Rối loạn giấc ngủ ở trẻ

Nội dung

Rối loạn giấc ngủ ở trẻ nhỏ

Rối loạn giấc ngủ ở trẻ là một vấn để có thể ảnh hưởng đến trẻ ngay từ 6 tháng tuổi, nếu không được điều trị nó có thể kéo dài đến tuổi trưởng thành. Ở mỗi độ tuổi, trẻ sẽ có nhu cầu về thời gian ngủ khác nhau, ở trẻ sơ sinh có thể ngủ từ 18 - 20 tiếng mỗi ngày, mỗi giấc kéo dài từ 30 phút - 3 giờ đồng hồ.

Quan trọng là ở trẻ sơ sinh giấc ngủ không có quy luật, trẻ có thể ngủ nhiều hơn vào ban đêm hoặc ban ngày, trong trường hợp trẻ ngủ vào ban ngày nhiều thì ban đêm sẽ thức nhiều hơn. Nhưng ở một số trường hợp nào đó, trẻ có thể ngủ ít hơn hay thức xuyên cả ngày hay đêm thì đồng nghĩa với việc trẻ đang phải đối mặt với chứng rối loạn giấc ngủ.

Một số nghiên cứu cho thấy có khoảng 25% - 30% số lần phụ huynh cùng trẻ đi khám có liên quan đến các vấn đề về rối loạn giấc ngủ.

Khi bị rối loạn giấc ngủ, trẻ thường khó đi vào giấc ngủ, hay thức giấc vào ban đêm hoặc thức giấc vào sáng sớm.

Trẻ mệt mỏi, buồn ngủ vào ban ngày và tình trạng này có thể lặp đi lặp lại khiến trẻ uể oải, ủ rũ, khó chịu suốt cả ngày. Đôi khi cản trở sự phát triển cả về thể chất và trí tuệ của trẻ.

 

Cha mẹ cần làm gì khi trẻ bị rối loạn giấc ngủ?

Mỗi trẻ có một nhu cầu, thói quen cũng như những vấn đề khác nhau liên quan đến giấc ngủ. Vì vậy, cha mẹ phải biết con mình cần ngủ bao nhiêu, sau đó không cho con bạn thức khuya hay ngủ nướng vào cuối tuần.

- Cha mẹ nên nhắc nhở, khuyến khích con đi ngủ và dậy vào cùng 1 thời điểm trong ngày. Điều này giúp đồng hồ sinh học của cơ thể hoạt động nhịp nhàng.

- Cha mẹ cần tạo thói quen trước khi đi ngủ bằng cách hãy dành khoảng 40 phút cho trạng thái thả lỏng, thư giãn trước khi lên giường. Những hoạt động có thể kể đến như tắm bằng nước ấm, uống sữa ấm, viết nhật ký, đọc truyện sách, nghe các bản nhạc nhẹ nhàng...

- Cha mẹ cần ngắt các thiết bị điện tử trong phòng ngủ ít nhất 1 giờ trước khi đi ngủ. Tất cả các kích thích bao gồm: Loa, điện thoại di động, màn hình vi tính và ti vi... Giới hạn ngay từ khi trẻ còn nhỏ để tránh những điều này trước khi đi ngủ.

Không cho phép con bạn sử dụng các thiết bị điện tử trước khi đi ngủ. Hãy nhớ những gì trẻ đang uống, vì thức uống có chứa chất kích thích như sô-cô-la và sữa sô-cô-la có thể khiến trẻ khó đi vào giấc ngủ hơn. Hạn chế uống các chất kích thích sau 15 giờ. Ngay cả khi trẻ dậy thì, trẻ bắt đầu tiết ra hoóc môn Melatonin vào giờ muộn hơn về đêm so với trẻ nhỏ, điều này đã ảnh hưởng đến nhịp ngày đêm của trẻ, khiến trẻ đi ngủ muộn hơn và dậy muộn hơn vào sáng hôm sau. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, các trẻ vị thành niên ngủ sâu và hoạt động tốt hơn vào ban ngày nếu bố mẹ thiết lập giờ ngủ cho trẻ vào buổi tối.

- Cha mẹ chú ý đến dinh dưỡng cho trẻ để giúp con ngủ tốt hơn, trong đó trẻ cần ăn bữa sáng khoa học để giúp trẻ kích hoạt đồng hồ sinh học. Cần bảo đảm rằng con bạn có một bữa tối đủ chất tại một thời điểm hợp lý. Cảm giác quá đói hay quá no trước khi đi ngủ cũng là nguyên nhân khiến các con ngủ không ngon giấc. Cần đảm bảo rằng trong khẩu phần ăn của trẻ có đủ chất sắt. Thực phẩm chứa sắt bao gồm các loại thịt màu đỏ, rau xanh, đậu lăng...

- Cha mẹ cần khuyến khích trẻ vận động thể dục thể thao thường xuyên, tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên càng nhiều càng tốt, đặc biệt là vào buổi sáng. Việc này giúp cơ thể sản xuất ra Melatonin vào đúng thời điểm trong chu kỳ giấc ngủ sinh học của trẻ. Trẻ tích cực hoạt động và tập thể dục sẽ giúp trẻ ngủ sâu và lâu hơn.

Tóm lại: Rối loạn giấc ngủ không chỉ gặp ở người lớn mà có thể gặp ngay ở trẻ nhỏ. Vì vậy, nếu cha mẹ áp dụng các biện pháp trên mà trẻ vẫn gặp rắc rối khi ngủ như: Khó ngủ, không ngủ được... thì cần cho trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn cụ thể. Nói chung, sử dụng các biện pháp trên sẽ giúp trẻ giảm dần và hết chứng rối loạn mất ngủ. Tuy nhiên, trẻ mắc các bệnh lý khác có thể cần được trợ giúp thêm để dễ ngủ.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top