Miễn dịch chủ động của cơ thể được tạo ra khi cơ thể được tiêm vắc xin. Vắc xin sẽ kích thích hệ miễn dịch của cơ thể nhận biết và làm quen với các tác nhân gây bệnh được sử dụng để làm nên vắc xin. Sau một thời gian tiêm vắc xin, khi các tác nhân gây bệnh bên ngoài xâm nhập cơ thể người đã được tiêm vắc xin thì hệ thống miễn dịch sẽ nhận ra và ngay lập tức sản sinh ra các kháng thể để chống lại tác nhân đó.
Trẻ sơ sinh được bảo vệ chống lại một số bệnh như sởi, quai bị và rubella vì các kháng thể đã được truyền từ mẹ qua nhau thai. Đây được gọi là miễn dịch thụ động. Miễn dịch thụ động thường chỉ kéo dài trong vài tuần hoặc vài tháng sau khi chào đời. Riêng miễn dịch thụ động của bệnh sởi, quai bị và rubella có thể kéo dài đến một năm, đó là lý do tại sao mũi tiêm sởi quai bị rubella được tiêm cho trẻ từ trên 1 tuổi.
Vắc xin sống giảm độc lực được tạo ra bằng cách nuôi cấy những virus, vi khuẩn trong môi trường đặc biệt nhằm giảm đặc tính độc hại để chúng không còn khả năng gây bệnh. Sau đó các virus vi khuẩn này được kết hợp với các thành phần khác của vắc xin như chất ổn định và chất bảo quản để tạo thành vắc xin. Do vắc-xin sống, giảm độc lực là dạng gần với nhiễm trùng tự nhiên nhất nên các vắc-xin này được xem là “người thầy” tốt cho hệ thống miễn dịch: loại vắc-xin này kích thích sinh kháng thể mạnh hơn và thường giúp cơ thể có khả năng miễn dịch lâu dài chỉ với một hoặc hai liều vắc-xin.
Các nhà khoa học sản xuất vắc-xin bất hoạt bằng cách giết các vi sinh vật gây bệnh bằng hóa chất, nhiệt hoặc tia xạ. Các vắc-xin này ổn định và an toàn hơn vắc-xin sống do các vi sinh vật chết không thể đột biến trở lại dạng gây bệnh. Vắc-xin bất hoạt thường không cần phải bảo quản lạnh và có thể dễ dàng được bảo quản và di chuyển ở dạng đông khô, do đó dễ vận chuyển hơn ở các nước đang phát triển.
Thay vì chứa toàn bộ vi sinh vật, vắc-xin vô bào chỉ bao gồm thành phần kháng nguyên có thể kích thích hệ miễn dịch một cách tốt nhất. Vắc-xin vô bào không có đủ tất cả các phân tử cấu tạo nên vi trùng mà chỉ chứa các kháng nguyên cần thiết, do đó khả năng gây nên phản ứng sau tiêm chủng của loại vắc-xin này thấp hơn so với những loại vắc-xin khác. Vắc-xin vô bào có thể chứa từ 1 tới hơn 20 kháng nguyên. Việc xác định xem kháng nguyên nào kích thích hệ miễn dịch tốt nhất là một quá trình đòi hỏi sự tỉ mỉ và tốn thời gian.
Một số vi khuẩn có lớp áo ngoài chứa các phân tử đường polysaccharide, giúp "ngụy trang" kháng nguyên của vi khuẩn, nhằm đánh lừa hệ miễn dịch non yếu của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Vắc-xin tổng hợp, một dạng đặc biệt của vắc-xin vô bào, có thể có hiệu quả trong việc giải quyết vấn đề này. Để chế tạo vắc-xin tổng hợp, các nhà khoa học sẽ gắn kháng nguyên hoặc giải độc tố của vi sinh vật mà hệ miễn dịch của trẻ sơ sinh có thể nhận biết với polysaccharide. Sự kết nối này giúp hệ miễn dịch non yếu có thể phản ứng với lớp vỏ polysaccharide và chống lại vi khuẩn gây bệnh. Vắc-xin haemophilus influenzae loại B (Hib) là ví dụ của loại vắc-xin tổng hợp.
Vắc-xin giải độc tố có thể phòng ngừa các vi khuẩn bài tiết độc tố hoặc các chất hóa học có hại. Các bác sĩ thường sử dụng vắc-xin này khi nguyên nhân chính gây bệnh là các độc tố do vi khuẩn tiết ra, chẳng hạn như bệnh bạch hầu hay uốn ván. Độc tố của vi khuân bị bất hoạt bằng formalin, sau đó được dùng để điều chế vắc-xin. Khi tiếp nhận vắc-xin chứa giải độc tố, hệ miễn dịch sẽ học cách tự chống lại độc tố và sản xuất ra các kháng thể trung hòa độc tố.
Ngoài ra, các nhà khoa học đang nghiên cứu và thử nghiệm để sản xuât scacs loại vắc xin như: Vắc-xin DNA; Vắc-xin vector tái tổ hợp.
Bạn có thể lo lắng rằng tiêm một lần quá nhiều vắc xin sẽ làm "quá tải" hệ thống miễn dịch của con bạn, đặc biệt là trẻ mới vài tháng tuổi khi tiêm mũi 5 trong 1 ( phòng bệnh Bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib - những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mà trẻ nhỏ dễ mắc).
Các nghiên cứu chỉ ra rằng không có tác động có hại nào khi tiêm nhiều loại vắc xin phối hợp như vậy. Ngay khi sinh ra, trẻ sẽ tiếp xúc với một số lượng lớn vi khuẩn và virus mỗi ngày, hệ thống miễn dịch của trẻ sẽ học cách chống lại các tác nhân gây bệnh này và trở nên mạnh mẽ hơn. Vi khuẩn, virus được sử dụng trong vắc xin đã bị làm giảm độc lực hoặc đã chết, các độc tố đã bị bất hoạt và số lượng cũng được giới hạn để đảm bảo không gây bệnh cho trẻ.
Một số vắc-xin giúp có hiệu quả bảo vệ lên tới 90%, ví dụ vắc xin sởi, quai bị, rubella có hiệu quả phòng bệnh lên tới 90% khi tiêm một mũi, 95% nếu tiêm đủ hai mũi. Vắc xin ngừa bệnh thương hàn có hiệu quả bảo vệ 70% trong vòng 3 năm.
Khi một chương trình tiêm phòng được triển khai, tất cả mọi người ở một độ tuổi nhất định hoặc nhóm có nguy cơ mắc bệnh sẽ được cung cấp một loại vắc xin cụ thể để phòng bệnh. Các chương trình tiêm chủng có mục đích bảo vệ con người trong nhiều năm, tùy theo hiệu lực bảo vệ của vắc xin, thường tập trung vào trẻ nhỏ bởi vì trẻ em là đối tượng có hệ miễn dịch yếu và dễ mắc nhiều loại bệnh tật nguy hiểm. Một số chương trình tiêm chủng với đối tượng người cao tuổi, như vắc xin phòng bệnh zona, hoặc với các nhóm có nguy cơ cao mắc bệnh như vắc-xin phòng viêm gan B.
Các chương trình tiêm chủng được triển khai làm giảm số người mắc bệnh, khi mà mối nguy cơ bệnh tật của cả cộng đồng đã giảm đi thì điều quan trọng là tiếp tục duy trì chương trình tiêm chủng và tiêm nhắc lại tùy từng loại vắc xin để tránh nguy cơ bùng phát lại dịch bệnh.
Nếu có đủ số người trong cộng đồng được chủng ngừa, thì sẽ làm giảm nguy cơ mắc bệnh của những người chưa tiêm vắc xin. Đây được gọi là miễn dịch cộng đồng. Miễn dịch cộng đồng là đặc biệt quan trọng trong việc bảo vệ những người không được tiêm vắc xin bởi vì họ không đủ sức khỏe hoặc họ đang phải sử dụng các loại thuốc làm suy giảm hệ miễn dịch của họ
Khi chương trình tiêm chủng được thực hiện tốt, với đa số mọi người đều được chủng ngừa một căn bệnh nào đó thì đôi khi căn bệnh đó có thể biến mất hoàn toàn khỏi cộng đồng và chương trình tiêm chủng loại vắc xin đó có thể dừng lại, ví dụ như với vắc xin bệnh đậu mùa.
Tuy nhiên với một số bệnh, ví dụ như bệnh sởi nếu chương trình tiêm chủng dừng lại hoặc tỉ lệ tiêm chủng giảm xuống thì dịch sởi sẽ bùng phát lại rất nhanh. Do vậy các chương trình tiêm chủng hiện nay vẫn đang phải thực hiện đều đặn với tỷ lệ tiêm chủng cao; như Chương trình tiêm chủng mở rộng của Việt Nam hiện nay, với các mũi tiêm 5 trong 1 để phòng bệnh Bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib; uống và tiêm vắc xin phòng bệnh bại liệt; vắc xin phòng bệnh sởi - rubella (MR).
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh