗi ngày này là giới hạn tối đa theo hướng dẫn trên nhãn của các sản phẩm ibuprofen thông thường. 17 tình nguyện viên còn lại được dùng giả dược.

Đối với những người đàn ông dùng ibuprofen, trong vòng 14 ngày, Hormone LH hay hormone tạo hoàng thể - được tiết ra bởi tuyến yên và kích thích tinh hoàn sản xuất testosterone - sẽ bị ảnh hưởng bởi mức ibuprofen lưu thông trong máu của họ. Đồng thời, tỷ lệ nồng độ giữa testosterone và hormone LH bị giảm sút, tỷ lệ giảm này là dấu hiệu cho thấy tinh hoàn bị rối loạn chức năng.
Sự mất cân bằng nội tiết tố dẫn tới suy giảm khả năng sinh sản, trầm cảm và tăng nguy cơ biến cố tim mạch, bao gồm suy tim và đột quỵ.
Đối với một nhóm nhỏ những người tham gia nghiên cứu trẻ tuổi chỉ sử dụng ibuprofen trong một thời gian ngắn thì những tác động xấu trên sẽ biến mất sau khi dừng thuốc. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu các tác động sức khỏe của việc sử dụng ibuprofen nếu dùng lâu dài có thể đảo ngược được hay không.

Trước đây có một số nghiên cứu cho thấy, nam giới có nồng độ paracetamol cao trong nước tiểu sẽ làm giảm khả năng vận động của tinh trùng và chậm có con. Gần đây đã có nghiên cứu được công bố trên Human Reproduction để giải thích về cơ chế ảnh hưởng của thuốc Paracetamol với hoạt động của tinh trùng. Tinh trùng tiếp xúc với paracetamol, có thể tạo ra một chất chuyển hóa N-arachidonoyl phenolamine (AM404) của paracetamol, chất này có thể thay đổi tín hiệu Calcium và làm rối loạn khả năng thụ tinh của tinh trùng. Trong thí nghiệm trên chỉ có ba nam thanh niên khỏe mạnh đã tham gia vào thí nghiệm trên cơ thể người (in vivo). Các thí nghiệm được thực hiện chủ yếu trong ống nghiệm và các mẫu tinh dịch của người được cung cấp bởi những người hiến tặng tình nguyện trẻ khỏe mạnh. Vẫn còn cần thêm những nghiên cứu cụ thể hơn trên cơ thể con người trên quy mô lớn để khẳng định kết quả của nghiên cứu.

Với nhiều bằng chứng và các nghiên cứu khoa học kể trên, bệnh nhân cần phải thận trọng hơn trong việc sử dụng các loại thuốc giảm đau không kê đơn, đặc biệt là những ai đang muốn sinh con hoặc gặp vấn đề hiến muộn. Nếu có thể thì việc dừng sử dụng thuốc trong thời gian ngắn hạn cũng có thể giúp cho quá trình thụ tinh được diễn ra thuận lợi hơn và tránh các nguy cơ tiềm ẩn mà các loại thuốc có thể mang lại.

 

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3525527/
https://academic.oup.com/humrep/advance-article-abstract/doi/10.1093/humrep/deac042/6544692?redirectedFrom=fulltext
https://www.pnas.org/doi/full/10.1073/pnas.1715035115
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4424520/
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3525527/

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top