Khi bị viêm ruột thừa thường có biểu hiện đau hố chậu phải. Tuy nhiên, đau hố chậu phải không chỉ do nguyên nhân từ ruột thừa mà có thể gặp triệu chứng này trong nhiều bệnh khác nhau. Đau hố chậu phải đa số thường gặp những bệnh nguy hiểm, nếu cấp cứu không kịp thời thì rất dễ để lại hậu quả xấu cho người bệnh.
Những bệnh gây đau hố chậu phải
Vùng bụng người ta thường phân thành nhiều vùng để tiện cho việc định vị mỗi khi bị bệnh. Thượng vị là vùng trên rốn, hạ vị là vùng dưới rốn, hạ sườn phải là vùng dưới xương sườn bên phải, hạ sườn trái là vùng dưới xương sườn bên trái. Có hai hố chậu là hố chậu trái và hố chậu phải.
Vùng hố chậu tuy rất hẹp, đặc biệt là hố chậu phải nhưng có nhiều bộ phận của cơ thể nằm hoặc đi qua đó được sắp xếp rất hợp lý và có liên quan với nhau. Hố chậu phải thường có ruột thừa, manh tràng, hồi tràng, đại tràng lên, niệu quản phải, cơ thắt lưng chậu, buồng trứng (nữ giới).
Đau hố chậu phải là một triệu chứng liên quan đến nhiều bệnh của các cơ quan khác nhau, có thể đau mạn tính nhưng cũng rất hay gặp đau cấp tính. Một số bệnh cấp cứu điển hình như viêm ruột thừa, chửa ngoài dạ con vỡ, u nang buồng trứng xoắn…
Viêm ruột thừa thì hầu hết là có đau hố chậu phải, tuy nhiên có một số trường hợp giai đoạn đầu của viêm ruột thừa thì chưa có biểu hiện đau ngay ở hố chậu phải mà đau ở vùng khác của ổ bụng như đau trên rốn, hố chậu trái, dưới rốn hoặc đau quanh rốn rồi dần dần mới thể hiện rõ đau ở hố chậu phải.
Ở trẻ em, khi bị viêm ruột thừa lại càng khó chẩn đoán vì vị trí đau có thể khó xác định, một mặt do trẻ chưa nhận thức được hoặc là lúc đầu vị trí đau chưa khu trú ở hố chậu phải. Vì vậy khi bị đau ở hố chậu phải, hầu hết người ta nghĩ đến một trong những bệnh hay xảy ra, nhất là viêm ruột thừa. Đau hố chậu phải cũng rất hay gặp do sỏi đường tiết niệu, nhất là sỏi niệu quản phải.
Tính chất đau đôi khi khó phân biệt với triệu chứng của viêm ruột thừa hoặc một số bệnh khác. Ở bệnh nhân viêm đại tràng mạn tính, nhất là viêm đại tràng co thắt cũng có biểu hiện đau hố chậu phải đôi khi âm ỉ nhưng cũng có lúc rầm rộ làm cho việc chẩn đoán gặp không ít khó khăn.
Người ta cũng gặp đau hố chậu phải do thủng túi thừa Meckel của ruột gây viêm phúc mạc và rất dễ nhầm với viêm ruột thừa. Trong một số trường hợp thủng dạ dày – tá tràng cũng có thể gây đau ở hố chậu phải do các dịch trong dạ dày chảy xuống hố chậu phải gây đau.
Người ta cũng có thể gặp đau hố chậu phải do lao manh tràng hoặc do áp-xe cơ đáy chậu. Đau hố chậu phải cũng có thể gặp trong một số bệnh nhiễm khuẩn đường ruột gây thủng ruột non như bệnh thương hàn do vi khuẩn salmonella gây ra. Ở nữ giới, đau hố chậu phải còn gặp do u nang buồng trứng phải bị xoắn hoặc vỡ khối chửa ngoài dạ con ở bên phải.
Đây cũng là những bệnh đau vùng hố chậu phải nằm trong diện cấp cứu, nếu để muộn sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh. Các bệnh khác gây đau hố chậu phải cũng có thể gặp không ít khó khăn trong chẩn đoán, đặc biệt là những trường hợp bị viêm ruột thừa trên một người bệnh đã có sẵn sỏi niệu quản, viêm đại tràng co thắt mạn tính hoặc u nang buồng trứng phải.
Cách xử trí khi bị đau hố chậu phải
Đau hố chậu phải không chỉ đơn thuần do một bệnh gây ra mà có nhiều bệnh gây đau ở hố chậu phải. Có bệnh xảy ra thường xuyên mang tính chất mạn tính như viêm đại tràng mạn tính nhưng rất nhiều bệnh xảy ra mang tính chất cấp tính (viêm ruột thừa, u nang buồng trứng xoắn, chửa ngoài dạ con vỡ, thủng dạ dày – tá tràng).
Vì vậy khi bị đau hố chậu phải (người bệnh) hoặc gặp phải người bệnh bị đau hố chậu phải cần hết sức thận trọng. Đối với người bệnh cần nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được khám. Người bệnh nên nhớ rõ, ngoài đau bụng vùng hố chậu phải còn có triệu chứng nào khác đi kèm hay không như sốt, nôn, buồn nôn, bí trung tiện hoặc bí đại tiện hoặc đối với trẻ em thì có đi phân lỏng hay không?
Cũng nên cung cấp cho bác sĩ khám bệnh biết tiền sử có bệnh về đường tiết niệu, bệnh đường ruột (dạ dày, đại tràng) hoặc bệnh của phần phụ hay không như có bị u nang buồng trứng hay đang mang bầu… (phụ nữ). Cũng nên lưu ý rằng khi thấy mình hoặc con cháu, người thân bị đau hố chậu phải thì chưa nên dùng bất kỳ một loại thuốc gì, kể cả thuốc giảm đau bởi vì nếu dùng sẽ làm giảm các triệu chứng, nhất là triệu chứng đau hố chậu phải gây khó khăn cho bác sĩ khám bệnh.
Đối với bác sĩ khám bệnh thì chắc chắn ngoài hỏi bệnh và khám lâm sàng, người bệnh sẽ được xét nghiệm công thức máu để biết bạch cầu, tốc độ máu lắng có tăng hay không? Người bệnh cũng được siêu âm ổ bụng tổng quát để biết tình trạng của ruột thừa, xem xét hệ tiết niệu có sỏi hay không cũng như quan sát phần phụ như tử cung, buồng trứng (nữ giới).
Người ta cũng cho tiến hành chụp hệ tiết niệu, chụp ổ bụng không chuẩn bị để quan sát vùng hố chậu phải có đám mờ hay không hoặc có hình ảnh sỏi đường tiết niệu hay không (tuy nhiên, sỏi đường tiết niệu không cản quang chiếm tỷ lệ khá cao). Dù là nguyên nhân gì gây đau hố chậu phải thì cũng không được chủ quan vì trong hầu hết người bệnh bị đau hố chậu phải mang tính chất ngoại khoa (cấp cứu) nếu để chậm trễ, chẩn đoán nhầm hoặc bỏ sót thì hết sức nguy hiểm cho tính mạng người bệnh.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh