Polyp túi mật là bệnh thường gặp ở người trưởng thành và có xu hướng ngày càng gia tăng. Hầu hết các trường hợp mắc polyp túi mật đều không có triệu chứng cụ thể. Vì vậy nhiều người thắc mắc là polyp túi mật tự biến mất được không và khi nào thì cần mổ?
Polyp túi mật là tổn thương dạng u hoặc giả u xuất phát từ niêm mạc túi mật và phát triển lồi vào trong lòng túi mật. Polyp túi mật có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng chủ yếu là ở người trưởng thành (từ 30 tuổi trở lên) và có xu hướng gặp nhiều ở nữ.
Hầu hết các trường hợp polyp túi mật không gây ra triệu chứng gì nổi bật. Người bệnh thường vô tình phát hiện ra khi đi khám sức khỏe định kỳ hoặc đi khám bệnh nào đó liên quan đến gan mật. Chỉ khi polyp túi mật có kích thước lớn, gây rối loạn chức năng bài xuất dịch mật thì người bệnh có thể gặp một số triệu chứng tương tự sỏi túi mật. Cụ thể là đau tức, co cứng vùng hạ sườn phải hoặc vùng thượng vị kèm theo đó là triệu chứng đầy bụng, khó tiêu, buồn nôn và nôn.
Polyp túi mật không thể tự biến mất hoặc tự hết. Cách loại bỏ triệt để polyp triệt để nhất là cắt bỏ túi mật. Tuy nhiên phương pháp này chỉ áp dụng khi polyp túi mật có nguy cơ ung thư cao. Trong đa số các trường hợp còn lại, người bệnh có thể sống chung với polyp túi mật. Bởi lẽ, trên 90% trường hợp polyp túi mật là lành tính. Mặc dù vậy người bệnh không được chủ quan, cần thăm khám sức khỏe định kỳ để theo dõi tiến triển của khối polyp.
Mặc dù phần lớn polyp túi mật là lành tính nhưng vẫn có khoảng 5% trường hợp nguy cơ tiến triển thành ung thư. Polyp túi mật ác tính có một số đặc điểm khác với polyp lành tính. Theo đó, những trường hợp polyp bất thường, có khả năng tiến triển thành ung thư cao với những dấu hiệu dưới đây:
– Polyp có kích thước lớn, từ 10mm trở lên.
– Polyp thường xuất hiện đơn độc và không có cuống (chân rộng).
– Polyp phát triển nhanh bất thường, dễ dàng lan rộng hoặc tăng sinh về kích thước cũng như số lượng trong một thời gian ngắn.
– Polyp túi mật đi kèm với tình trạng sỏi túi mật hoặc viêm túi mật mạn tính.
– Polyp xuất hiện ở người trên 50 tuổi.
Việc theo dõi tiến triển của khối polyp cũng như các triệu chứng polyp gây ra là điều mà người bệnh cần làm lúc này. Với những polyp túi mật có kích thước dưới 10mm thì chưa cần mổ mà định kỳ 3-6 tháng đi thăm khám. Nếu thấy khối polyp có các đặc điểm nghi ngờ ác tính thì mới cần phẫu thuật cắt bỏ túi mật.
Hiện nay, cắt bỏ túi mật được thực hiện bằng phương pháp nội soi nên không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe người bệnh. Đây là phẫu thuật xâm lấn tối thiểu, ít đau, hạn chế tối đa những biến chứng giúp người bệnh phục hồi nhanh chóng.
Để phòng tránh polyp túi mật tăng kích thước, người bệnh cần có chế độ ăn uống khoa học nhưng vẫn đảm bảo cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể.
Người bị polyp túi mật vẫn cần bổ sung đầy đủ chất đạm, chất béo, tinh bột và rau xanh để đảm bảo dinh dưỡng cho cơ thể. Nhưng vẫn cần phải lựa chọn thực phẩm vừa tốt cho sức khoẻ, vừa hạn chế tiến triển của polyp.
– Chất đạm: Nên lựa chọn các loại thịt có màu trắng như cá, thịt gà bỏ da, thịt lợn,…hoặc các thực phẩm giàu protein có nguồn gốc thực vật như đậu nành, lạc, óc chó,…
– Chất béo: Nhiều người cho rằng khi bị polyp túi mật thì cần cắt giảm hoàn toàn chất béo vì đa số polyp được hình thành từ cholesterol. Quan điểm này là không chính xác. Bởi lẽ, các chất béo tốt như omega 3,6 giúp kiểm soát các cholesterol xấu. Các chất béo omega này có nhiều trong cá biển (cá hồi, cá trích,..), quả hạch (hạnh nhân, hồ đào, óc chó,..), bơ, đậu nành, oliu,…
– Tinh bột: Thay vì thói quen ăn cơm trắng, bạn có thể đa dạng nguồn bổ sung tinh bột bằng các loại ngũ cốc (lúa mì, lúa mạch, gạo lứt, các loại đậu,…) để bổ sung chất xơ hoà tan, vitamin và các chất chống oxy hóa giúp hạn chế hấp thu cholesterol trong bữa ăn.
– Rau xanh và trái cây tươi: Đây là nguồn cung cấp vitamin và khoáng chất cho cơ thể, đồng thời cung cấp chất xơ giúp cải thiện tình trạng đầy bụng, khó tiêu do polyp túi mật. Một số loại rau củ nên bổ sung là rau chân vịt, củ cải đường, hoa lơ xanh, cam, bưởi, táo,…
Để giảm các triệu chứng và ngăn ngừa polyp phát triển, người bệnh cần hạn chế các loại thức ăn sau đây:
– Thực phẩm chứa nhiều chất béo xấu: các loại đồ ăn chiên xào, thức ăn nhanh, mỡ, da, nội tạng động vật là những thực phẩm chứa nhiều cholesterol, gây đầy bụng, khó tiêu và làm bệnh polyp tiến triển xấu đi.
– Sữa: Người bệnh nên hạn chế hoặc không nên uống quá nhiều sữa nhất là khi cảm thấy đau hạ sườn phải sau khi uống sữa. Thay vì sử dụng sữa nguyên kem, sỡ bò, bạn có thể sử dụng sữa tachs kem, sữa hạt.
– Đồ uống kích thích (cà phê, bia, rượu,..): Sử dụng quá nhiều hoặc thường xuyên các loại đồ uống này có thể gây ra các triệu chứng của bệnh cũng như làm tăng khả năng phát triển của khối polyp.
Trường hợp polyp chưa cần phẫu thuật, người bệnh cần đi thăm khám định kỳ để theo dõi sự tiến triển của polyp:
– Nếu polyp có kích thước nhỏ hơn 6mm: thăm khám sức khỏe định kỳ 6-9 tháng/lần.
– Nếu polyp có kích thước 6-9mm: cần thăm khám sức khỏe mỗi 3 tháng/lần.
Khi phát hiện các dấu hiệu bất thường như đau hạ sườn phải, sốt, nôn,… thì cần tái khám sớm và thông báo với bác sĩ.
Như vậy, polyp túi mật tự biến mất là điều không thể. Điều quan trọng là chúng ta cần hiểu rõ về bệnh để theo dõi và điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, lối sống phù hợp để ngăn chặn sự tiến triển của nó.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh