✴️ 10 câu hỏi thường gặp trong nội soi ống tiêu hóa

Nội soi là gì?

Nội soi là một phương thức thăm khám trực tiếp trên cơ thể người bệnh. Với phương pháp này, các bác sĩ sẽ đưa một ống soi mềm, đầu có gắn đèn và camera phóng đại gấp nhiều lần giúp quan sát trực tiếp, thấy rõ các tổn thương từ lớn đến nhỏ như viêm loét, dị vật, dị dạng mạch máu niêm mạc…mà camera truyền tải về trên máy tính. Từ đó, các bác sĩ sẽ xác định được mức độ những tổn thương của người bệnh để đưa ra phác đồ điều trị phù hợp nhất.

Ống nội soi được đưa vào cơ thể thông qua các đường tự nhiên như miệng, mũi, hậu môn… Với kỹ thuật nội soi, các bác sĩ có thể quay phim, chụp hình bên trong các cơ quan, có thể lấy đi dị vật, sinh thiết và đặc biệt là có thể thực hiện phẫu thuật nội soi.

Hiện nay, nội soi được sử dụng hầu hết trong các chuyên khoa như: tai mũi họng, tiêu hóa, sản, ngoại, tiết niệu, thẩm mỹ…

Vai trò của nội soi ống tiêu hóa là gì?

  • Phát hiện chính xác các tổn thương bên trong các cơ quan trong cơ thể dù rất nhỏ và những bất thường như polyp, khối u lành tính hay ác tính, các tổn thương trên ống tiêu hóa bị chảy máu…

  • Chẩn đoán xác định, không bỏ sót tổn thương nào ngay khi người bệnh chưa có bất kỳ triệu chứng nào.

  • Giúp phát hiện những vùng niêm mạc bất thường rõ nét và bác sĩ có thể tiến hành can thiệp như lấy mẫu bệnh phẩm sinh thiết, giúp chẩn đoán chính xác ung thư.

  • Qua nội soi, các bác sĩ có thể can thiệp cầm máu (nếu đang chảy máu) hoặc cắt polyp để tránh polyp chảy máu hoặc phát triển thành tiền ung thư.

Nội soi ống tiêu hóa được áp dụng cho những đối tượng nào?

  • Những người có các triệu chứng bất thường trong cơ thể như: buồn nôn, khó tiêu, đi ngoài ra máu, đau thượng vị, đau rát họng…

  • Bệnh nhân mắc các bệnh mãn tính như dạ dày, đại trực tràng… thì nên đi nội soi định kỳ khoảng 2 lần/năm.

  • Người có người thân bị mắc các bệnh về đường tiêu hóa, ung thư…thì cũng nên đi nội soi kiểm tra định kỳ.

  • Người thường xuyên hút thuốc lá, uống rượu bia.

  • Những người đi tầm soát để phát hiện sớm các bệnh ung thư dạ dày, ung thư đại trực tràng…

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, bác sĩ cũng có thể không áp dụng phương pháp nội soi ống tiêu hóa cho bệnh nhân nếu bệnh nhân ở trong các trường hợp như: người bị suy tim, người bị suy hô hấp, người bị thiếu máu, nhồi máu cơ tim, người mắc hội chứng tâm thần không phối hợp và người mới ăn no.

nội soi ống tiêu hóa

Bao nhiêu lâu nên nội soi ống tiêu hóa một lần? 

Việc thời gian nội soi dạ dày bao lâu một lần còn tùy theo mục đích và từng tình trạng bệnh mà bệnh nhân gặp phải thì thời gian để tái khám nội soi cũng được quy định không giống nhau.

Thêm vào đó, một ca nội soi cũng rất tốn kém đặc biệt là những phương pháp có gây mê, nội soi cắt polyp… Chính vì vậy, việc chúng ta đi nội soi thường xuyên là một lựa chọn không nên.

Một số các trường hợp và mức độ nội soi cần thiết cụ thể như:

  • Nhiễm vi khuẩn HP đường tiêu hóa mãn tính, không có loạn sản thì nên nội soi tầm soát ung thư 3 năm/ 1 lần.

  • Bệnh nhân bị tổn thương đường tiêu hóa nghiêm trọng và chưa điều trị thì nội soi 3 – 6 tháng/ 1 lần để kiểm tra.

  • Những người bị đau dạ dày, đại trực tràng ở mức độ nhẹ, không phát hiện thấy loạn sản thì không cần phải đi nội soi lại lần 2.

  • Bệnh nhân bị xuất huyết cơ quan tiêu hóa thì cần nội soi vài lần trong ngày để tiến hành các biện pháp điều trị.

Nội soi nhiều có tốt không? Có ảnh hưởng gì không?

Kỹ thuật nội soi ống tiêu hóa mặc dù mang nhiều ưu điểm vượt trội so với nhiều phương pháp thăm khám khác trong việc chẩn đoán các bệnh lý và mang lại kết quả chính xác gần như tuyệt đối, tốn ít thời gian, đối tượng an toàn. Tuy nhiên, theo các khuyến cáo của bác sĩ, nếu nội soi thường xuyên mà không được các bác sĩ chỉ định thì cơ thể của bạn cũng có thể gặp những ảnh hưởng không tốt.

Nội soi được đánh giá là phương pháp thăm khám có tính an toàn cao, rất ít bị tai biến, tuy nhiên phương pháp này sử dụng công cụ chuyên biệt để đưa vào cơ thể nên trong quá trình nội soi có thể xảy ra những tình huống không mong muốn như bị đau họng, đau mũi, thủng dạ dày… Một số vấn đề thường gặp sau nội soi dạ dày là đau bụng; đau quặn bụng sau khi nội soi đại tràng…

Để không gây ra cảm giác đau, khó chịu cho người bệnh trong quá trình nội soi, bác sĩ sẽ gây mê cho người bệnh. Một số người dùng phương pháp nội soi gây mê có thể bị tụt huyết áp, dị uống thuốc mê, huyết áp rối loạn…

Tuy nhiên, các tình trạng này cũng rất ít khi xảy ra, nên bạn cũng không cần phải quá lo lắng nhé.

Nội soi có đau không?

Hiện nay, có 2 phương pháp nội soi ống tiêu hóa là nội soi gây mê và không gây mê.

Tùy vào từng bệnh lý của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên phù hợp là bệnh nhân nên sử dụng phương pháp nào.

Những bệnh nhân đi kiểm tra nội soi tai mũi họng thông thường sẽ không cần gây mê do quá trình nội soi nhẹ nhàng, nhanh chóng và không gây đau đớn hay khó chịu gì cho người bệnh.

Còn những bệnh nhân có bệnh lý về đường tiêu hóa như dạ dày, đại trực tràng thì bác sĩ sẽ chỉ định nội soi gây mê. Bác sĩ sẽ tiêm một lượng thuốc vừa đủ vào tĩnh mạch trên cánh tay giúp bệnh nhân trải qua một giấc ngủ ngắn. Kèm theo đó là có các thiết bị theo dõi nhịp tim, nhịp thở và huyết áp được gắn trên người bệnh nhân. Bệnh nhân sẽ không có bất kỳ cảm giác đau đớn hay khó chịu trong quá trình nội soi. Cũng như thời gian gây mê ngắn, lượng thuốc mê ít nên không ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm sinh lý người bệnh.

Để trả lời cho câu hỏi “Nội soi có đau không?” thì các bạn yên tâm, với sự phát triển của y khoa và các phương pháp hỗ trợ thì nội soi sẽ không gây cho bạn cảm giác đau đớn trong quá trình thực hiện.

Nội soi xong bị đau họng có ảnh hưởng gì không?

Một trong số các biến chứng xảy ra sau quá trình nội soi ống tiêu hóa có thể gây đau họng cho người bệnh. Chúng ta cùng tìm hiểu nguyên nhân và các hạn chế tình trạng này nhé.

Phương pháp nội soi qua đường miệng có thể gây đau họng cho bệnh nhân. Một số nguyên nhân gây nên như:

  • Bác sĩ sử dụng ống soi cứng, khó di chuyển gây tổn thương vòm họng trong quá trình luồn ống soi.

  • Xước niêm mạc họng cạnh Amidan do luồn ống nội soi. Nếu trong trường hợp này, có thể bạn bị viêm amidan cấp hoặc mãn tính khiến amidan của bạn to hơn bình thường.

  • Do thao tác của bác sĩ thực hiện chưa khéo léo dẫn đến cổ họng bị xước trong quá trình nội soi.

  • Bệnh nhân vẫn còn thức và cử động nhiều trong quá trình nội soi sẽ tăng nguy cơ tổn thương vùng họng khi đưa ống nội soi qua.

Vậy để hạn chế tình trạng bị đau họng sau khi nội soi ống tiêu hóa, bạn có thể áp dụng một vài cách dưới đây nhé:

  • Làm sạch khoang miệng bằng cách súc miệng bằng nước muối sinh lý, đặc biệt bạn nên tránh ho hoặc khạc nhổ.

  • Ngậm mật ong.

  • Nên dùng thức ăn lỏng như: súp; cháo loãng, sữa nguội…

  • Tránh thực phẩm cay nóng, đồ chế biến ăn sẵn.

  • Không nên dùng: bia, rượu, thuốc lá… không dùng đá lạnh.

  • Nếu trường hợp bạn bị đau họng sau nội soi do amidan thì bạn nên đến cơ sở y tế để thăm khám và điều trị amidan.

nội soi ống tiêu hóa

Cần lưu ý gì trước khi nội soi ống tiêu hóa?

Có cần nhịn ăn không?

Tùy vào phương pháp nội soi cũng như nội soi cơ quan nào trong cơ thể thì bác sĩ sẽ căn dặn bệnh nhân có cần phải nhịn ăn hay không.

  • Nội soi tai mũi họng không cần nhịn ăn. Nếu cần, người bệnh chỉ cần làm sạch vùng khoang miệng và mũi bằng cách vệ sinh với nước muối sinh lý trước khi đến nội soi

  • Nội soi tiêu hóa như nội soi dạ dày, nội soi đại trực tràng… bệnh nhân cần nhịn ăn từ tối hôm trước hoặc ít nhất 6 tiếng, cần làm sạch ruột bằng thuốc hoặc thụt trước khi nội soi để hình ảnh nội soi được rõ ràng và chính xác.

  • Trong trường hợp bệnh nhân làm phương pháp nội soi gây mê. Trước khi nội soi, người bệnh cần phải thực hiện một số các xét nghiệm máu. Nên để kết quả xét nghiệm được chính xác, bệnh nhân nên nhịn ăn trước khi nội soi.

Có cần nhịn uống không?

Cũng như phần trên, trước khi nội soi ống tiêu hóa bệnh nhân cần nhịn ăn ít nhất 6 tiếng thì việc nhịn uống cũng hết sức quan trọng.

Người bệnh nên nhịn uống trước 2 – 3 tiếng trước khi nội soi. Đặc biệt, người bệnh tránh dùng các loại sữa, nước có chất tạo màu như cà phê, nước ngọt, nước hoa quả…trước khi nội soi đường tiêu hóa.

Chi phí nội soi là bao nhiêu? 

Chi phí nội soi ống tiêu hóa luôn là câu hỏi được rất nhiều người bệnh băn khoăn đặt ra và tìm hiểu. Thực tế thì hầu như không có con số cụ thể nào cho việc thăm khám bằng phương pháp nội soi bởi chi phí thực hiện sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như: phương pháp thực hiện, địa chỉ thăm khám…

Vậy nên, ngoài việc bạn quan tâm đến chi phí thì việc quan trọng nhất là bạn nên tìm một địa chỉ y tế uy tín để thực hiện nội soi ống tiêu hóa một cách chính xác nhất.

Nội soi ống tiêu hóa ở bệnh viện nào uy tín nhất hiện nay?

Hiện nay, có rất nhiều cơ sở khám chữa bệnh thực hiện được kỹ thuật nội soi ống tiêu hóa. Tuy nhiên, bạn nên tìm hiểu kỹ và chọn nội soi ở bệnh viện, phòng khám uy tín, đội ngũ bác sĩ, trang bị máy nội soi hiện đại, phương pháp khử trùng trước và sau nội soi…

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top