✴️ Các chỉ định khám bệnh giúp xác định viêm cơ tim

Nội dung

Các chỉ định khám bệnh giúp xác định viêm cơ tim

Khi đi khám viêm cơ tim, người bệnh sẽ được bác sĩ chuyên khoa thăm khám lâm sàng và chỉ định một số xét nghiệm cận lâm sàng như:

  • Công thức máu: Xác định số lượng, tính chất của các tế bào hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu. Xét nghiệm công thức máu được sử dụng để đánh giá tình trạng bệnh nhân, xác định tình trạng nhiễm trùng, chẩn đoán loại trừ các bệnh về máu.
  • Chất chỉ điểm sinh học: Xác định sự thay đổi của các marker như CK-MB, Troponin T hoặc Troponin I, NT- proBNP/BNP. 
  • CK-MB là chất chỉ điểm sinh học đặc hiệu cho cơ tim. Khi cơ tim bị hoại tử, nồng độ CK-MB sẽ tăng cao trong máu.
  • Troponin là protein có tác dụng điều hòa hoạt động co cơ. Khi cơ tim bị tổn thương, Troponin T được giải phóng khỏi tế bào cơ tim và tăng lên trong máu. Việc định lượng Troponin T trong huyết tương có thể phát hiện các tổn thương cơ tim.
  • Tương tự như Troponin T, Troponin I cũng được sử dụng để phát hiện những bất thường của cơ tim.
  • NT- proBNP/BNP: Là chỉ số quan trọng được sử dụng trong chẩn đoán và tiên lượng bệnh nhân suy tim. Đối với viêm cơ tim, NT- proBNP/BNP tăng lên được giải thích là do cơ tim bị thiếu máu hoặc thiếu oxy.
  • Điện tâm đồ: Điện tâm đồ là hình ảnh ghi lại hoạt động của tim. Đây là xét nghiệm thường quy khi khám tim mạch. Sự thay đổi của điện tâm đồ được sử dụng để chẩn đoán viêm cơ tim và rất nhiều bệnh lý tim mạch khác.
  • Xquang ngực: Phim chụp XQuang có thể xác định bất thường về vị thế tim, bóng tim, các buồng tim, động mạch chủ, động mạch phổi và các thay đổi khác.
  • Siêu âm tim: Thông qua hình ảnh siêu âm có thể quan sát được cấu trúc tim, hoạt động của tim, khả năng tống máu, sức co bóp, kích thước tim, sự hoạt động của van tim. Siêu âm tim giúp xác định các tổn thương trên cơ tim. 
  • Chụp động mạch vành cản quang chọn lọc qua da: Đây là kỹ thuật dùng ống thông để bơm thuốc cản quang vào lòng động mạch vành nhằm xác định và đánh giá những tổn thương của mạch vành.
  • Chụp cộng hưởng từ tim: Có vai trò quan trọng trong chẩn đoán, đánh giá, theo dõi viêm cơ tim cũng như nhiều bệnh lý tim mạch khác (bệnh tim bẩm sinh, bệnh mạch vành, u tim, bệnh van tim, bệnh màng ngoài tim, bệnh lý chuyển hóa khác:.
  • Sinh thiết nội mạc cơ tim: Nhằm phát hiện, đánh giá mức độ của bệnh lý cơ tim do nhiễm trùng hoặc thâm nhiễm.

Phương pháp điều trị viêm cơ tim cấp tính 

Tùy từng trường hợp bệnh nhân, các bác sĩ sẽ phối hợp một hay nhiều phương pháp điều trị khác nhau:

  • Điều trị đặc hiệu (điều trị dựa theo nguyên nhân gây bệnh): Nếu xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh do chủng loại vi khuẩn, virus, ký sinh trùng, nấm nào thì thực hiện điều trị tích cực để loại bỏ mầm bệnh. Một số mầm bệnh gây viêm cơ tim có điều trị đặc hiệu gồm Cytomegalovirus, Borrelia burgdorferi, Mycobacterium tuberculosis, Salmonella, Shigella, Leptospirosis, Brucella, Candidiasis, Coccidioides immitis, Cryptococcus, Toxoplasma gondii, Trichinella spiralis ,…
  • Điều trị nâng đỡ:
    • Điều trị suy tim: Giảm muối trong chế độ ăn, thuốc lợi tiểu, thuốc ức chế men chuyển, thuốc ức chế beta, digoxin.
    • Điều trị rối loạn nhịp tim: Viêm cơ tim dẫn đến nhịp tim bị rối loạn. Ngoại tâm thu thất hoặc tâm thu nhĩ không triệu chứng hoặc loạn nhịp thoáng qua không có triệu chứng thì không cần điều trị. Nhịp chậm có triệu chứng không dai dẳng thì dùng thuốc. Nhịp nhanh thất , cơn nhịp nhanh thất dùng thuốc chống loạn nhịp. Rối loạn nhịp thất nguy hiểm thì cấy ICD sau giai đoạn cấp. Block hoàn toàn hoặc nhịp chậm có triệu chứng trong giai đoạn cấp đặt máy tạo nhịp tạm thời.
  • Điều trị kháng đông: Chỉ định Warfarin khi có rung nhĩ hoặc huyết khối buồng tim.
  • Điều trị khác: Sử dụng corticosteroids trong trường hợp viêm cơ tim không phải do nhiễm trùng. 
  • Điều trị trường hợp nặng: Cần chỉ định sớm sốc tim, dùng thuốc tăng co bóp tim và có thể đặt bóng đối xung động mạch chủ (IABP),  tim – phổi nhân tạo (ECMO),…

 

Những lưu ý cơ bản về chế độ sinh hoạt dành riêng cho bệnh viêm cơ tim

Viêm cơ tim gây ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe, làm tăng nguy cơ tử vong. Bên cạnh tuân thủ phác đồ điều trị tích cực, chế độ sinh hoạt hợp lý cũng góp phần hạn chế các triệu chứng, hỗ trợ quá trình điều trị và giảm nguy cơ biến chứng do viêm cơ tim gây ra.

  • Nghỉ ngơi hợp lý, giảm áp lực lên tim đặc biệt quan trọng trong quá trình phục hồi. Nếu đang viêm cơ tim đang ở giai đoạn cấp, người bệnh nên nghỉ ngơi hoàn toàn, hạn chế vận động. Sau khi điều trị tích cực, bạn có thể tập luyện vừa phải bằng cách đi bộ, thiền định,… 30 phút mỗi ngày.
  • Ngủ đủ giấc, đảm bảo duy trì ngủ đủ 7 – 8 giờ mỗi ngày. Nên đi ngủ sớm, trước 11 giờ.
  • Không hút thuốc lá, thuốc lào (kể cả thuốc lá điện tử).
  • Không uống rượu bia hay sử dụng các chất kích thích khác.
  • Ăn nhiều trái cây, rau xanh, các loại hạt nhiều chất xơ tự nhiên.
  • Ăn thực phẩm ít cholesterol, hạn chế chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa. Nên dùng nguồn chất béo lành mạnh từ quả óc chó, đậu nành, cá hồi.
  • Giảm lượng muối dưới 2.3g/ngày.
  • Chế biến thức ăn bằng cách luộc, hấp thay cho chiên, xào.
  • Bổ sung thực phẩm giàu kẽm để cải thiện hệ miễn dịch.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top