✴️ Cách chữa viêm dạ dày bạn không thể bỏ qua

Nội dung

Viêm dạ dày là bệnh lý không còn quá xa lạ đối với mọi người. Tuy nhiên nhiều người bệnh vẫn còn băn khoăn về cách chữa viêm dạ dày nào mới phù hợp với mình. Hãy cùng tìm hiểu kỹ hơn về các cách điều trị viêm dạ dày hiệu quả. 

 

1. Khái niệm bệnh viêm dạ dày

Viêm dạ dày là bệnh gây ra tổn thương trên niêm mạc của dạ dày. Các vết viêm sưng với kích thước to, nhỏ khác nhau phụ thuộc vào tình trạng của bệnh. Bệnh có thể xuất hiện ở nhiều đối tượng, không phân biệt giới tính hay lứa tuổi. Hiện nay các bệnh về dạ dày đang ngày càng có xu hướng trẻ hóa do các yếu tố môi trường tác động.

Hiện nay viêm dạ dày được phân biệt thành hai dạng. 

– Viêm dạ dày cấp tính: Cơn đau có tính đột ngột, khởi phát và diễn biến nhanh chóng. Tuy nhiên giai đoạn này sẽ ít để lại biến chứng.

– Viêm dạ dày dạng mạn tính: Tổn thương kéo dài, lặp lại không được điều trị triệt để sẽ dẫn đến viêm mạn tính. 

 

2. Nguyên nhân gây viêm dạ dày

Muốn tìm được cách chữa viêm dạ dày phù hợp chúng ta cần hiểu rõ về nguyên nhân gây bệnh. Viêm dạ dày có thể do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan gây ra.

– Nhiễm vi khuẩn Helicobacter Pylori ( HP): Loại vi khuẩn này là nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh về dạ dày

– Tác dụng phụ của các thuốc giảm đau, kháng viêm làm tổn thương niêm mạc

– Sử dụng quá nhiều đồ uống có cồn và các chất kích thích sẽ gây hại không chỉ cho dạ dày mà còn ảnh hưởng tới các bộ phận khác của cơ thể.

– Căng thẳng kéo dài do áp lực công việc hoặc do các cuộc đại phẫu, chấn thương nặng,…

Vi khuẩn HP là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh

 

3. Các cách chữa viêm dạ dày phổ biến nhất

Trước tiên, bạn cần tới các cơ sở y tế để bác sĩ thăm khám nhằm xác định rõ tình trạng bệnh và nguyên nhân gây ra. Bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng, tiền sử bệnh và các loại thuốc đang dùng. Dựa vào thăm khám lâm sàng kết hợp hình ảnh nội soi, xét nghiệm bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.

3.1 Cách chữa viêm dạ dày bằng điều trị nội khoa 

Sử dụng thuốc Tây giúp cải thiện nhanh triệu chứng và là cách chữa viêm dạ dày phổ biến nhất. 

– Thuốc trung hòa acid dạ dày. 

– Thuốc ức chế histamin H2

– Thuốc ức chế bơm proton (PPI) giúp giảm acid tiết ra trong dạ dày. 

– Thuốc kháng sinh nhằm giúp tiêu diệt triệt để vi khuẩn HP

– Thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày

Khuyến cáo: Thuốc mang lại hiệu quả nhanh chóng nhưng cũng gây ra một số tác dụng phụ. Bạn không nên tự ý sử dụng thuốc khi chưa tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa.

3.2 Phẫu thuật

Phẫu thuật là thủ thuật xâm lấn gây ra nhiều đau đớn kèm rủi ro cho người bệnh. Vì vậy phương pháp này chỉ sử dụng khi điều trị bằng thuốc không hiệu quả. Ngoài ra đối với các biến chứng nguy hiểm như: Thủng dạ dày, xuất huyết hệ tiêu hóa,…cũng cần phẫu thuật để can thiệp.

3.3 Cách chữa viêm dạ dày bằng thực phẩm

Một số loại thực phẩm được ví như loại thuốc thiên nhiên có tác dụng tích cực đối với viêm dạ dày.

– Nghệ vàng: Tinh bột nghệ kết hợp cùng mật ong là bài thuốc dân gian nổi tiếng. Hỗn hợp này có tác dụng: Chống viêm loét dạ dày, giảm tiết dịch vị. 

– Nha đam: Lọc lấy phần thịt nhà đam rồi ép lấy nước. Thức uống này giúp nhuận tràng, giảm đầy hơi

– Nghệ đen: Nghệ đen nghiền thành bột đem hòa cùng nước ấm giúp kích thích tiêu hóa, ngăn tiết dịch vị,…

Tuy nhiên các bài thuốc trên chỉ mang tính hỗ trợ và sử dụng cho các trường hợp bệnh mới khởi phát. Người bệnh cần kết hợp với các cách điều trị hiện đại để mang lại hiệu quả tốt nhất. 

3.4 Thay đổi thói quen sinh hoạt và chế độ ăn uống

 Một số trường hợp bị bệnh dạ dày là do những thói quen ăn uống và sinh hoạt không khoa học. Thay đổi thói quen lành mạnh sẽ hỗ trợ cải thiện tình trạng viêm loét.

3.4.1 Những điều nên thực hiện

– Bổ sung nhiều rau xanh, trái cây tươi và ngũ cốc nguyên hạt trong thực đơn hàng ngày

– Giữ tinh thần luôn vui vẻ, thoải mái, tránh xa căng thẳng

– Luôn nhớ ăn đúng giờ

– Bạn nên ăn chậm, nhai kỹ để thức ăn được nghiền nhuyễn trước khi đưa xuống dạ dày

– Chia nhỏ bữa ăn nhằm giảm áp lực lên hệ tiêu hóa

– Các thực phẩm nên được nấu chín và chế biến bằng cách hầm, luộc để đảm bảo dinh dưỡng và dễ tiêu hóa

3.4.2 Những điều nên tránh

– Đồ uống có cồn chỉ nên sử dụng ở mức hạn chế

– Tránh ăn thức ăn cay chua, nhiều dầu mỡ 

– Không bỏ bữa hoặc ăn quá khuya khiến ảnh hưởng tới quá trình tiêu hóa thức ăn

– Tránh ăn thức ăn quá nóng hoặc quá lạnh sẽ khiến dạ dày phải co bóp mạnh

– Tránh ăn đồ quá đặc làm dịch vị khó thấm vào khối thức ăn. Hoặc ăn đồ quá lỏng và nhiều nước sẽ làm loãng dịch vị và khả năng tiêu hóa thức ăn. 

 

4. Lưu ý sau khi điều trị

Sau quá trình điều trị, bệnh viêm dạ dày ở mỗi người sẽ có những thay đổi khác nhau tùy theo cơ địa, chế độ sinh hoạt và tình trạng bệnh. Thông thường đơn thuốc sẽ uống trong khoảng 2-4 tuần. Sau đó để kiểm soát tình trạng bệnh và xác định phương pháp điều trị đã đúng hướng hay chưa thì bệnh nhân cần tuân theo lịch tái khám. 

Người bệnh không nên tự ý bỏ thuốc, giảm liều, bỏ tái khám khi thấy các triệu chứng đã thuyên giảm. Bên cạnh đó mọi người cũng không nên sử dụng chung đơn thuốc với người khác vì tình trạng bệnh mỗi người khác nhau. Việc tùy tiện sử dụng thuốc sẽ khiến bệnh nặng hơn, xảy ra tình trạng kháng thuốc. 

Các bệnh nhân phẫu thuật cũng nên tái khám để kiểm tra vết mổ đã hoàn toàn phục hồi hay chưa. 

Viêm dạ dày là bệnh lý có thể tái phát bất cứ lúc nào. Vì vậy sau khi đã chữa khỏi, bạn vẫn nên tham khảo ý kiến bác sĩ về việc kiểm tra định kỳ để giúp phát hiện sớm và ngăn ngừa tái nhiễm. 

Mong rằng bài viết đã cung cấp đầy đủ thông tin về cách chữa viêm dạ dày. Dù sử dụng cách điều trị nào thì bạn cũng cần phải kiên trì và nghiêm túc tuân thủ những yêu cầu đưa ra để có được hiệu quả như mong muốn.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top