✴️ Nội soi dạ dày đại tràng: Khi nào cần thực hiện?

1. Khái niệm nội soi dạ dày đại tràng

1.1. Nội soi dạ dày

Nội soi đại tràng là kỹ thuật thăm dò chức năng kiểm tra ống tiêu hóa trên, gồm thực quản, dạ dày và tá tràng. Ống nội soi nhỏ sẽ được bác sĩ đưa vào trong dạ dày của người bệnh. Ống nội soi có thể đi qua đường miệng hoặc đường mũi. Đầu ống có gắn camera và đèn, trực tiếp thu lại hình ảnh niêm mạc và chiếu lên màn hình.

Nội soi dạ dày giúp xác định nguyên nhân của các triệu chứng bất thường về tiêu hóa, như: đau thượng vị, buồn nôn, ợ hơi, khó nuốt,… Trong quá trình nội soi, bác sĩ có thể sinh thiết mẫu mô để xét nghiệm vi khuẩn HP và tế bào ung thư.

Bên cạnh đó, nội soi còn phát hiện các bệnh lý như viêm, loét, polyp, dị vật,… Đồng thời bác sĩ có thể can thiệp điều trị, gồm nong thực quản, cắt polyp, cầm máu, cắt polyp dạ dày,…

Nội soi dạ dày đại tràng là gì?

Nội soi dạ dày được ứng dụng trong chẩn đoán và điều trị các bệnh lý đường tiêu hóa trên

 

1.2. Nội soi đại tràng

Nội soi đại tràng là phương pháp thăm khám phần dưới của ống tiêu hóa, gồm đại trực tràng, manh tràng và phần cuối ruột non. Ống nội soi sẽ được đưa qua hậu môn, vào trực tràng và đại tràng để quan sát.

Đây là phương pháp được ứng dụng để tìm ra nguyên nhân của triệu chứng rối loạn tiêu hóa, đau bụng, rối loạn đại tiện, đi ngoài ra máu,… Nội soi giúp chẩn đoán chính xác nhiều bệnh lý như: viêm loét đại trực tràng, bệnh Crohn, polyp đại tràng,… Tương tự như nội soi dạ dày, nội soi đại tràng cũng phát hiện sớm ung thư tiêu hóa qua hình ảnh nội soi và kết quả sinh thiết.

Khi thực hiện nội soi đại tràng, bác sĩ có thể can thiệp cầm máu trong xuất huyết đường tiêu hóa dưới, cắt polyp, loại bỏ các khối u,…

 

2. Các phương pháp nội soi

2.1. Nội soi dạ dày đại tràng tiêu chuẩn

Người bệnh sẽ không được gây mê khi thực hiện phương pháp này. Một số trường hợp có thể được gây tê cục bộ tại khu vực nội soi. Người bệnh hoàn toàn tỉnh táo trong suốt thời gian nội soi tiêu hóa.

Nội soi tiêu chuẩn khiến nhiều người e ngại vì trải nghiệm khó chịu. Ống nội soi đi qua đường miệng có thể gây buồn nôn hoặc đau họng. Trong khi đó ống nội soi di chuyển trong đại tràng có thể khiến người bệnh căng tức, đau đớn.

Để hạn chế cảm giác khó chịu, người bệnh cần chuẩn bị tâm lý thoải mái khi nội soi. Đồng thời người bệnh cần tuân thủ hướng dẫn của nhân viên y tế về tư thế nội, trang phục nội soi. Thêm vào đó, hãy thực hiện nội soi tại cơ sở y tê tín với độ ngũ bác sĩ giỏi, thao tác khéo léo và chính xác.

 

2.2. Nội soi dạ dày đại tràng không đau, không khó chịu

Với phương pháp này, người bệnh không phải trải qua cảm giác đau hay khó chịu. Các phương pháp nội soi tiêu hóa không đau bao gồm: Nội soi dạ dày gây mê (qua đường miệng); nội soi đại tràng gây mê; nội soi dạ dày qua đường mũi.

Với phương pháp nội soi gây mê, người bệnh sẽ ngủ ngon trong suốt quá trình thực hiện. Do đó, người bệnh hoàn toàn không bị kích thích khi ống nội soi di chuyển, thăm dò dạ dày và đại tràng. Với nội soi dạ dày qua đường mũi, người bệnh tỉnh táo nhưng cũng không cảm thấy khó chịu. Ống nội soi lúc này không chạm vào đáy lưỡi hay vòm họng nên không gây buồn nôn.

 

3. Có thể nội soi dạ dày đại tràng cùng lúc không?

Nội soi dạ dày và nội soi đại tràng có thể thực hiện đồng thời trong một lần thăm khám. Đây đang là xu hướng rất phổ biến ở những người có nhu cầu nội soi tiêu hóa. Thực hiện đồng thời nội soi ống tiêu hóa trên và dưới mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh:

– Tiết kiệm thời gian lưu lại viện: Người bệnh chỉ cần làm hồ sơ, khám ban đầu, làm các xét nghiệm,… một lần duy nhất cho cả hai thủ thuật.

– Tiết kiệm chi phí nội soi do việc xét nghiệm, gây mê chỉ cần thực hiện một lần.

– Thuận tiện cho người bệnh: Kiểm tra toàn diện đường tiêu hóa trên và dưới chỉ trong một lần đến bệnh viện thăm khám.

– Không làm gia tăng nguy cơ tai biến của thủ thuật nội soi.

 

4. Trường hợp cần nội soi dạ dày đại tràng?

4.1. Trường hợp cần nội soi dạ dày

Nội soi đường tiêu hóa trên được chỉ định cho các đối tượng sau đây:

– Đau bụng vùng thượng vị (vùng bụng trên rốn), cơn đau không rõ nguyên nhân, kết hợp buồn nôn sau ăn.

– Giảm cân nhanh bất thường, không rõ nguyên nhân sụt cân.

– Có triệu chứng chướng bụng; ợ chua, ợ hơi; trào ngược thức ăn; nuốt nghẹn.

– Mệt mỏi, suy nhược do hấp thu kém mặc dù ăn uống đầy đủ.

– Người bị thiếu máu, có triệu chứng nôn ra máu, đại tiện ra máu hoặc phân đen.

– Tim mạch bình thường nhưng lại có dấu hiệu đau ngực.

– Người đang mắc các bệnh về đường tiêu hóa trên như nhiễm vi khuẩn HP, viêm loét thực quản/dạ dày/tá tràng,…

– Nguy cơ mắc polyp dạ dày có yếu tố gia đình.

 

4.2. Chỉ định nội soi đại tràng

Những trường hợp sau đây được chỉ định thực hiện nội soi đường tiêu hóa dưới:

– Đau bụng, cơn đau xuất hiện với các mức độ khác nhau (lâm râm hoặc đau quặn bụng từng cơn).

– Thói quen đại tiện bị thay đổi: Người bệnh khó đại tiện hơn, số lần đại tiện tăng hoặc giảm. Thêm vào đó, người bệnh có cảm giác đại tiện không hết phân, rất khó chịu.

– Sụt cân nhanh bất thường, cùng với thiếu máu không rõ nguyên nhân.

– Các trường hợp đang theo dõi bệnh lý đường tiêu hóa dưới như viêm loét đại tràng/trực tràng, polyp đại tràng,…

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top