MỞ ĐẦU
Cơ thể trẻ em từ lúc mới sinh đến lúc trưởng thành không ngừng có những biến đổi về cấu tạo và chức năng, để cho một mầm sống từ giai đoạn bào thai trở nên thích nghi với môi trường sống mới, và lớn lên thành một cá thể hoàn chỉnh về tâm – sinh lý, có thể hòa nhập vào cuộc sống xã hội.
CÁC HIỆN TƯỢNG CỦA QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN
Có thể khái quát quá trình phát triển gồm 3 hiện tượng:
Hiện tượng thích nghi: chủ yếu ở thời kỳ sơ sinh, là hiện tượng thay đổi hoạt động chức năng của các cơ quan để phù hợp với môi trường sống mới.
Hiện tượng tăng trưởng: sự gia tăng số lượng của các tế bào và mô đệm, song song với sự phát triển về chất lượng, làm cho các cơ quan phát triển về kích thước và về chức năng.
Có một số cơ quan mà các đơn vị cấu tạo chính không còn gia tăng thêm sau sanh như: thận, não, nhưng các tế bào vẫn phát triển về chất.
Ngược lại có những tế bào tăng nhanh về số lượng như tế bào đệm thần kinh, tế bào gan, tế bào ở các mô nội tiết… Hiện tượng tăng trưởng là một biểu hiện đặc thù của cơ thể trẻ em, thể hiện rõ nét nhất là sự tăng trưởng bù trừ cho 1 bộ phận bị mất đi (ví dụ sau cắt gan, cắt thận)
Hiện tượng trưởng thành: là sự hoàn thiện đến mức cao nhất về chất lượng hoạt động của các cơ quan, thường xảy ra ở thời kỳ dậy thì. Các nội tiết tố hoạt động mạnh làm các tế bào biến đổi về cấu trúc và chức năng.
Ngoài ra, yếu tố tâm lý và môi trường cũng ảnh hưởng sâu sắc đến các hiện tượng, đặc biệt là hiện tượng trưởng thành.
Để dễ theo dõi và nghiên cứu quá trình phát triển của trẻ em, người ta phân chia thành các giai đoạn phát triển. Có nhiều cách chia tùy theo mục đích nghiên cứu. Các nhà lâm sàng thường chia 6 thời kỳ:
Thời kỳ sơ sinh: Từ ngày 1 đến ngày 28 sau sinh.
Thời kỳ nhũ nhi: Từ tháng thứ 2 đến hết năm đầu tiên.
Thời kỳ từ 1 đến 2 tuổi
Thời kỳ từ 3 đến 5 tuổi (preschool years)
Thời kỳ từ 6 đến 12 tuổi (early school years)
Thời kỳ dậy thì (adolescence)
Các thời kỳ có liên quan chặt chẽ với nhau, thời kỳ trước chuẩn bị cho thời kỳ sau, các thời kỳ có những điểm chung về sinh lý và bệnh lý, nhưng cũng có những điểm riêng của từng thời kỳ.
CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN PHÁT TRIỂN THỂ CHẤT
Yếu tố di truyền
Yếu tố chủng tộc: liên quan đến chế độ dinh dưỡng và bệnh lý vùng, ví dụ ký sinh trùng…
Yếu tố nội tiết: Các hormone kích thích tăng trưởng: GH, TSH, hormone sinh dục.
Yếu tố tâm lý- tình cảm.
SỰ PHÁT TRIỂN CỦA CÁC CƠ QUAN KHÔNG CÙNG CHUNG MỘT TỐC ĐỘ
Não phát triển rất nhanh trong năm đầu tiên, và gần như hoàn chỉnh lúc trẻ được 6 tuổi.
Các chi phát triển mạnh trước giai đoạn dậy thì.
Cột sống phát triển mạnh lúc dậy thì.
Tuyến sinh dục và cơ quan sinh dục phát triển chủ yếu ở thời kỳ dậy thì.
CÁC CHỈ SỐ ĐÁNH GIÁ SỰ PHÁT TRIỂN THỂ CHẤT
Cân nặng- đường cong cân nặng
Cân nặng là chỉ số cơ bản nhất nói lên mức độ dinh dưỡng và tăng trưởng, nên trẻ phải được cân định kỳ.
Đường cong cân nặng theo tuổi có ý nghĩa hơn chỉ số cân nặng tại một thời điểm. Hơn nữa nó còn có ý nghĩa:
Giúp đánh giá tốc độ tăng trưởng ở từng thời kỳ.
Phát hiện sớm suy dinh dưỡng trước khi có các biểu hiện lâm sàng.
Theo dõi và đánh giá độ mất nước.
Tốc độ tăng cân của trẻ bình thường như sau:
3 tháng đầu: tăng 30 g/ngày.
Tháng thứ 3 trở đi: tăng 20-25g/ngày.
Tháng 3 – 6: tăng 20g/ngày, sau đó 10g/ngày đến 2 tuổi.
Sau 2 tuổi: tăng 2kg/năm.
Trẻ 6 tháng nặng gấp đôi lúc sinh.
12 tháng nặng gấp 3 lúc sinh.
24 tháng nặng gấp 4 lúc sinh.
6 tuổi nặng 20kg.
Người ta thường dùng đường cong hình chuông (Gauss) đối xứng qua 1 trục. Từ đó có những độ lệch chuẩn được quy định như sau:
Từ:
-1SD đến +1SD: gồm 68% dân số nghiên cứu
-2SD đến +2SD: gồm 95% dân số nghiên cứu.
< -2SD gồm 2,5% dân số nghiên cứu.
>+2SD gồm 2,5% dân số nghiên cứu.
Vậy với 1 cân nặng trong khoảng -2SD đến +2SD đứa trẻ có nhiều khả năng nằm trong mức bình thường.
Có thể dùng đường cong percentile, nếu đối chiếu với đường cong Gauss ta có:
Trị số trung bình nằm trong khoảng 50e percentile
Trị số -2SD nằm trong khoảng 2,5e percentile
Trị số +2SD nằm trong khoảng 97,5e percentile
Chiều cao- đường cong chiều cao
Cũng như cân nặng cần theo dõi định kỳ chiều cao và đường cong chiều cao, chiều cao hỗ trợ cho cân nặng nói lên các bất thường cấp tính và mãn tính.
Ví dụ:
Suy dinh dưỡng cấp chỉ ảnh hưởng đến cân nặng.
Suy dinh dưỡng kéo dài 2-3 tháng bắt đầu ảnh hưởng đến chiều cao.
Suy dinh dưỡng mãn hiện ổn định, cân nặng có thể phục hồi nhưng chiều cao còn ảnh hưởng.
Lúc mới sinh trẻ đo được 48-50cm.
Năm đầu tăng 20-25 cm (trong đó 3 tháng đầu bé đã tăng 10-12 cm). Cuối năm đầu trẻ cao 70 – 75cm.
Năm thứ 2 tăng 12cm → trẻ 2 tuổi cao 82 – 87cm.
Năm thứ 3 tăng 10cm → trẻ 3 tuổi cao 92 – 97cm.
Năm thứ 4 tăng 7cm → trẻ 4 tuổi cao 99 – 104cm.
Sau đó mỗi năm tăng 5 cm.
Tuổi dậy thì, chiều cao tăng vọt lên dưới ảnh hưởng của các nội tiết tố.
Vòng đầu- sự phát triển của não
Vòng đầu là đường kính lớn nhất của hộp sọ, được đo ngang qua giữa trán, vòng qua 2 tai, và 2 chỗ nhô ra nhất của ụ chẩm.
Vòng đầu phản ánh khối lượng não bên trong.
Ở trẻ sơ sinh vòng đầu = 34-35cm (T/2+10)
6 tháng vòng đầu = 44cm (tăng 9cm).
1 năm đầu = 47cm.
Trong năm thứ 2 tăng 2-3cm.
6 tuổi đạt 54-55cm (bằng người lớn).
Trẻ sinh non, tốc độ tăng vòng đầu chậm hơn…
Não: phát triển chủ yếu từ những tháng cuối của thai kỳ và trong năm đầu tiên. Lúc mới sinh, não nặng 350g. Lúc 1 tuổi nặng 900g, lúc 6 tuổi nặng 1300g (bằng người lớn). Tuy nhiên về hoạt động chưa cân bằng, còn lệ thuộc nhiều vào các tác động của giáo dục, tình cảm.
Các đường nối của sọ còn hở lúc mới sinh, lúc 1 tuổi còn 1mm. 3 tuổi còn 1/10 mm, rồi sau đó đóng hoàn toàn.
Thóp trước đóng lúc 8 – 24 tháng. Thóp sau đóng lúc 3 tháng.
Sự phát triển phần mềm
Khối lượng các bắp thịt (cơ) phản ảnh tình trạng dinh dưỡng. Có nhiều cách xác định. Người ta thường đo vòng cánh tay: trẻ từ 1 – 5 tuổi có số đo vòng cánh tay trung bình 14 – 16 cm. Nếu dưới 12 cm, trẻ bị suy dinh dưỡng nặng.
Sự phát triển của răng
Đếm số răng có thể ước lượng tuổi và tình trạng dinh dưỡng.
Các bệnh suy dinh dưỡng, còi xương làm răng mọc chậm.
Răng sữa bắt đầu mọc từ khoảng tháng thứ 6. Sau 6 tuổi, răng sữa rụng dần và được thay bằng răng vĩnh viễn, tổng số là 32 cái.
06 – 12 tháng: 8 răng sữa (4 trên + 4 dưới)
12 – 18 tháng: 4 răng tiền hàm
18 – 24 tháng: 4 răng nanh
24 – 30 tháng: 4 răng hàm lớn
Tổng cộng: 20 răng sữa.
Tuổi xương
Nhằm mục đích đánh giá sự trưởng thành của các sụn tăng trưởng so với tuổi thật (age chronologique) và tuổi thật so với chiều cao (age statural). Thông thường 3 tuổi này ăn khớp nhau.
Qui ước chụp Xquang các vùng sụn tăng trưởng như sau:
Từ 0 – 1 tuổi: bàn chân trái, cẳng chân trái, đùi trái.
Trên 6 tháng: bàn tay, cổ tay trái.
Sau đó người ta thường đếm các điểm vôi hóa, tra bảng và tính tuổi xương.
Đánh giá mức độ dậy thì
Tuổi bắt đầu dậy thì ở trẻ gái trung bình là 11 tuổi (9 – 16 tuổi).
Độ 1: chưa có dấu hiệu dậy thì.
Độ 2: vú bắt đầu phát triển, mọc ít lông mu, nách.
Độ 3 – 4: núm vú phát triển, lông nhiều hơn, môi lớn và môi nhỏ phát triển.
Độ 5: bắt đầu có kinh nguyệt (thường 2 năm sau độ 2).
Tuổi bắt đầu dậy thì ở trẻ trai trung bình là 12 tuổi (10 – 15 tuổi).
Độ 1: chưa có dấu hiệu dậy thì.
Độ 2: bắt đầu tăng thể tích tinh hoàn, dương vật, có lông nách và lông mu.
Độ 3: bể giọng.
Độ 4: các khối cơ phát triển.
Độ 5: bắt đầu có dấu hiệu xuất tinh.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh