Vì sao bạn bị rối loạn nhu động ruột?

Nội dung

Trong quá trình tiêu hóa bình thường, thức ăn được chuyển qua đường tiêu hóa bằng các sóng co bóp gọi là nhu động. Khi ai đó bị rối loạn nhu động tiêu hóa, những sóng co bóp này không hoạt động theo cách thông thường, có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau.

Thành ruột bao gồm các lớp cơ. Trong điều kiện bình thường, những cơ này co lại và giãn ra theo một nhịp điệu phối hợp, đẩy thức ăn từ thực quản đến dạ dày, và thông qua ruột đến hậu môn.

Nhưng với sự có mặt của rối loạn nhu động, những cơn co thắt này không diễn ra theo một cách phối hợp. Điều này dẫn đến thức ăn không đi qua ruột được.

Rối loạn nhu động dạ dày ruột có thể gây ra một loạt các triệu chứng tiêu hóa, bao gồm khó nuốt, trào ngược dạ dày thực quản (GERD), trung tiện nhiều, táo bón nặng, tiêu chảy, đau bụng, nôn mửa, và đầy hơi.

Vấn đề với các cơ tiêu hóa của bạn có thể là đến từ một trong hai nguyên nhân:

  • Vấn đề của cơ bắp kiểm soát nhu động
  • Vấn đề về thần kinh hoặc hoocmon điều khiển sự co thắt của cơ

Tuy nhiên, có nhiều điều kiện có thể gây ra vấn đề với cả cơ tiêu hóa và dây thần kinh kiểm soát chúng. Nếu bạn đang có các triệu chứng rối loạn nhu động ruột, bạn nên gặp bác sĩ để được chẩn đoán chính xác, vì quá trình điều trị sẽ khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra vấn đề của bạn.

 

Các điều kiện liên quan đến rối loạn nhu động dạ dày ruột thường gặp

Có nhiều các vấn đề về tiêu hóa và không liên quan đến tiêu hóa khác nhau có liên quan đến rối loạn nhu động dạ dày-ruột như:

Hội chứng ruột kích thích (IBS): IBS được xem là một vấn đề về "chức năng" tiêu hóa, có nghĩa là nó ảnh hưởng đến cách hệ thống tiêu hóa của bạn hoạt động nhưng không tự làm hỏng các cơ quan. Khi bạn bị IBS, nhu động tiêu hóa của bạn bị thay đổi - nó nhanh hơn hoặc chậm hơn, dẫn đến tiêu chảy hoặc táo bón. Những cơn co cơ bất thường cũng gây ra đau.

Liệt dạ dày là khi dạ dày chậm trễ trong việc làm rỗng những thứ bên trong nó. Cơ bụng của bạn kiểm soát sự chuyển động của thức ăn đã được tiêu hoá một phần qua dạ dày và trong ruột non. Khi dây thần kinh điều khiển những cơ này bị hư hỏng hoặc không hoạt động bình thường, thực phẩm di chuyển quá chậm. Trong hầu hết các trường hợp liệt dạ dày, bác sĩ không thể xác định nguyên nhân.

Bệnh tiểu đường: có thể bạn không nghĩ về bệnh tiểu đường như là một vấn đề ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của bạn, nhưng trên thực tế khoảng một nửa số người bị tiểu đường cũng bị mắc chứng liệt dạ dày - bệnh tiểu đường là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra rối loạn nhu động dạ dày ruột. Nồng độ đường máu cao có thể là nguyên nhân của vấn đề.

Co thắt thực quản: Đây là những cơn co thắt bất thường của cơ trong thực quản, là ống dẫn thức ăn của bạn từ miệng xuống dạ dày. Các chuyên gia hiện vẫn chưa rõ tại sao các cơn co thắt bất thường xảy ra, mặc dù, ở một số người, thực phẩm quá nóng hoặc quá lạnh có thể gây ra chúng. Đau vì co thắt thực quản có thể bị nhầm lẫn thành đau tim, đó là lý do tại sao bạn nên đi khám bác sỹ.

Bệnh Hirschsprung: Đây là một rối loạn bẩm sinh, trong đó vận động tiêu hóa kém dẫn đến tắc nghẽn trong ruột già. Nó thường phổ biến hơn ở trẻ nam, và đôi khi liên quan đến các tình trạng di truyền quan trọng khác, chẳng hạn như hội chứng Down.

Tắc ruột mạn tính vô căn: Đây là một tình trạng hiếm gặp với các triệu chứng tương tự như tắc nghẽn ruột già. Thay vào đó, những vấn đề với dây thần kinh kiểm soát cơ của tiêu hóa mới là thủ phạm gây nên tình trạng này.

Bệnh xơ cứng bì: Bệnh xơ cứng bì, một bệnh tự miễn, liên quan đến việc siết chặt da và các mô liên kết, nhưng nó cũng có thể ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của bạn. GERD và tắc nghẽn đường ruột rất phổ biến ở những người bị xơ cứng bì.

Achalasia:  là một tình trạng rối loạn của các cơ vòng dưới cùng của thực quản, có tác dụng giãn ra để đẩy thức ăn vào dạ dày của bạn. Khi bạn bị achalasia, các cơ vòng này không thể giãn trong khi nuốt, vì vậy thức ăn không di chuyển dễ dàng từ thực quản của bạn vào dạ dày của bạn. Tình trạng này là do tổn thương thần kinh.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top