Bạn có đang làm việc quá nhiều?

Một nghiên cứu gần đây của Tổ chức Y tế Thế giới và Tổ chức Lao động Quốc tế cho thấy làm việc hơn 55 giờ một tuần có thể có những tác động tiêu cực đến sức khỏe của bạn. 

Làm việc quá nhiều có hại không?

Trong ngắn hạn, làm việc quá nhiều gây ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe thể chất và tinh thần của bạn. Mặc dù một tuần làm việc truyền thống là khoảng 40 giờ, nhưng ngày nay điều đó rất phi thực tế. Nhiều người trong chúng ta có thời gian làm việc vượt quá 40 giờ mỗi tuần, do quá tải công việc, do nhân sự thiếu...

Theo nghiên cứu, làm việc hơn 55 giờ mỗi tuần làm tăng nguy cơ mắc bệnh mạch vành, tình trạng đau ngực tái phát hoặc đột quỵ. 

 

Tác dụng phụ của việc làm việc quá nhiều

Làm việc quá nhiều gây ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn theo nhiều cách. Nếu bạn làm việc quá sức, nồng độ cortisol (hormone căng thẳng) trong cơ thể sẽ tăng lên, có thể dẫn đến sương mù não, tăng huyết áp và một loạt các vấn đề sức khỏe khác. Theo chuyên gia, việc này giống như một chiếc ô tô đang cố gắng chạy với lượng xăng rất hạn chế trong bình. Kéo dài như vậy, nguồn dự trữ năng lượng của bạn sẽ cạn kiệt. Dưới đây là một số tác dụng phụ thường gặp của việc làm việc quá sức:

 

Không ngủ đủ giấc

Ngủ không đủ giấc có thể là một dấu hiệu cho thấy bạn đang làm việc quá sức. Giấc ngủ giúp cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần, vì vậy, việc thiếu ngủ có thể ảnh hưởng đến cách bạn đối phó với căng thẳng, giải quyết vấn đề hoặc phục hồi sau bệnh tật.

 

Không ăn đủ bữa trong ngày

Nếu bạn đang làm việc quá nhiều, bạn rất dễ bị cuốn vào công việc và quên cả việc ăn đủ bữa. Không ăn và bỏ bữa có thể khiến lượng đường trong máu của bạn giảm xuống, dẫn đến năng lượng thấp và thậm chí có khả năng bạn sẽ ăn nhiều thực phẩm không lành mạnh vào cuối ngày.

 

Không tập thể dục

Tất cả chúng ta đều biết tập thể dục là quan trọng nhưng khi làm việc quá sức, đó là việc đầu tiên chúng ta sẽ cắt giảm trong ngày. Một số hình thức tập thể dục - lý tưởng nhất là 150 phút tập thể dục cường độ vừa phải hoặc 75 phút tập aerobic mạnh mỗi tuần - có thể giúp ngăn ngừa trầm cảm, giảm huyết áp, cải thiện cholesterol, giúp kiểm soát lượng đường trong máu và giảm nguy cơ mắc bệnh tim và bệnh tiểu đường.

 

Bỏ bê các mối quan hệ

Nếu bạn đang bỏ lỡ các buổi vui chơi, gặp gỡ hoặc các hoạt động cuối tuần vì công việc, bạn đang bỏ lỡ thời gian xã hội quan trọng không chỉ mang lại lợi ích cho bạn mà cả những người thân yêu của bạn. Có những mối liên hệ xã hội đó giúp bạn loại bỏ sự cô đơn, nó cũng giúp cải thiện trí nhớ và kỹ năng nhận thức của bạn, đồng thời tăng cảm giác hạnh phúc cho bạn.

 

Sử dụng ma túy hoặc rượu

Theo chuyên gia tâm lý, không có gì lạ khi mọi người chuyển sang sử dụng các chất kích thích khi họ cảm thấy quá tải trong công việc. Lạm dụng chất kích thích có thể dẫn đến giảm năng suất làm việc, gia tăng các chấn thương thể chất trong khi làm việc và ảnh hưởng đến khả năng tập trung của bạn.

 

Dấu hiệu của sự mất cân bằng giữa cuộc sống và công việc

Dưới đây là một số dấu hiệu cho thấy bạn đang mất cân bằng giữa cuộc sống lành mạnh và công việc:

  • Bạn ngừng chăm sóc bản thân
  • Bạn không tập trung vào sức khỏe tinh thần của mình
  • Công việc của bạn không còn ý nghĩa nữa
  • Bạn không ngừng lo lắng về hiệu quả công việc
  • Bạn gặp khó khăn khi thiết lập ranh giới giữa nhà và nơi làm việc
  • Bạn đang cô đơn

 

Làm thế nào để quản lý căng thẳng trong công việc

Cân bằng giữa công việc và cuộc sống tốt hơn sẽ khiến bạn không chỉ làm việc hiệu quả hơn mà còn khỏe mạnh hơn về tổng thể. Dưới đây là một số cách nhỏ để bạn có thể giảm bớt căng thẳng trong công việc.

  • Lập kế hoạch làm việc: Xác định xem bạn sẽ làm gì hôm nay và thời gian bạn muốn hoàn thành. Thực hiện theo sát kế hoạch bạn đã đề ra. 
  • Đặt một thói quen sau giờ làm việc: Lên kế hoạch cho một điều gì đó mà bạn mong đợi sau giờ làm việc như một lớp tập thể dục, đọc sách hoặc tập yoga.

Dù chưa xác định rõ cơ chế chính xác, nhưng WHO cho rằng những người có xu hướng làm việc quá mức có tuổi thọ ngắn hơn so với những người có lối sống cân bằng. Đó có thể là vì stress làm gia tăng sự hao mòn trong cơ thể, khiến cơ thể dễ nhiễm bệnh hơn. Hoặc có thể là do sự gián đoạn các quá trình quan trọng trong cơ thể như đã nói trên. Vì thế, để tránh nguy cơ mắc các vấn đề về tâm thần và tổn thọ, bạn cần quán xuyến công việc thật hợp lý và hiệu quả.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top