Hiện nay, tỷ lệ người mắc bệnh xương khớp ngày càng gia tăng, đồng thời các bệnh xương khớp cũng đang dần trẻ hóa về độ tuổi. Vì thế, việc tìm hiểu về các bệnh xương khớp thường gặp là rất cần thiết. Dưới đây là chi tiết các bệnh về xương khớp phổ biến.
Theo thống kê tại các bệnh viện, bệnh xương khớp đang có chiều hướng xuất hiện rộng rãi ở mọi lứa tuổi.
Những tổn thương ở xương khớp thường khó có thể hồi phục, để lại di chứng nặng nề và ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe cũng như sinh hoạt bình thường của người bệnh.
Bởi vậy, nếu nắm bắt được thông tin các bệnh xương khớp thường gặp, chúng ta sẽ biết cách phòng tránh và đẩy lùi được tác hại của những căn bệnh này.
Thấp khớp là căn bệnh liên quan tới hệ thống tự miễn dịch mà nguyên nhân chính là do sự viêm nhiễm mạn tính ở phần dịch khớp gây ra.
Bệnh thấp khớp rất dễ nhầm lẫn với các bệnh khớp khác.
Đây cũng là căn bệnh rất khó điều trị vì nó liên quan tới hệ thống tự miễn, tức là do cơ thể tự sinh ra những chất chống lại chính khớp và gây đau. Việc điều trị thấp khớp thường là kéo dài từ 1-2 tháng đến vài năm, thậm chí có khi là điều trị suốt đời.
Bệnh thấp khớp chủ yếu gặp ở nữ giới, biểu hiện là các đợt sưng, nóng, đỏ, đau ở nhiều khớp. Trong đó, các bộ phận thường gặp nhất là khớp nhỏ ở bàn tay, khớp cổ tay, khuỷu, gối, cổ chân, bàn ngón chân cả 2 bên.
Nếu bệnh không được điều trị thì các khớp sẽ nhanh chóng bị biến dạng, dính khớp. Ở giai đoạn muộn, bệnh thường gặp ở các khớp như vai, háng, cột sống cổ với biểu hiện như đau và cứng tại các khớp bị viêm, khó vận động vào buổi sáng, sau khi mới ngủ dậy.
Gout là một loại bệnh viêm khớp khá phổ biến ở nước ta, gặp chủ yếu ở những người trên 40 tuổi và chiếm tỉ lệ cao nhất là người cao tuổi. Bệnh Gout chia thành các giai đoạn cấp tính và mạn tính. Nguyên nhân của bệnh là do sự rối loạn chuyển hóa, trong đó có tình trạng tăng acid uric trong máu.
Bệnh thường gặp ở nam giới và có liên quan tới chế độ ăn uống của người bệnh như ăn quá nhiều chất đạm, uống quá nhiều bia, rượu…
Biểu hiện của bệnh Gout là các khớp xương bị viêm, sưng tấy, nóng, đau nhức. Bên cạnh đó, sự tăng chất acid uric trong máu sẽ gây ra tình trạng hình thành sạn trong thận.
Hầu hết các bệnh nhân Gout có các cơn đau tái phát trong vòng vài năm, tùy theo thể trạng và lối sống.
Thoát vị đĩa đệm là do nhân nhầy đĩa đệm ở cột sống thoát ra khỏi vị trí bình thường.
Nguyên nhân gây ra thoát vị đĩa đệm do các yếu tố di truyền, sai tư thế trong lao động, vận động, thoái hóa tự nhiên hay bị tai nạn, chấn thương cột sống…
Người bị thoát vị đĩa đệm thường tập trung ở các dạng chính như: thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ, thoát vị đĩa đệm đốt sống thắt lưng và thoát vị đĩa đệm mất nước.
Bệnh gây ra các triệu chứng tê nhức lan dọc từ thắt lưng xuống mông và chân, hoặc đau từ vùng cổ, gáy rồi lan ra hai vai, lan xuống cánh tay, bàn tay,… Ngoài ra, bệnh còn gây đau cột sống và đau rễ thần kinh với mỗi đợt đau có thể kéo dài từ 1- 2 tuần.
Giai đoạn đầu có thể bị đau âm ỉ nhưng càng về sau thì càng đau nhiều và dữ dội hơn.
Thoái hóa khớp là tình trạng tổn thương phần sụn khớp và xương dưới sụn, kèm theo các phản ứng viêm và giảm thiểu lượng dịch khớp. Tuổi tác, tình trạng béo phì hay những chấn thương nhẹ hoặc mãn tính ở khớp là các yếu tố quan trọng liên quan đến thoái hóa khớp. Thoái hóa khớp bao gồm cả sụn, khớp, cả những tổn thương thoái hóa tại các đĩa liên đốt. Đặc trưng của căn bệnh là sự thoái hóa của sụn và sự phì đại xương tại các diện khớp.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh