Yếu tố nguy cơ của bệnh viêm khớp dạng thấp

Khi bạn được chẩn đoán mắc bất cứ bệnh gì, một trong những câu hỏi đầu tiên xuất hiện trong đầu bạn hẳn sẽ là làm thế nào hoặc tại sao bạn lại mắc bệnh? Đây có phải là bệnh di truyền trong gia đình hay không? Bạn có làm điều gì (hoặc không làm điều gì) làm tăng nguy cơ mắc bệnh của bạn không? Bạn có thể làm gì để dự phòng hoặc ngăn chặn tình trạng bệnh không?

Điều này là hoàn toàn bình thường và bạn có thể có câu trả lời cho những câu hỏi này hoặc không. Đối với bệnh viêm khớp dạng thấp, có rất nhiều nguyên nhân có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Dưới đây là các yếu tố nguy cơ phổ biến nhất của bệnh viêm khớp dạng thấp.

Yếu tố di truyền

Có rất nhiều yếu tố nguy cơ của bệnh viêm khớp dạng thấp mà bạn không thể can thiệp được, một trong số những yếu tố lớn nhất đó là yếu tố di truyền. Nói cách khác, nếu các thành viên trong gia đình của bạn bị viêm khớp dạng thấp, bạn sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Nguy cơ cụ thể thì chưa có con số nhưng theo Hiệp hội Viêm khớp dạng thấp Quốc gia Hoa Kỳ, thì những người thân ruột thịt của những bệnh nhân viêm khớp dạng thấp sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao gấp ba lần, một số nghiên cứu khác cho thấy rằng, việc di truyền một số gen viêm khớp dạng thấp có thể gây ra tới một nửa số ca mắc bệnh.

Tuy nhiên, tăng nguy cơ không có nghĩa là chắc chắn bạn sẽ mắc bệnh. Rất nhiều người mang gen bệnh nhưng sẽ không bao giờ phát triển bệnh cả, và không phải tất cả những người bị bệnh đều mang gen bệnh. Tuy nhiên, yếu tố di truyền sẽ là yếu tố nguy cơ lớn nhất.

 

Tuổi

Về lý thuyết, bất cứ ai cũng có thể bị ảnh hưởng bởi bệnh viêm khớp dạng thấp nhưng theo CDC Hoa Kỳ, nguy cơ mắc bệnh sẽ tăng lên theo tuổi. Độ tuổi mắc viêm khớp dạng thấp nhiều nhất là khoảng 60 tuổi. Tuy nhiên, bệnh thường bắt đầu trong khoảng từ 30-60 tuổi với nữ giới; nam giới dưới 45 tuổi rât shiếm khi bị bệnh.

 

Hút thuốc lá

Nếu ung thư chưa phải là yếu tố lớn nhất khiến bạn bỏ thuốc lá thì bạn có thể bổ sung thêm bệnh viêm khớp dạng thấp vào danh sách lý do bỏ thuốc của bạn. Ngoài ra, hút thuốc lá còn là yếu tố nguy cơ bạn hoàn toàn có thể tác động và phòng tránh được. Nghiên cứu năm 2014 trên tạp chí International Journal of Molecular Sciences kết luận rằng hút thuốc lá không chỉ làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp mà còn làm nặng thêm các triệu chứng và tiến triển của bệnh. Những người mang gen bệnh và hút thuốc lá thường sẽ khởi phát bệnh sớm hơn 10 năm  so với những người không hút thuốc mang gen bệnh. Nicotine trong thuốc lá có thể kích hoạt phản ứng miễn dịch dẫn đến bệnh viêm khớp dạng thấp.

 

Vệ sinh răng miệng kém

Những người có vệ sinh răng miệng kém hoặc mắc bệnh về nướu thường sẽ có các triệu chứng viêm khớp dạng thấp nặng hơn và ngược lại. Bệnh viêm khớp dạng thấp không chỉ gây viêm ở các khớp mà còn ảnh hưởng đến cả hàm của bạn, khiến bạn khó có thể giữ rang sạch sẽ được và làm tăng nguy cơ viêm loét trong miệng, giảm lượng nước bọt, tăng nguy cơ sâu răng.

 

Căng thẳng

Căng thẳng là một phần trong cuộc sống của tất cả mọi người, nhưng nếu bạn có nguy cơ bị viêm khớp dạng thấp cao hơn, thì căng thẳng kéo dài có thể dẫn đến việc mắc bệnh sau này. Nói cách khác, căng thẳng kéo dài hoặc thậm chí là chỉ cần một sự kiện khiến bạn căng thẳng ở mức độ cao (như sự ra đi của người thân hoặc các tai nạn bất ngờ) có thể khiến các gen gây bệnh viêm khớp dạng thấp biểu hiện ra ở những người mang gen.

 

Ốm đau hoặc tình trạng bệnh nhiễm trùng

Ốm đau là những sự kiện xảy ra với tất cả mọi người, nhưng đa số mọi người đều có thể hồi phục và trở lại bình thường. Tuy nhiên, đôi khi, cơ thể sẽ kích hoạt đáp ứng miễn dịch cao hơn khi bị nhiễm trùng, gửi tín hiệu kích hoạt các phản ứng tấn công các mô khỏe mạnh ở khớp. Tuy nhiên, đừng quá lo lắng, virus cảm lạnh thông thường sẽ không gây ra tình trạng bệnh viêm khớp dạng thấp của bạn. Nguyên nhân thường là do vi khuẩn, ví dụ như vi khuẩn gây bệnh Lyme, và một số loại virus nguy hiểm, như virus Epstein Barr, virus viêm gan, virus HIV…

 

Chất độc trong môi trường

Một số phơi nhiễm với môi trường, ví dụ như phơi nhiễm với silic có thể làm tăng nguy cơ bị bệnh viêm khớp dạng thấp. Các chất độc trong môi trường thường gặp ở những người làm trong các khu công nghiệp, hầm mỏ, nhà máy gang thép…Nghiên cứu năm 2020 trên tạp chí Safety and Health at Work gợi ý rằng có mối liên quan rõ rang giữa phơi nhiễm nghề nghiệp với bệnh viêm khớp dạng thấp và tỷ lệ mắc bệnh cao hơn, đặc biệt là ở công nhân hút thuốc lá.

 

Hormone nữ giới

Tỷ lệ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp ở nữ giới so với nam giới là 10:1, điều này có nghĩa là bệnh phổ biến ở nữ giới hơn nam giới. Nguyên nhân là do hormone nữ. Hormone thường có nhiều sự thay đổi ở những năm phụ nữ sinh đẻ, như khi có kinh, mang thai, cho con bú và mãn kinh, do đó có thể kích hoạt đáp ứng viêm và dẫn đến viêm khớp dạng thấp. Phụ nữ thường cũng sẽ có nguy cơ mắc các bệnh tự miễn sau năm đầu tiên mang thai cao hơn, gợi ý rằng giai đoạn mang thai có thể đã có tác động nhất định đến hệ miễn dịch.

 

Dinh dưỡng kém

Không có một chế độ dinh dưỡng thần kỳ nào có thể đảm bảo bạn tránh được tình trạng viêm khớp dạng thấp, nhưng thừa cân béo phì sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh, đặc biệt là ở phụ nữ béo phì dưới 55 tuổi. Mỡ cơ thể có thể khiến cac tế bào sản xuất nhiều cytokine hơn (đây la fmột protein liên quan đến đáp ứng viêm). Từ đó có thể đẩy nhanh quá trình khởi phát bệnh viêm khớp dạng thấp, dẫn đến việc viêm các khớp sớm hơn. Những người thừa cân béo phì và bị viêm khớp dạng thấp cũng thường mất đi khả năng vận động và giảm giới hạn vận động nhanh hơn

 

Dự phòng viêm khớp dạng thấp

Thực hiện lối sống khỏe mạnh sẽ giúp bạn giảm nguy cơ mắc bệnh, kể cả khi bạn là người mang gen bệnh. Ăn uống lành mạnh nhất cơ thể, hạn chế đồ ngọt và thịt đỏ. Giảm hút thuốc lá, duy trì thói quen vệ sinh rang miệng sạch sẽ và giảm căng thẳng là những việc bạn có thể làm được để giảm nguy cơ bệnh viêm khớp dạng thấp.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top