Phương pháp điều trị tràn dịch màng phổi và những lưu ý trong chăm sóc người bệnh

Phương pháp điều trị tràn dịch màng phổi

Để điều trị tràn dịch màng phổi, các bác sĩ sẽ xác định nguyên nhân gây ra tình trạng ứ nước trong khoang màng phổi, từ đó có chiến lược điều trị phù hợp.

1. Chọc hút dịch màng phổi

Là phương pháp điều trị phổ biến hiện nay, phương pháp này giúp đào thải bớt lượng dịch, làm cho bệnh nhân dễ thở hơn.

2. Dẫn lưu màng phổi

Phương pháp này được sử dụng trong trường hợp bệnh nhân bị tràn mủ, tràn máu màng phổi, tràn dịch kèm tràn khí màng phổi. Một dụng cụ hình ống đặc biệt (ống dẫn lưu) thông thường bằng silicon được đặt xuyên qua da vào khoang màng phổi và được nối với một hệ thống hút áp lực âm để dẫn lưu mủ, máu ra ngoài.

3. Điều trị nội khoa

Tùy theo từng nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ sẽ có chỉ định biện pháp điều trị nội khoa phù hợp:

  • Nếu do nhiễm khuẩn (viêm mủ màng phổi) sẽ sử dụng kháng sinh
  • Nếu do lao sẽ điều trị thuốc kháng lao;
  • Nếu do bệnh ung thư sẽ điều trị hoá chất, có thể gây dính màng phổi để tránh dịch tái phát nhanh.

4. Điều trị hỗ trợ

  • Chống suy hô hấp: chọc tháo dịch, thở oxy qua ống thông mũi
  • Giảm đau, hạ sốt bằng paracetamol
  • Nghỉ ngơi tại giường; ăn những thức ăn nhẹ, dễ tiêu, đủ năng lượng và dinh dưỡng
  • Cần tập vật lý trị liệu hô hấp theo chỉ định của bác sĩ.
  • Cách phòng tránh tràn dịch màng phổi

Tràn dịch màng phổi là biểu hiện hoặc biến chứng của rất nhiều loại bệnh liên quan đến phổi khác nhau như viêm phổi, u ác tính hoặc ung thư phổi. Một số bệnh khác có thể kể đến là áp-xe dưới cơ hoành, áp-xe gan, xơ gan cổ trướng, suy thận, suy tim… cũng có thể khiến phổi bị tràn dịch. Do đó cần phát hiện sớm các bệnh có thể là nguyên nhân gây tràn dịch và điều trị hiệu quả.

Bên cạnh đó, một số biện pháp có thể giúp phòng tránh nguy cơ mắc bệnh như:

  • Hạn chế làm việc, sinh hoạt ở nơi có môi trường ô nhiễm, cải thiện môi trường sống.
  • Thực hiện chế độ ăn chín, uống sôi, tránh các thực phẩm sống chưa qua chế biến nhiệt.
  • Cách ly, giữ khoảng cách an toàn hoặc dùng thuốc dự phòng khi tiếp xúc với bệnh nhân bị lao.
  • Giữ vệ sinh răng miệng và vòm họng hàng ngày, điều trị triệt để viêm nhiễm đường hô hấp trên phòng tránh viêm nhiễm ở phổi.
  • Bỏ thuốc hoặc hạn chế tiếp xúc với môi trường có người hút thuốc.

 

Cách chăm sóc người bệnh

Tình trạng phổi bị tràn dịch chiếm tỷ lệ khá cao so với các bệnh đường hô hấp. Bệnh được điều trị nội khoa nhiều lúc không hiệu quả, để lại nhiều biến chứng và di chứng, ảnh hưởng đến chức năng hô hấp và đe dọa sức khỏe, tính mạng người bệnh. Thời gian để phục hồi bệnh phụ thuộc vào nguyên nhân, mức độ nghiêm trọng của tràn dịch cũng như sức khỏe tổng thể của người bệnh. Người bệnh sẽ bắt đầu quá trình hồi phục trong bệnh viện. Người bệnh cần được chăm sóc và theo dõi liên tục sau khi về nhà. Nhiều người cho biết họ cảm thấy mệt mỏi trong tuần đầu tiên sau khi xuất viện.

1. Chăm sóc tại bệnh viện

Theo dõi biểu hiện suy hô hấp cấp: khó thở dữ dội, tím tái, kích thích vật vã:

  • Cho bệnh nhân thở oxy nếu cần thiết
  • Chọc tháo dịch màng phổi
  • Cho bệnh nhân sử dụng thuốc giảm đau
  • Hướng dẫn bệnh nhân tập thở sâu, tập ho
  • Làm sạch đường hô hấp cho người bệnh để chống xẹp phổi, viêm phổi
  • Nhẹ nhàng khi di chuyển hoặc thay đổi tư thế cho người bệnh, đặc biệt đối với bệnh nhân có đặt ống dẫn lưu
  • Trấn an tinh thần người bệnh: giảm lo lắng bệnh tật

2. Chăm sóc người bệnh khi về nhà

Vết mổ can thiệp điều trị tràn dịch màng phổi (đặt dẫn lưu, nội soi màng phổi…) phải có thời gian phục hồi trong vòng 2 – 4 tuần. Do đó, quá trình chăm sóc bệnh nhân bị tràn dịch màng phổi rất quan trọng.

  • Đặt bệnh nhân ở tư thế đầu cao 20 – 40 độ, nên để người bệnh nằm nghiêng về phía tràn dịch.
  • Tạo điều kiện thuận lợi để bệnh nhân không phải gắng sức bằng cách để các đồ dùng ở vị trí trong tầm tay của bệnh nhân.
  • Tiếp tục tập thở, tập vật lý trị liệu
  • Chế độ ăn cho bệnh nhân phải giàu protein, giàu vitamin, tăng cường hoa quả tươi.

 

Câu hỏi thường gặp về bệnh tràn dịch màng phổi

1. Tràn dịch màng phổi có thể chữa trị được không?

. Dịch màng phổi sẽ thể hết sau một thời gian điều trị tích cực đối với các trường hợp do suy tim, viêm phổi, viêm tụy cấp, ghép tim, phổi hoặc gan, tắc mạch phổi, bệnh ban đỏ hệ thống, do ure máu cao… Các trường hợp tràn dịch phổi do phẫu thuật nối mạch vành hoặc chấn thương tim, hay có liên quan đến sarcoidosis (bệnh u hạt lành tính) có thể được giải quyết trong vòng dưới 2 tháng, tuy nhiên có trường hợp tồn tại dai dẳng đến 6 tháng.

Tràn dịch ở phổi do bệnh lao hoặc viêm tụy mạn tính có thể điều trị giải quyết trong vòng từ 2-6 tháng. Trường hợp viêm màng phổi do thấp và bệnh bụi phổi, có thể lành bệnh trong thời gian 2-6 tháng. Tuy nhiên, trong một vài trường hợp có thể kéo dài từ 6 tháng đến 1 năm mới hết dịch. Đối với bệnh do ung thư thường tái phát nhanh sau dẫn lưu màng phổi.

2. Dịch tràn màng phổi có nguy hiểm không?

Tùy trường hợp. Mức độ nguy hiểm của bệnh tràn dịch màng phổi sẽ phụ thuộc vào:

  • Nếu nguyên nhân do ung thư, việc điều trị gặp phải nhiều khó khăn vì dịch thường tái phát nhanh dù đã chọc hút tích cực.
  • Khi số lượng dịch trong phổi quá nhiều sẽ gây ảnh hưởng lớn đến chức năng giãn nở, hô hấp của phổi, đè ép, cản trở đến sự bơm máu tuần hoàn của tim, dẫn đến tình trạng thiếu oxy toàn cơ thể.

Bệnh có thể để lại một số di chứng như: Viêm dày màng phổi, vôi hóa màng phổi, viêm mủ màng phổi… Các di chứng này đều ảnh hưởng tới khả năng hô hấp của người bệnh.

Việc phát hiện sớm giúp điều trị bệnh có hiệu quả cao. Ngay khi có các dấu hiệu của bệnh, bạn không nên chủ quan mà cần đến các cơ sở y tế để thăm khám và xử trí kịp thời.

3. Tràn dịch phổi nên ăn uống thế nào?

Bệnh có thể diễn tiến nhanh và gây ra những biến chứng nguy hiểm, vì thế sau điều trị bệnh, người bệnh nên có một chế độ ăn hợp lý, thực hiện ăn chín uống sôi, không ăn các thức ăn sống chưa qua chế biến như cá sống, gỏi sống… Bên cạnh đó, một chế độ dinh dưỡng khoa học cũng giúp người bệnh nhanh hồi phục sau điều trị:

  • Ăn nhiều rau củ quả tươi: Đây là các loại thực phẩm bổ sung chất xơ và vitamin cần thiết cho cơ thể, chống lại bệnh tật. Chế độ ăn cần thay đổi đa dạng nhiều loại rau xanh khác nhau;
  • Thịt: Người bệnh nên ăn thịt với lượng vừa phải, đảm bảo đủ chất dinh dưỡng, tránh ăn nhiều thịt mỡ, nên ăn các loại thịt gia cầm;
  • Trái cây: Cần bổ sung trái cây trong chế độ ăn hàng ngày bởi trái cây giúp bổ sung nhiều vitamin cần thiết cho cơ thể;
  • Uống đủ nước;
  • Tránh rượu, bia, thuốc lá;
  • Tránh ăn quá mặn.

4. Tràn dịch phổi nên uống thuốc gì?

Dựa vào các nguyên nhân gây bệnh bác sĩ sẽ có phác đồ để điều trị giảm nhẹ các triệu chứng. Tùy thuộc vào tình trạng bệnh mà phác đồ điều trị có thể khác nhau. Cụ thể là:

  • Một số thuốc có thể được sử dụng như kháng sinh khi phát hiện có nguyên nhân nhiễm trùng.
  • Thuốc lợi tiểu có tác dụng giảm dần lượng dịch ứ đọng trong màng phổi trong trường hợp suy tim, suy thận…
  • Nếu tràn dịch phổi do lao thì điều trị bằng thuốc kháng lao
  • Nếu do ung thư thì các biện pháp điều trị ung thư sẽ được áp dụng
  • Thuốc điều trị suy tim, xơ gan, suy thận,…

5. Hội chứng 3 giảm là gì?

Hội chứng 3 giảm trong tràn dịch màng phổi đây là một thuật ngữ được sử dụng trong y học có thể được hiểu là: giảm âm khi nghe phổi, giảm rung thanh, gõ đục. Hội chứng này thường được phát hiện thông qua việc thăm khám lâm sàng ở những trường hợp nghi ngờ phổi bị tràn dịch.

Để có thể phát hiện được hội chứng này bác sĩ cần phải thăm khám trực tiếp. Cả 3 dấu hiệu này đều có giá trị rất lớn trong việc chẩn đoán bệnh. Từ đó các bác sĩ có thể đưa ra những chỉ định cận lâm sàng phù hợp, giúp chẩn đoán sớm bệnh, can thiệp kịp thời.

return to top