Đau cơ cổ do nguyên nhân nào gây ra?
Có nhiều nguyên nhân gây đau cơ cổ.
– Hoạt động quá năng động, vượt quá mức cần thiết hoặc làm sai phương pháp như các hoạt động lặp đi lặp lại nhiều lần hay nâng vật nặng quá mức.
– Bị chấn thương, tổn thương hoặc gãy xương.
– Tình trạng thoái hóa cột sống, thường gây ra do sự căng thẳng ở các cơ và dây chằng có chức năng nâng đỡ xương sống, hoặc do ảnh hưởng của sự lão hóa.
– Viêm nhiễm các cơ vùng cổ.
– Những phát triển bất thường như khối u hoặc có cảm giác đau nhức trong xương.
– Các cơ không rắn chắc.
– Căng hoặc co thắt ở cơ.
– Tư thế ngủ không phù hợp.
– Sử dụng bàn phím máy tính trong thời gian quá dài cũng có thể gây ra những tổn thương cho cổ.
Đau cơ ở cổ thường biểu hiện như thế nào?
Thông thường, những cơn đau sẽ xảy ra ở khu vực xung quanh cổ và ảnh hưởng đến vùng cơ của cổ, cơn đau có thể khu trú tại chỗ hay lan tỏa đến vai hoặc vùng xương dẹt giữa hai vai. Chúng còn có thể phát triển rộng xuống cánh tay, chân hoặc lan lên vùng đầu, gây đau nửa đầu hoặc đau cả hai bên.
Phần cơ ở cổ sẽ bị căng, đau, sờ vào thấy cứng, các cơn đau buốt có thể gia tăng bất thường nếu thay đổi tư thế cổ trong trường hợp quay đầu về một bên, tình trạng này vẫn thường được dân gian gọi là chứng “vẹo cổ”.
Trong cơn đau cơ ở cổ, người bệnh có cảm giác đau rát như bị kim châm hoặc ngứa ran ở tay và các ngón tay.
Làm thế nào để chẩn đoán bệnh?
Để chẩn đoán cơn đau cơ ở cổ, người bệnh cần tìm đến bệnh viện để làm các xét nghiệm, kiểm tra cần thiết.
– Chụp X quang: X quang có thể tiết lộ các khu vực ở cổ, nơi dây thần kinh hay tủy sống có thể bị chèn ép bởi xương hoặc lồi đĩa. Nhưng nhiều người, đặc biệt là những người trên 60 tuổi, có những phát hiện này và không đau cổ.
– Chụp cắt lớp (CT). Hình ảnh chụp từ nhiều hướng khác nhau để tạo ra mặt cắt ngang chi tiết của các cấu trúc bên trong của cổ.
– Chụp cộng hưởng từ (MRI). MRI sử dụng sóng radio và từ trường mạnh để tạo ra các hình ảnh chi tiết đặc biệt của xương và các mô mềm, bao gồm các dây thần kinh cột sống và các dây thần kinh từ tủy sống.
– Xét nghiệm máu. Xét nghiệm máu đôi khi có thể cung cấp bằng chứng của tình trạng viêm nhiễm hoặc có thể gây ra đau cổ.
– Chọc dò tủy sống. Kim được cẩn thận đưa vào cột sống để có được mẫu chất dịch bao quanh não và tủy sống. Xét nghiệm này có thể tiết lộ bằng chứng của bệnh viêm màng não.
Đau cơ ở cổ có điều trị được không?
Trong phần lớn các trường hợp, các cơn đau cổ đều có thể điều trị tại nhà bằng cách sử dụng thuốc tây y, chườm nóng, chườm lạnh và nghỉ ngơi.
– Chườm nóng và lạnh luân phiên cứ mỗi 2 giờ lại chườm một lần, mỗi lần trong khoảng 15 phút, chườm ở những vùng mô mềm. Biện pháp này giúp giảm sưng và tránh bị chuột rút ở các cơ.
– Nhẹ nhàng đảo đầu về một bên, bắt đầu từ bên phải rồi thay đổi từ từ sang trái.
– Khi ngồi nhìn thẳng về phía trước, cần ngồi ở tư thế thẳng, giữ cho đầu và cổ nằm ở vị trí chính giữa.
Người bệnh cần tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ để cải thiện nhanh chóng bệnh
– Uống thuốc kháng viêm, thuốc giảm phù nề và giảm đau.
– Cố gắng duy trì những hoạt động bình thường để giúp các cơ ở cổ luôn hoạt động.
Làm thế nào để phòng ngừa bệnh?
Để phòng ngừa đau cơ ở cổ người bệnh cần thả lỏng hai vai, hạ cằm và giữ thẳng đầu để giúp cổ luôn chắc chắn, thẳng và được thoải mái.
– Khi ngủ cần nằm gối thấp, tránh nằm sấp khi ngủ.
– Cần tránh sự căng thẳng trong công việc và trong sinh hoạt hàng ngày.
– Khi làm việc, tránh cúi đầu quá thấp hoặc nghiêng đầu sang một bên quá lâu.
– Luôn thay đổi vị trí và thả lỏng các cơ, căng duỗi cơ thể thường xuyên.
– Thường xuyên luyện tập thể dục, giúp các khớp xương và phần cơ ở cổ được dẻo dai và khỏe mạnh.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh