Tác hại của việc hút thuốc và phơi nhiễm khói thuốc trong thai kỳ

1. Tác động của việc hút thuốc lá đối với thai kỳ và thai nhi

Hút thuốc lá trong thai kỳ có liên quan đến nhiều hậu quả bất lợi đối với sức khỏe của mẹ và thai nhi. Nicotin, carbon monoxide, hắc ín và các chất độc khác trong thuốc lá có thể:

  • Làm giảm lượng oxy cung cấp cho mẹ và thai nhi
  • Gây tăng nhịp tim thai, làm tăng gánh nặng chuyển hóa
  • Làm tăng nguy cơ sảy thai, thai lưu
  • Tăng nguy cơ sinh non, thai nhẹ cânthai chậm tăng trưởng trong tử cung
  • Làm tăng tỷ lệ dị tật bẩm sinh, đặc biệt ở hệ tim mạch và hệ thần kinh trung ương
  • Tăng nguy cơ bệnh đường hô hấp như hen, viêm phổi sau sinh
  • Tăng nguy cơ tử vong sơ sinh đột ngột (SIDS – Sudden Infant Death Syndrome)

Không có mức độ hút thuốc nào được xem là "an toàn" trong thai kỳ. Tần suất hút thuốc càng cao, nguy cơ biến chứng thai kỳ càng tăng.

 

2. Hút thuốc thụ động và thai kỳ

Hút thuốc thụ động (phơi nhiễm khói thuốc từ môi trường) cũng gây ra những ảnh hưởng tiêu cực tương tự như hút chủ động. Khói thuốc từ đầu điếu thuốc đang cháy chứa nồng độ độc tố (nicotin, carbon monoxide, formaldehyde, hắc ín...) cao hơn so với khói do người hút thuốc thở ra.

Phơi nhiễm thụ động trong thai kỳ làm tăng nguy cơ:

  • Sảy thai, thai chết lưu
  • Mang thai ngoài tử cung
  • Thai nhẹ cân, sinh non
  • Biến chứng sản khoa khác như tiền sản giật, vỡ ối sớm

Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ sống trong môi trường có khói thuốc thụ động có nguy cơ cao mắc các bệnh:

  • Hen phế quản, viêm phổi, viêm tai giữa
  • Dị ứng
  • SIDS (đột tử sơ sinh)

 

3. Hướng dẫn bỏ thuốc trước và trong thai kỳ

Việc cai thuốc lá cần được khuyến khích và hỗ trợ trước khi mang thai hoặc càng sớm càng tốt trong thai kỳ. Bỏ thuốc giúp cải thiện rõ rệt chức năng hô hấp, tim mạch và tăng khả năng sinh con khỏe mạnh.

Biện pháp hỗ trợ hành vi không dùng thuốc

Một số chiến lược hiệu quả bao gồm:

  • Tránh các yếu tố kích thích hành vi hút thuốc: giấu bật lửa, gạt tàn, không để thuốc lá trong nhà
  • Thiết lập vùng không khói thuốc trong nhà
  • Tránh sử dụng caffeine và rượu: vì có thể kích thích cơn thèm thuốc
  • Thay đổi thói quen hút thuốc liên quan đến các hoạt động cụ thể (như khi lái xe hoặc sau ăn)
  • Dùng vật thay thế không chứa nicotine: kẹo bạc hà không đường, kẹo cao su
  • Hoạt động thể chất thường xuyên, giải trí, đọc sách, học kỹ năng mới để giảm căng thẳng
  • Tìm kiếm sự hỗ trợ từ gia đình, nhóm hỗ trợ, hoặc tư vấn chuyên môn

Liệu pháp thay thế nicotine (NRT)

Các sản phẩm như kẹo ngậm hoặc miếng dán nicotine có thể làm giảm triệu chứng cai nghiện. Tuy nhiên, độ an toàn của các sản phẩm này trong thai kỳ chưa được thiết lập rõ ràng.

Trường Sản phụ khoa Hoa Kỳ (ACOG) khuyến cáo chỉ nên dùng liệu pháp thay thế nicotine khi:

  • Các biện pháp hành vi không hiệu quả
  • Lợi ích của việc bỏ thuốc vượt trội hơn nguy cơ tiềm ẩn của việc sử dụng NRT

Việc sử dụng NRT trong thai kỳ cần có chỉ định và theo dõi chặt chẽ bởi bác sĩ chuyên khoa.

 

4. Các triệu chứng sau khi ngừng hút thuốc và cách kiểm soát

Sau khi ngừng hút thuốc, thai phụ có thể trải qua các triệu chứng cai nghiện nicotin, bao gồm:

  • Thèm thuốc, khó chịu, đau đầu, tăng cảm giác đói
  • Ho, mất tập trung, buồn bực

Những triệu chứng này thường đạt đỉnh trong vòng 3–5 ngày và sẽ giảm dần sau 10–14 ngày. Việc xuất hiện các triệu chứng này cho thấy cơ thể đang phục hồi và thích nghi với tình trạng không có nicotin.

Thai phụ nên nhắc nhở bản thân về mục tiêu bỏ thuốc vì sức khỏe của chính mình và thai nhi, và không nên quá nản lòng nếu xảy ra tái nghiện. Khoảng 75% người cai thuốc sẽ tái nghiện ít nhất một lần trước khi thành công. Lập kế hoạch ứng phó khi thèm thuốc và duy trì động lực là yếu tố then chốt.

 

5. Kết luận

Hút thuốc lá và phơi nhiễm khói thuốc trong thai kỳ là những yếu tố nguy cơ có thể phòng ngừa, nhưng gây hậu quả nghiêm trọng đến thai nhi, trẻ sơ sinh và người mẹ. Việc bỏ thuốc càng sớm càng tốt, kết hợp với hỗ trợ hành vi, tư vấn chuyên sâu và điều trị khi cần thiết, là chiến lược hiệu quả giúp bảo vệ sức khỏe thế hệ tương lai.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top