Nội soi ruột non là kỹ thuật thăm dò chức năng giúp phát hiện các tổn thương, bệnh lý liên quan đến ruột non. Có 2 phương pháp nội soi được ứng dụng rộng rãi nhất hiện nay là nội soi bằng viên nang và nội soi bằng bóng đơn. Bài viết sau sẽ cung cấp thông tin chi tiết về các đặc điểm cụ thể của từng phương pháp nội soi này.
1. Nội soi ruột non bằng viên nang
1.1. Định nghĩa
Đây là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh không can thiệp, thực hiện bởi viên nang nội soi gắn camera nhỏ có khả năng ghi lại 3 hình/giây trong vòng 11 giờ. Tuy có kích thước nhỏ (11mm x 24mm), camera này có góc quay rộng lên đến 150 độ. Hình ảnh ruột non thu được rất rõ nét với kích thước 102,400 pixels (320×320).
Viên nang thường được dùng để kiểm tra, xác định vị trí chảy máu ẩn và theo dõi trạng thái các khối u trong ruột non. Sau khi người bệnh uống viên nang, nó sẽ di chuyển như một mẫu thức ăn qua thực quản, dạ dày xuống ruột non đến ruột già.
1.2. Chỉ định và chống chỉ định
Các trường hợp được chỉ định nội soi viêm nang gồm:
– Chẩn đoán, đánh giá tình trạng khối u tại đường tiêu hóa.
– Phát hiện, xác định vị trí xuất huyết tiêu hóa.
– Người bệnh gặp một số vấn đề tiêu hóa khác cần kiểm tra theo chỉ định của bác sĩ.
– Chẩn đoán các bệnh lý ruột non gồm: khối u, viêm loét, nguyên nhân và vị trí chảy máu,…
Nội soi viên nang chống chỉ định cho những trường hợp sau:
– Người nghi ngờ bị hẹp hoặc tắc ống tiêu hóa.
– Người đang bị hoặc có tiền sử bị chảy máu dạ dày.
– Người bị bệnh động kinh.
– Người đang dùng máy khử rung, máy trợ tim và một số thiết bị y tế khác, do các thiết bị này có thể gây nhiễu tín hiệu của camera trong viên nang.
– Phụ nữ đang mang thai và trẻ em dưới 10 tuổi là những đối tượng không được chỉ định uống viên nang nội soi.
1.3. Ưu điểm và nhược điểm của nội soi viên nang
Ưu điểm
– Quá trình nội soi viên nang không khiến người bệnh có cảm giác khó chịu hay đau đớn.
– Người bệnh có thể ăn uống, sinh hoạt và làm việc bình thường sau khi uống viên nang.
– Hình ảnh 3D vô cùng rõ nét, không chỉ quan sát ruột non mà còn soi rõ toàn bộ thực quản, dạ dày, đại trực tràng.
– An toàn: không cần sử dụng chất gây tê hoặc gây mê; không ảnh hưởng đến cơ quan khác; hầu như không có biến chứng khi nội soi.
– Chặn đứng hoàn toàn nguy cơ lây nhiễm chéo các bệnh truyền nhiễm.
– Là lựa chọn hoàn hảo cho những người bệnh mẫn cảm với các phương pháp nội soi khác.
Nhược điểm
– Viên nang lưu thông thụ động một chiều trong ống tiêu hóa nhờ nhu động ruột. Điều này hạn chế khả năng quan sát của camera ở một số vùng của dạ dày và đại tràng. Chính vì vậy, viên nang hiện nay hầu như chỉ ứng dụng trong chẩn đoán bệnh lý ruột non – nơi mà các phương pháp tiêu chuẩn không thường không quan sát được.
– Hình ảnh thu được từ viên nang có chất lượng kém hơn so với nội soi ống mềm. Theo sự co bóp của ruột, viên nang có thể di chuyển quá nhanh, bỏ sót các vị trí bất thường. Hoặc nó cũng có thể di chuyển quá chậm, dẫn đến bị hết pin khi chưa ghi hình đầy đủ.
– Viên nang có thể bị kẹt lại do bệnh lý gây hẹp ống tiêu hóa bất ngờ ngoài dự đoán như viêm ruột, khối u. Lúc này cần phải phẫu thuật để lấy máy ra, kết hợp giải quyết đoạn ruột bất thường đó.
– Viên nang nội soi không có khả năng sinh thiết ngay cả khi nhìn thấy tổn thương. Do đó, phương pháp này không có được bằng chứng về giải phẫu bệnh học như nội soi ống mềm.
– Viên nang chỉ thuần túy là một thiết bị chẩn đoán, không thể giải quyết các tổn thương ống tiêu hóa. Người bệnh cần thực hiện nội soi tiêu chuẩn hoặc phẫu thuật để điều trị các tổn thương này.
– Nội soi viên nang ứng dụng công nghệ tiên tiến, chỉ sử dụng một lần, gây hạn chế cho việc áp dụng đại trà do có chi phí cao.
1.4. Quy trình thực hiện nội soi ruột non bằng viên nang
Với phương pháp nội soi này, bác sĩ sẽ hướng dẫn người bệnh nuốt một viên nang có kích thước như một viên thuốc con nhộng. Camera trên thiết bị sẽ phát sáng, ghi lại hình ảnh đường ruột và truyền vô tuyến qua da.
Thông thường, hành trình của viên nang từ miệng xuống thực quản, dạ dày, ruột non, ruột già và hậu môn sẽ kéo dài từ 8 – 10 giờ. Viên nang sẽ được đào thải qua đại tiện và không gây ra bất cứ khó khăn nào. Nhìn chung, tổng thời gian nội soi viên nang thường dao động trong khoảng 11 – 12 giờ tùy thuộc vào hoạt động đào thải của người bệnh.
Toàn bộ hình ảnh thu được sẽ lưu lại và gửi trực tiếp đến phần mềm chuyên dụng của bác sĩ. Người bệnh có thể sinh hoạt bình thường trong suốt thời gian viên nang tồn tại trong cơ thể. Tuy nhiên, người bệnh vẫn cần tuân thủ các lưu ý và hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
1.5. Lưu ý khi thực hiện nội soi viên nang
Nội soi viên nang được đánh giá là rất an toàn, tỷ lệ tai biến hoặc rủi ro rất thấp (dưới 1%). Tuy nhiên, người bệnh cần báo ngay cho bác sĩ nếu có triệu chứng đau bụng hoặc buồn nôn.
Người bệnh phải đeo dây đai gắn máy ghi dữ liệu trong suốt 12 giờ sau khi uống viên nang. Để quá trình nội soi được thuận lợi, người bệnh có thể uống nước. Sau 4 tiếng từ khi uống viên nang, người bệnh có thể ăn nhẹ, tuy nhiên cần tránh ăn kẹo cao su trong suốt quá trình nội soi.
Trước khi nuốt, viên nang cần được kiểm tra đèn tín hiệu của bộ thu, đèn báo nhận dữ liệu và pin. Điều này đảm bảo viên nang hoạt động ổn định, tránh những vấn đề ảnh hưởng kết quả thăm khám.
Người bệnh không ăn trong khoảng 4 giờ sau khi uống viên nang nhưng có thể uống nước. Viên nang sẽ đi xuống ruột non sau khoảng 8 giờ từ khi được nuốt. Lúc này người bệnh có thể ăn uống bình thường. 4 giờ tiếp theo, viên nang được đào thải khỏi cơ thể, hoàn thành quá trình nội soi.
2. Nội soi ruột non bóng đơn
2.1. Định nghĩa
Nội soi bóng đơn chính thức được ứng dụng trong y khoa từ năm 2007. Nó có cấu tạo gồm một bóng duy nhất gắn vào đầu overtube. Thiết bị đi từ miệng có thể xuống tới góc Treitz và đi sâu đến 80cm. Phương pháp này thậm chí có thể kiểm tra từ dưới lên trên, từ hậu môn qua đại tràng đến phần cuối của hỗng tràng.
Nội soi bóng đơn ra đời nhằm thay thế và khắc phục nhược điểm của kỹ thuật nội soi bóng kép trước đó. Đây là phương pháp có thời gian chuẩn bị ngắn (5 phút), thao tác đơn giản, đảm bảo hiệu quả chẩn đoán tại ruột non mà không nhầm lẫn khi bơm và tháo hơi.
Không chỉ quan sát được tổn thương tại các góc khuất khó nhận biết tại ruột non, kỹ thuật này còn có thể can thiệp khi phát hiện tổn thương đó.
2.2. Chỉ định và chống chỉ định
Người bệnh thực hiện nội soi ruột non bằng bóng đơn trong trường hợp:
– Sinh thiết tổn thương được phát hiện tại ruột non thông qua nội soi viên nang.
– Xuất huyết tiêu hóa nghi ngờ tổn thương từ ruột non.
– Đánh giá và điều trị các tổn thương gây hẹp ruột non.
– Chẩn đoán các bệnh lý ruột non: khối u, Crohn ruột non.
– Phát hiện nguyên nhân tắc ruột, điều trị lấy dị vật ở ruột non.
– Chẩn đoán và điều trị các tổn thương làm hẹp ruột non
– Thăm khám đại tràng trong các trường hợp khó thực hiện bằng nội soi thông thường.
Trong khi đó, các trường hợp chống chỉ định bao gồm:
– Nghi ngờ thủng tạng rỗng; phình, tách động mạch chủ; nghi ngờ hội chứng mạch vành cấp.
– Người bệnh suy hô hấp, suy tim nặng hoặc tăng huyết áp chưa kiểm soát được.
– Người rối loạn tâm thần không hợp tác cũng là đối tượng chống chỉ định nội soi.
Ngoài ra, chống chỉ định tương đối được áp dụng cho những người tụt huyết áp tâm thu dưới 90mmHg.
2.3. Ưu điểm và nhược điểm của nội soi bóng đơn
Ưu điểm
– Phạm vi quan sát rộng: Tiếp cận từ miệng xuống gần toàn bộ ruột non. Trong trường hợp cần, bác sĩ có thể soi ngược dòng từ dưới lên qua đại tràng đến ruột non.
– Bác sĩ có thể tiến hành ngay các thủ thuật như: đánh dấu vị trí của tổn thương, sinh thiết, cắt polyp, chích cầm máu,… Đây là điểm vượt trội của nội soi bóng đơn so với nội soi viên nang, không dừng lại ở chẩn đoán đơn thuần.
– Máy soi có thể tiến vào ruột một cách chủ động và hiệu quả nhờ khả năng bơm căng và xả xẹp của bóng đơn giúp kéo rút ruột lại từng đoạn.
Nhược điểm
Điểm hạn chế của kỹ thuật này là quá trình nội soi thường tốn nhiều thời gian. Người bệnh cần phải thực hiện gây mê toàn thân trong suốt quá trình thực hiện.
2.4. Quy trình thực hiện nội soi ruột non bằng bóng đơn
Người bệnh nằm nghiêng về bên trái, chân phải co, chân trái duỗi và gây mê theo chỉ định của bác sĩ. Ngược bệnh ngậm canuyn, máy nội soi và bóng sẽ được qua đường miệng.
Khi máy soi xuống tới hang vị, kỹ thuật viên bắt đầu luồn overtube vào theo đúng quy chuẩn. Máy soi sau đó tiếp tục đi xuống dạ dày, tá tràng và ruột non. Bác sĩ ra y lệnh chụp ảnh tổn thương và thực hiện các thủ thuật cần thiết.
Nội soi bóng đơn ngược dòng được thực hiện qua đường hậu môn. Máy soi sẽ đi qua đại tràng, van hồi manh tràng đến ruột non để quan sát.
2.5. Lưu ý khi thực hiện nội soi bóng đơn
Một tuần trước khi nội soi, người bệnh không nên uống các loại thuốc chứa chất sắt. Người mắc đái tháo đường sẽ được kiểm soát bằng insuline chích theo chỉ định của bác sĩ.
Người bệnh không nên ăn những thực phẩm cứng, rắn, khó tiêu hóa trong vòng 1 ngày trước khi nội soi. Thay vào đó, hãy ăn những thực phẩm mềm và uống nhiều nước lọc. Hai giờ trước khi nội soi bóng đơn, người bệnh không ăn hoặc uống bất cứ thứ gì.
Nếu thực hiện nội soi qua đường hậu môn, người bệnh cần làm sạch ống tiêu hóa. Phương pháp phổ biến hiện nay là uống thuốc nhuận tràng mạnh hoặc thụt tháo qua đường hậu môn.
Sau khi nội soi, người bệnh có thể cảm thấy khó chịu ở cổ họng, tức bụng. Đây là những triệu chứng bình thường và không cần lo lắng. Hãy liên hệ với bác sĩ ngay khi có các triệu chứng bất thường như chảy máu khi lấy bệnh phẩm, mạch chậm hoặc ngừng tim do cường phế vị.
Nội soi ruột non là giải pháp hữu hiệu giúp tầm soát, đánh giá và xử trí các tổn thương, bệnh lý tại ruột non. Trên thực tế, cơ quan này ít gặp các bất thường hơn so với dạ dày và đại tràng. Tuy nhiên bạn không nên chủ quan, hãy tiến hành nội soi định kỳ để đảm bảo bộ phận này hoạt động trơn tru và khỏe mạnh.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh