✴️ Chẩn đoán và điều trị bệnh loãng xương

Nội dung

Không chỉ xảy ra ở người lớn tuổi mà ngay cả người trẻ cũng có thể bị loãng xương ảnh hưởng đến chức năng xương khớp. Khám và điều trị loãng xương sớm giúp người bệnh mau chóng hồi phục cũng như giảm thiểu được nhiều nguy cơ sức khỏe.

LOÃNG XƯƠNG LÀ GÌ?

Loãng xương là tình trạng giảm sút sức mạnh của xương bao gồm khối lượng, mật độ xương cũng như thể tích, vi cấu trúc và chu chuyển xương. Tình trạng này do rối loạn chuyển hóa xương gây ra làm xương dễ gãy ngay cả khi không gặp phải chấn thương, va đập.

 

NGUYÊN NHÂN GÂY LOÃNG XƯƠNG

Loãng xương xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau chủ yếu là ở người già do chức năng các cơ quan trong cơ thể bị thoái hóa. Ngay cả quá trình hấp thụ khoáng chất, tái tạo xương cũng bị suy giảm khiến mật độ xương giảm sút rõ rệt. Ngoài ra, một số nguyên nhân gây loãng xương phải kể đến là do sự thiếu hụt dưỡng chất, ít vận động, hệ miễn dịch bị suy giảm, loãng xương do sử dụng thuốc điều trị bệnh trong thời gian dài hay các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá… Một số bệnh lý như bệnh đường tiêu hóa, bệnh nội tiết hay thiểu năng tuyến sinh dục ở cả nam và nữ… cũng gây loãng xương.

 

TRIỆU CHỨNG LOÃNG XƯƠNG

Loãng xương khi mới bắt đầu thường có diễn biến âm thầm, khó phát hiện. Cho đến khi biểu hiện ra thành triệu chứng thì khối lượng xương đã mất đi đến 30%. Biểu hiện ra các dấu hiệu:

-Đau lưng, đau xương khớp cấp tính hoặc mạn tính

-Cột sống biến dạng thành gù, vẹo hay suy giảm chiều cao

-Xương dễ gãy dù chỉ bị tác động nhẹ, thậm chí tự gãy do áp lực trọng lượng cơ thể.

-Đau ngực, khó thở xảy ra ở những trường hợp các đột sống lồng ngực bị suy giảm mật độ.

 

Loãng xương là tình trạng giảm sút sức mạnh của xương bao gồm khối lượng, mật độ xương

 

AI DỄ BỊ LOÃNG XƯƠNG

-Người cao tuổi có nguy cơ cao mắc bệnh do thoái hóa

-Người mắc phải các bệnh lý ở dạ dày, nội tiết, ung thư…

-Người có cha hoặc mẹ bị loãng xương

-Người hút nhiều thuốc lá, sử dụng rượu bia

-Người có tiền sử dùng thuốc corticoid liên tục trong 3 tháng

-Phụ nữ mãn kinh hay từng phẫu thuật cắt buồng trứng.

 

CHẨN ĐOÁN BỆNH LOÃNG XƯƠNG

-Người bệnh được thăm khám lâm sàng, hỏi triệu chứng và tiền sử gia đình

-Bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp cận lâm sàng như chụp X quang quy ước, đo mật độ xương hoặc chụp cắt lớp, siêu âm nếu cần thiết.

-Xét nghiệm máu và xét nghiệm nước tiểu cho biết quá trình tạo xương và quá trình hủy xương ở người bệnh.

-Có thể chỉ định sinh thiết xương để đánh giá những tổn thương vi cấu trúc xương.

 

ĐIỀU TRỊ LOÃNG XƯƠNG

Điều trị không dùng thuốc

Với những trường hợp loãng xương mức độ nhẹ, cơ thể khỏe mạnh và hấp thụ tốt có thể điều trị loãng xương thông qua chế độ ăn uống bổ sung canxi theo nhu cầu của cơ thể từ 1.000 – 1.500 mg mỗi ngày, đồng thời hạn chế sử dụng rượu bia và chất kích thích để không cản trở quá trình tái tạo xương.

Kết hợp với chế độ ăn uống là thay đổi thói quen sinh hoạt như tập luyện ngoài trời thường xuyên, hạn chế tối đa các tai nạn té ngã, va đập. Người bệnh có thể được chỉ định các dụng cụ hỗ trợ nẹp chỉnh hình và các công cụ hỗ trợ cột sống, để giảm áp lực của trọng lượng cơ thể lên xương.

Điều trị loãng xương bằng thuốc

Canxi và vitamin D được bổ sung bằng đường uống cùng với các loại thuốc chống hủy xương. Tuy nhiên, các loại thuốc này cần có chỉ định nghiêm ngặt của bác sĩ để đạt hiệu quả tốt và giảm thiểu tác dụng phụ.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top