Cải cúc (cúc tần ô) là loại rau quen thuộc với người Việt. Không chỉ được dùng để nấu canh mà loại rau này còn được tận dụng để giải cảm, điều trị huyết áp cao, ăn uống không do tỳ vị hư và đau đầu kinh niên.
Cải cúc không đơn thuần là loại rau thông thường mà còn có nhiều công dụng chữa bệnh
Tên gọi khác: Xoòng hao, Rau cúc, Cúc tần ô, Rau tần ô
Tên khoa học: Chrysanthemum coronarium L
Họ: Cúc (danh pháp khoa học: Asteraceae)
Mô tả dược liệu
1. Đặc điểm thực vật
Cải cúc là cây thân thảo sống hằng năm. Thân cây mọc đứng, chiều cao trung bình từ 0.4 – 0.6m, một số cây có thể cao đến 1m. Cây phân thành nhiều nhánh, sum suê, các cành có màu xanh lục, mềm, sau khi già sẽ chuyển sang màu nâu nhạt và cứng.
Cải cúc (tần ô) là loài thực vật thân thảo, sống hằng năm, chiều cao trung bình từ 0.4 – 0.6m
Lá chẻ lông chim, mặt lá nhẵn, dài 20cm và mọc so le. Lá có màu thơm hắc khi cắt hoặc vò. Hoa mọc thành cụm, hoa phía ngoài có màu trắng, bên trong có hình ống màu vàng và có mùi thơm. Quả dài 2 – 3mm. Cây ra hoa và quả vào tháng 1 – 3 hằng năm.
2. Bộ phận dùng
Cành và lá.
3. Phân bố
Loài thực vật này có nguồn gốc ở vùng Địa Trung Hải, sau đó được nhu nhập sang các nước châu Âu và châu Á. Ở nước ta, cây được trồng nhiều tại các địa phương ở miền Bắc. Ở miền Nam, cây chủ yếu ở được trồng ở tỉnh Lâm Đồng.
4. Thu hái – sơ chế
Thu hái khi cần, có thể dùng tươi hoặc phơi khô để dùng dần.
5. Bảo quản
Bảo quản ở nơi khô ráo và thoáng mát.
6. Thành phần hóa học
Dược liệu có chứa tinh dầu, acid amin (asparagine acid glutamic, leucin, acid aspartic, prolin, alamin, valin, acid aminobutyric), herniarin, gossipitrin, quercimetrin, acid clorogenic, acid 3.5-di-cafeo, vitamin A, B, C,…
Vị thuốc cải cúc
1. Tính vị
Vị nhạt, ngọt, hơi đắng và the, có mùi thơm, tính mát.
2. Qui kinh
Chưa có nghiên cứu.
3. Tác dụng dược lý
– Theo nghiên cứu dược lý hiện đại:
Dịch chiết Ethanol trong dược liệu có tác dụng trên Micrococcus luteus, Bacillus subtilis nhưng không có tác dụng đối với Escherichia Coli.
– Theo Đông Y:
Công dụng: Tán phong nhiệt, trừ đờm và kiện tỳ vị.
Chủ trị: Chữa ho dai dẳng, ít sữa, ăn uống không tiêu, tiêu chảy, giải cảm,…
4. Cách dùng – liều lượng
Có thể dùng cải cúc ăn sống, nấu canh, sắc uống,… Liều dùng tham khảo 30 – 50g/ ngày.
Món ăn và bài thuốc chữa bệnh từ cải cúc (tần ô)
Các món ăn từ rau tần ô có tác dụng giảm ho, giải cảm, ăn uống không ngon miệng và lợi sữa
1. Món ăn chữa chứng ít sữa ở phụ nữ sau sinh
Chuẩn bị: Thịt lợn nạc 150g, lạc nhân 50g, rau cải cúc 300g và gia vị.
Thực hiện: Lạc nhân giã nhỏ, cải cúc rửa sạch, thịt lợn đem băm nhỏ trộn với lạc nhân và gia vị, làm thành viên to bằng quả táo ta. Đặt cải cúc ở đáy bát, sau đó cho thịt vào và rải cải cúc lên trên cùng. Đem bát hấp cách thủy, khi chín đem chia thành 2 lần dùng, ăn với cơm. Ăn liên tục trong 3 – 5 ngày để nhanh có sữa.
2. Món ăn chữa chứng ho dai dẳng ở người lớn do nhiễm lạnh
Chuẩn bị: Phổi lợn 200g và rau tần ô 100 – 150g.
Thực hiện: Phổi lợn cắt thành miếng, cải cúc rửa sạch và cắt nhỏ. Nấu thành canh, ăn với cơm. Ăn liên tục trong 3 – 4 ngày.
3. Bài thuốc giải cảm
Chuẩn bị: Rau cải cúc tươi 150g.
Thực hiện: Rửa sạch cho nguyên liệu ráo nước, sau đó cho vào bắt to. Nấu sẵn cháo, khi cháo sôi đem đổ vào bát trong 5 – 10 phút cho bớt nóng rồi trộn rau lên ăn kèm. Dùng món ăn này 2 – 3 lần/ ngày cho đến khi khỏi.
4. Món ăn giúp lợi tiểu và chữa ho mắt
Chuẩn bị: 1 con cá diếc khoảng 500g và 200g rau tần ô, dầu ăn, 1 ít rượu và gia vị.
Thực hiện: Làm sạch cá diếc, cạo bỏ vảy và chiên cho vàng. Sau đó cho rượu vào đảo qua, thêm gừng và nước nấu với lửa nhỏ. Khi cá chín, thêm cải cúc vào và nấu cho đến khi sôi trở lại, nêm nếm gia vị và dùng ăn khi nóng. Ăn liên tục trong 10 ngày sẽ nhận thấy bệnh tình thuyên giảm đáng kể.
5. Bài thuốc trị đau đầu kinh niên
Chuẩn bị: 30g cải cúc.
Thực hiện: Đem nấu nước và uống hằng ngày. Đồng thời nên dùng cải cúc hơ nóng và chườm lên hai bên thái dương và đỉnh đầu trước khi đi ngủ.
6. Bài thuốc chữa ho ở trẻ nhỏ
Chuẩn bị: Lá tần ô 6g.
Thực hiện: Rửa sạch, đem thái nhỏ và thêm mật ong vào, hấp cách thủy cho ra nước và uống hết trong ngày.
7. Món ăn trị ăn uống không tiêu, người yếu do mới khỏi bệnh
Chuẩn bị: Thịt lợn nạc 100g, gừng tươi 3 lát và cải cúc 500g.
Thực hiện: Rửa sạch các nguyên liệu, thái thịt và cải cúc, đem nấu thành canh. Khi chín, thêm gừng và nêm nếm gia vị, ăn với cơm khi còn nóng.
8. Bài thuốc chữa tiêu chảy
Chuẩn bị: 200g rau cải cúc.
Thực hiện: Nấu canh, ăn liên tục trong vòng 3 – 5 ngày.
9. Bài thuốc giúp hỗ trợ giảm huyết áp
Chuẩn bị: 1 ít cải cúc tươi.
Thực hiện: Đem rửa sạch, để ráo và ép lấy nước cốt. Mỗi ngày dùng 50ml và chia thành 2 lần uống (sáng – chiều).
10. Canh cá tần ô trị ho khan do phế nhiệt
Chuẩn bị: Cá khoai và rau tần ô 100g.
Thực hiện: Nấu thành canh, nêm nếm gia vị vừa ăn và ăn khoảng 3 – 4 lần/ tuần.
11. Canh cá lóc tần ô trị chứng tỳ vị hư khiến ăn uống không ngon
Chuẩn bị: Thịt cá lóc 50g, rau tần ô 150g, hành, gừng, ngũ vị hương và gia vị.
Thực hiện: Nấu canh, dùng ăn thường xuyên.
12. Bài thuốc chữa nội thương và đau đầu ngoại cảm
Chuẩn bị: 150g cải cúc.
Thực hiện: Nấu canh hoặc sắc uống mỗi ngày.
13. Canh cải cúc cá thác lá trị đau đầu và cao huyết áp
Chuẩn bị: Cá thác lác 100g và rau cải cúc 100g, gừng, gia vị và hành.
Thực hiện: Nấu canh, chia thành nhiều lần và ăn hết trong ngày.
14. Món ăn từ tần ô trị chứng chảy máu cam
Chuẩn bị: Gan lợn, gia vị, cà chua, hành vừa đủ và rau tần ô 100g.
Thực hiện: Rau tần ô và gan lợn đem luộc. Dùng cà chua làm thành sốt và dùng để chấm ăn.
Những điều cần lưu ý khi dùng cải cúc
Cải cúc không chỉ là vị thuốc chữa bệnh mà còn được dùng để chế biến món ăn nhằm bồi bổ sức khỏe. Tuy nhiên dược liệu này có tính mát nên cần tránh dùng cho người bị tiêu chảy, thể trạng hư hàn và lạnh bụng.
Khi dùng cải cúc, cần nấu sôi và rửa thật sạch để tránh nhiễm trứng giun
Ngoài ra, loại rau này còn dễ bị nhiễm trứng giun nên cần phải nấu chín trước khi ăn. Nếu ăn sống cần rửa thật sạch để tránh nhiễm giun.
Rau cải cúc không chỉ được dùng để làm thực phẩm mà còn hỗ trợ hạ huyết áp, giải cảm, giảm ho và trị ít sữa. Tuy nhiên dược liệu này có tác dụng chậm nên bạn cần thực hiện liên tục trong 3 – 10 ngày để đạt được kết quả như mong đợi. Trong trường hợp bệnh có mức độ nghiêm trọng, nên thăm khám để được chỉ định thuốc điều trị đặc hiệu.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh