Xử lý dụng cụ phẫu thuật nội soi

Nội dung

Đại cương

Từ trường hợp cắt túi mật nội soi đầu tiên được Phillipe Mouret thực hiện năm 1987, phẫu thuật (PT) nội soi ngày nay đang được phát triển rộng trong nhiều lĩnh vực ngoại khoa, sản phụ khoa, không những can thiệp các cơ quan trong ổ bụng mà ngay cả các cơ quan trong lồng ngực, các ổ khớp, vùng cổ, tai mũi họng. Ưu điểm của phương pháp PT nội soi như hạn chế chấn thương mô, độ chính xác cao, người bệnh (NB) hồi phục nhanh, rút ngắn thời gian nằm viện, vết mổ thẩm mỹ.

Tại Việt nam, từ lúc bắt đầu những trường hợp mổ nội soi đầu tiên ở các trung tâm lớn tại thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội vào những năm 1992-1993, đến nay hầu hết các bệnh viện (BV) trong cả nước đều đã và đang áp dụng kỹ thuật mổ nội soi trong thực hành điều trị cho người bệnh.

Khác với các dụng cụ sử dụng trong PT hở, các dụng cụ sử dụng trong PT nội soi thường làm bằng vật liệu không chịu nhiệt do đó phải tuần thủ quy trình xử lý dụng cụ không chịu nhiệt. Dụng cụ PT nội soi do đó thường được khuyến cáo tốt nhất nên tiệt khuẩn bằng máy tiệt khuẩn nhiệt độ thấp. Tuy nhiên, tại Việt Nam, số lượng các BV có trang bị máy tiệt khuẩn nhiệt độ thấp không nhiều, số lượng dụng cụ không được trong bị đủ, nên dụng cụ thường được ngâm hóa chất khử khuẩn tại phòng mổ thay vì vận chuyển đi tiệt khuẩn. Khi thực hiện quy trình ngâm hóa chất, nhiều BV thực hiện không đúng quy trình như không kiểm soát hiệu lực diệt khuẩn của hóa chất, ngâm không đủ thời gian, tráng dụng cụ sau ngâm hóa chất bằng nước cất không bảo đảm vô khuẩn.

Quy trình xử lý dụng cụ nội soi không đúng có thể là nguồn gốc gây ra nhiễm khuẩn hoặc những vụ dịch trong BV, gây hậu quả nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến chất lượng điều trị NB. Nhiều vụ dịch nhiễm khuẩn vết mổ xảy ra liên quan đến việc xử lý dụng cụ PT nội soi không đúng. Một vụ dịch nhiễm khuẩn vết mổ do Mycobacterium chelonae trên 35 NB liên tiếp sau PT nội soi ổ bụng được báo cáo do dụng cụ khử khuẩn bằng hóa chất, nước tráng sau xử lý hóa chất bị ô nhiễm. Vụ dịch này chỉ giảm khi bệnh viện thay đổi sang quy trình tiệt khuẩn dụng cụ PT nội soi đúng phương pháp. Một vụ dịch 6 trường hợp bệnh bò điên từ 1953-1980 tại Anh, Pháp và Thụy Sĩ cũng liên quan đến xử lý dụng cụ PT nội soi thần kinh không đúng.

Từ thực trạng xử lý dụng cụ PT nội soi như đã nêu trên, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn thống nhất trong toàn quốc về xử lý dụng cụ PT nội soi để áp dụng trong mọi cơ sở khám bệnh chữa bệnh có tiến hành PT nội soi.

 

Nguyên tắc xử lý dụng cụ phẫu thuật nội soi 

– Dụng cụ PT nội soi được phân loại là nhóm dụng cụ thiết yếu theo phân loại của Spaudling (Bảng 1) và phải được tiệt khuẩn.

– Phương pháp hơi nước là phương pháp tiệt khuẩn tốt nhất cho dụng cụ không bị hư hỏng bởi nhiệt, hơi nước, áp lực hoặc độ ẩm. Đối với những dụng cụ không chịu được nhiệt và độ ẩm, cần sử dụng máy tiệt khuẩn nhiệt độ thấp để tiệt khuẩn.

– Trong trường hợp không có máy tiệt khuẩn, sử dụng hóa chất để tiệt khuẩn: Phải sử dụng hóa chất khử khuẩn đã được chứng minh có thể tiệt khuẩn và không có nguy cơ làm hỏng dụng cụ, với nồng độ và thời gian đủ để tiệt khuẩn.

– Tất cả nhân viên có liên quan đến xử lý dụng cụ PT nội soi cần tuân theo những khuyến cáo và quy trình tiệt khuẩn dụng cụ. Nhân viên phụ trách việc xử lý dụng cụ nên tuân theo hướng dẫn và quy trình để bảo đảm làm sạch và tiệt khuẩn đúng cách.

 

Phương tiện để xử lý dụng cụ PT nội soi

Dụng cụ PT nội soi cần được xử lý tập trung tại đơn vị Tiệt khuẩn. Đơn vị Tiệt khuẩn phải được thiết kế một chiều, có thông khí sạch thích hợp theo quy định, có đầy đủ hệ thống máy tiệt khuẩn: máy autoclave cho dụng cụ PT nội soi chịu nhiệt, máy tiệt khuẩn nhiệt độ thấp cho những dụng cụ PT nội soi không chịu nhiệt.
Trong trường hợp phải xử lý ngâm hóa chất để tiệt khuẩn:
– Có buồng xử lý dụng cụ bằng hóa chất riêng.
– Buồng xử lý dụng cụ phải thoáng khí, với số luồng khí trao đổi khoảng 10-12 ACH (air change per hour – lượng khí thay đổi/giờ).
– Có đầy đủ dung dịch làm sạch, hóa chất khử khuẩn. Hóa chất khử khuẩn phải chứng minh có thể tiệt khuẩn, không gây độc hại cho NB, cho nhân viên y tế xử lý dụng cụ, môi trường và không có nguy cơ làm hỏng dụng cụ (Bảng 2).
– Có trang bị hệ thống cung cấp nước sạch, tốt nhất là nước RO (Reverse osmosis: thẩm thấu ngược) hoặc nước khử khoáng.
– Có trang bị hệ thống cung cấp nước vô khuẩn: Số lượng vi sinh vật sống phải dưới <10 CFU/100ml và không có vi khuẩn gây bệnh. Sử dụng nước đã được xử lý qua màng siêu lọc có kích thước ≤ 0,2 micron hoặc nước vô khuẩn.
– Có chậu ngâm hóa chất đúng quy cách, có nắp đậy và được tiệt khuẩn trước mỗi lần sử dụng.

– Có dụng cụ cọ rửa chuyên dụng cho từng loại dụng cụ.
– Có test kiểm tra hiệu lực diệt khuẩn của hóa chất khử khuẩn.
– Có phương tiện đóng gói, lưu giữ bảo quản sau xử lý tiệt khuẩn.

 

Quy trình kiểm tra, giám sát chất lượng xử lý dụng cụ PT nội soi

Phải kiểm tra giám sát chất lượng xử lý dụng cụ theo đúng hướng dẫn, bao gồm giám sát bằng chỉ thị hóa học và sinh học. Kiểm tra, giám sát quy trình thực hành định kỳ theo bảng kiểm. Kiểm tra vi sinh được thực hiện khi nghi ngờ có dịch nhiễm khuẩn bệnh viện liên quan đến xử lý dụng cụ.

Nếu tái xử lý lại dụng cụ được sản xuất dùng một lần, ví dụ trocard nhựa, các ống thông tĩnh mạch, bệnh viện phải bảo đảm chất lượng của các dụng cụ này khi sử dụng lại. Các yêu cầu của JCI (Joint Commision International) quy định về chất lượng của dụng cụ dùng một lần xử lý để dùng lại như sau:
– Có danh mục về dụng cụ sử dụng một lần được phép xử lý để dùng lại.
– Có quy định số lần được xử lý lại (<5 lần).
– Kiểm tra chất lượng dụng cụ và giám sát tiệt khuẩn thực hiện từng lần xử lý và ghi chép lại.

return to top