Có nên đi khám khi bị run tay không?

Dưới đây là 9 nguyên nhân gây run tay thường gặp bạn nên cảnh giác:

Lo lắng, căng thẳng

Nhiều người thường nhận thấy mình bị run tay khi lo lắng, căng thẳng hoặc trải qua các cảm xúc mạnh mẽ khác. Nếu thấy cơn run tay chỉ xảy ra khi bạn căng thẳng, stress và không đi kèm với triệu chứng nào khác, bạn không cần quá lo lắng về tình trạng này.

 

Uống quá nhiều đồ uống có chứa caffeine

Bổ sung lượng vừa phải caffeine có thể mang lại nhiều lợi ích sức khỏe, nhưng bổ sung quá nhiều (trên 400mg caffeine/ngày) lại có thể gây hại cho cơ thể, bao gồm các triệu chứng như run tay, bồn chồn, nhịp tim nhanh, đổ nhiều mồ hôi.

Thông thường, các triệu chứng này sẽ tự hết khi cơ thể đào thải được lượng caffeine dư thừa. Tuy nhiên, nếu triệu chứng run tay trở nên quá nghiêm trọng, bạn vẫn nên đi khám để được xử lý kịp thời.

 

Tác dụng phụ của một số loại thuốc

Run tay có thể xuất hiện như tác dụng phụ của các loại thuốc ổn định tâm trạng (ví dụ như lithium), một số loại thuốc chống co giật và thuốc giãn phế quản (dùng để điều trị hen suyễn). Nếu bạn nghĩ các loại thuốc mình đang sử dụng là nguyên nhân gây run tay, hãy trao đổi lại với bác sỹ để chuyển sang dùng các loại thuốc khác nếu cần.

 

Thiếu vitamin B12

Thiếu vitamin B12 nghiêm trọng có thể ảnh hưởng tới hoạt động của hệ thần kinh, kích hoạt các cơn run tay. Nếu nghi ngờ đây là nguyên nhân gây run tay, bạn nên ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin B12 như trứng, phủ tạng động vật, hải sản, rong biển, nấm đông cô… hoặc trao đổi với bác sỹ để bổ sung vitamin B12 từ các loại thực phẩm chức năng.

 

Run vô căn

Run vô căn là một nguyên nhân gây run tay phổ biến, thường xảy ra ở những người cao tuổi. Nếu có các thành viên trong gia đình bị run vô căn, bạn cũng sẽ có nguy cơ cao gặp phải tình trạng này khi về già. Thông thường, tình trạng run tay do run vô căn sẽ xảy ra khi bạn sử dụng bàn tay, run giảm dần khi nghỉ ngơi.

 

Bệnh Parkinson

Nhiều người bệnh Parkinson cho biết, run tay là một trong những triệu chứng đầu tiên họ gặp phải. Trên thực tế, Parkinson là một bệnh thoái hóa thần kinh gây ra các triệu chứng rối loạn vận động, ảnh hưởng tới khả năng phối hợp, khả năng giữ thăng bằng của bạn.

Trái ngược với run vô căn, tình trạng run tay do bệnh Parkinson thường trở nên nghiêm trọng hơn nghỉ ngơi và giảm dần khi thực hiện cử động.

 

Đa xơ cứng

Bệnh đa xơ cứng có thể làm tổn thương lớp vỏ bảo vệ các sợi thần kinh (vỏ myelin). Điều này có thể gây ra sự gián đoạn trong việc truyền các tín hiệu thần kinh, biểu hiện bởi các cơn run tay chân.

 

Cường giáp

Cường giáp, hay tình trạng tuyến giáp hoạt động quá mức có thể gây run tay và nhiều triệu chứng khác như nhịp tim nhanh, giảm cân, hồi hộp, khó chịu, khó ngủ và đổ mồ hôi nhiều.

 

Uống quá nhiều rượu bia

Uống quá nhiều rượu bia trong một khoảng thời gian dài có thể là nguyên nhân gây run tay. Thêm vào đó, run tay cũng có thể là triệu chứng của hội chứng cai rượu.

 

Bị run tay khi nào cần đi khám?

Bạn nên chủ động đi khám nếu cơn run tay xảy ra thường xuyên, ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn và ảnh hưởng tới khả năng thực hiện các hoạt động thường ngày. Bạn cũng nên đi khám nếu thấy cơn run tay đi kèm với các triệu chứng khó chịu khác.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top