Cấu trúc phế quản (Ảnh internet)
Phế quản là một phần của hệ hô hấp có chức năng dẫn khí vào phổi. Đó là đoạn tiếp theo phân chia của khí quản, bao gồm phế quản chính phải và phế quản chính trái.
Hen phế quản (Ảnh internet)
Viêm phế quản và hen phế quản đều là những bệnh gây viêm niêm mạc của phế quản. Tình trạng viêm khiến mặt trong lòng phế quản bị phù nề làm tắc nghẽn đường thở gây khó thở. Các cơ trơn thành phế quản bị co thắt, tiết dịch vào lòng ống phế quản gây ho, khò khè, có đờm,…
Sự khác biệt chủ yếu giữa hen phế quản và viêm phế quản là nguyên nhân gây bệnh.
Viêm phế quản cấp tính là bệnh nhiễm trùng do nhiễm vi khuẩn, virus hoặc cả hai. Viêm phế quản mạn tính mặc dù chưa rõ nguyên nhân nhưng người ta nhận thấy 90% người nghiện thuốc lá, thuốc lào bị bệnh. Ngoài ra ô nhiễm môi trường, di truyền, khí hậu, tuổi tác cũng thuận lợi cho bệnh hình thành. Viêm phế quản cấp tính cũng có thể tiến triển thành viêm phế quản mạn tính.
Nhiều yếu tố có thể gây hen phế quản (Ảnh internet)
Trong khi đó, hen phế quản là bệnh chủ yếu do cơ địa và dị nguyên. Yếu tố cơ địa quan trọng là di truyền, người có tạng Atopy (cơ địa dị ứng), giới tính (trẻ em nam mắc bệnh nhiều hơn trẻ em nữ). Ngoài ra người da đen, người béo phì cũng có tỷ lệ bị hen phế quản nhiều hơn. Dị nguyên là yếu tố gây khởi phát và tiến triển bệnh. Nhiều người có thể bị dị ứng với bụi, bọ trong nhà, lông chó mèo, phấn hoa, nấm, hóa chất,…
Hen phế quản có thể thấy ở bất kỳ độ tuổi nào, trong khi đó thường hay gặp người già và trẻ bị viêm phế quản cấp.
Nhìn chung cả viêm phế quản và hen phế quản đều có những triệu chứng ho, khó thở, thở khò khè, đau ngực, song cũng có một vài triệu chứng khác nhau để nhận dạng.
Trong viêm phế quản có thể có sốt mức trung bình 380C, ớn lạnh cơ thể và chất nhầy ở mũi màu vàng xanh. Ho trong viêm phế quản ban đầu là ho khan sau ho có đờm nhầy hoặc vàng-mủ. Những triệu chứng này có thể trở nên nặng hơn trong viêm phế quản cấp ở trẻ em.
Đặc biệt cần lưu ý, viêm phế quản ở trẻ sơ sinh lại được coi là bệnh nặng do dễ biến chứng mà các biểu hiện lại đơn giản và khó nhận ra. Vì vậy khi nhận thấy các biểu hiện bất thường ở trẻ như bỏ bú, sụt cân, nôn mửa, thở khò khè, da xanh xao tím tái v.v… thì cần đưa đi khám bác sỹ kịp thời.
Còn trong hen phế quản, ho, khó thở thành từng cơn, thường về đêm và khi thay đổi thời tiết. Khó thở ra, có tiếng cò cứ mà người ngoài cũng nghe thấy. Cơn khó thở kéo dài 10-15 phút, có khi hàng giờ hoặc liên miên cả ngày không dứt.
Viêm phế quản cấp thường gặp là viêm phế quản cấp tính với hầu hết các trường hợp khỏi trong 2-3 tuần. Bệnh có thể khỏi hoàn toàn và không để lại di chứng gì. Tuy nhiên bệnh có thể tiến triển thành viêm phế quản mạn tính ở người nghiện thuốc hay người bị nhiễm trùng tái lại nhiều lần.
Còn hen phế quản là bệnh mãn tính. Nếu bạn thấy các triệu chứng xuất hiện liên tục trong một thời gian dài, hoặc thậm chí tái phát sau một thời gian ổn định thì rất có thể đó là hen phế quản. Về lâu dài, bệnh có thể biến chứng nhiễm khuẩn, giãn phế nang, suy thất phải, suy tim toàn bộ.
Mặc dù có những triệu chứng giống nhau nhưng viêm phế quản cấp và hen phế quản là hai bệnh có hướng xử trí và phác đồ điều trị khác nhau.
Thông thường ở người trưởng thành, viêm phế quản cấp có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Người bệnh chú ý nghỉ ngơi, giữ ấm, bỏ thuốc lá, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng. Có thể dùng thêm thuốc giảm ho, long đờm, giãn phế quản trong trường hợp ho nhiều gây mất ngủ, ho có đờm, co thắt phế quản. Chỉ nên dùng kháng sinh trong trường hợp có chỉ định của bác sĩ, nhất là với trẻ em.
Còn với hen phế quản, bệnh không thể điều trị khỏi hoàn toàn mà chủ yếu điều trị để giảm các triệu chứng, giảm cơn hen, cắt cơn hen,…Bên cạnh việc điều trị bằng thuốc, người bệnh cũng cần chú ý tránh tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh hoặc làm bệnh nặng. Không hút thuốc, tránh nơi bị ô nhiễm, khói bụi, mùi thơm, phấn hoa, tránh vận động gắng sức,…Vệ sinh giặt là chăn ga gối đệm hàng tuần, phơi nắng, không nuôi chó mèo,…
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh