✴️ Bệnh lý tủy sống thường gặp: chẩn đoán và điều trị

1. Các bệnh lý tủy sống thường gặp

1.1 Hẹp ống sống

Hẹp ống sống gây tổn thương tủy là một trong những bệnh lý tủy sống thường gặp. Tủy sống được bao bọc và bảo vệ bởi xương sống nhưng tủy sống vẫn chịu rất nhiều nguy cơ tổn thương do những tác động từ bên ngoài hoặc phát sinh từ bên trong. Những tác động từ bên ngoài hoặc phát sinh bên trong này có thể gây hẹp ống sống gây tổn thương tủy.

Đây là bệnh lý bẩm sinh thường gặp ở khu vực cổ hoặc lưng dưới. Không gian bên trong cột sống bị thu hẹp, điều này khiến các dây thần kinh bị chèn ép, gây ra cảm giác đau đớn.

Người bị hẹp ống sống thường có các biểu hiện như: rối loạn chức năng bàng quang và ruột, cảm giác tê bì, ngứa ở tay chân, giảm lực bàn tay, bàn chân, đau mỏi cổ vai gáy,…

 

1.2 Thoát vị đĩa đệm

Đây là bệnh lý phổ biến thường gặp ở người cao tuổi hoặc người sau khi trải qua tại nạn dẫn đến chấn thương cột sống.

Thoát vị đĩa đệm xảy ra khi phần bao xơ đĩa đệm bị rách hoặc tổn thương, dịch nhầy chèn ép tủy sống và dây thần kinh tủy sống. Thoái hóa đĩa đệm cũng là một trong những hung thủ chèn ép tủy sống gây bệnh lý tủy sống.

Người bị thoát vị, thoái hóa đĩa đệm thường có biểu hiện: đau vùng tay, chân, tê bì, ngứa ở vùng bị thương, hạn chế khả năng vận động.

Khối thoát vị đĩa đệm gây chèn ép tủy sống.

 

1.3 U nội tủy

U tủy sống là một bệnh lý nguy hiểm, khối u phát sinh ở tủy sống thường gây ra các triệu chứng như:

– Đau lưng hoặc đau tại các vị trí có khối u.

– Suy giảm chức năng bàng quang, ruột.

– Mất cảm giác,…

Khối u tủy sống có thể gây tổn thương các dây thần kinh vĩnh viễn nếu như người bệnh không được phát hiện sớm và có biện pháp can thiệp kịp thời, hiệu quả.

Có 3 loại u tủy thường gặp là:

– Khối u ngoài tủy sống

– Khối u bên trong ống sống (khối u nội tủy).

– Khối u di căn.

 

1.4 Chấn thương tủy sống

Tủy sống có thể bị chấn thương do tác động của ngoại lực là chủ yếu. Chấn thương có thể xảy ra ở bất kỳ vùng nào của tủy sống. Có thể dẫn đến nguy cơ bại liệt nếu chấn thương tủy sống nghiêm trọng.

Người bệnh có thể bị chấn thương tủy hoàn toàn hoặc không hoàn toàn, dẫn tới mất kiểm soát các vận động và cảm giác.

Ngoài ra, có một số triệu chứng xuất hiện ở người bị chấn thương tủy sống như:

Co thắt cơ, rối loạn chức năng sinh dục, khó thở, tiết dịch phổi…Một trong số những biện pháp để cải thiện tình trạng bệnh là sử dụng thuốc để đẩy nhanh quá trình tái tạo các dây thần kinh. Tuy nhiên tùy thuộc vào mỗi loại chấn thương mà bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị thích hợp.

Chấn thương cột sống làm vỡ đốt sống có thể gây chèn ép làm tủy sống bị tổn thương.

 

1.5 Áp xe tủy sống

Biểu hiện của áp xe tủy sống là tình trạng các mô bị sưng tấy và tích tụ lại tạo thành mủ. Do tế bào bạch cầu được tiết ra để chống lại nhiễm trùng khi tủy bị tổn thương, lượng tế bào này lấp đầy các mô tổn thương và gây ra hiện tượng tạo mủ. Đây là một trong những bệnh lý ít gặp ở tủy và chúng có nguy cơ gây tổn thương vĩnh viễn.

Bệnh áp xe tủy sống thường được điều trị bằng cách phẫu thuật hoặc dẫn lưu. Người bệnh có thể được kê thêm các loại thuốc kháng khuẩn để ngăn chặn nhiễm trùng.

 

2. Chẩn đoán và điều trị bệnh lý tủy sống

2.1 Chẩn đoán bệnh lý tủy sống

Hiện nay, để chẩn đoán các bệnh lý về tủy sống thường sử dụng kỹ thuật chụp cộng hưởng từ MRI cột sống và tủy sống. Đây được xem là phương pháp chẩn đoán hình ảnh tiên tiến nhất hiện nay, cho kết quả chính xác khi cần tầm soát, phát hiện các bất thương và bệnh lý ở vùng cột sống và tủy sống.

So với chụp cắt lớp vi tính MSCT tủy sống có tiêm thuốc cản quang, thì chụp cộng hưởng từ có nhiều ưu điểm vượt trội hơn:

– Không chịu ảnh hưởng của tia X nên không gây hại đến sức khỏe.

– Có thể chụp ở người lớn, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai.

– An toàn, không xâm lấn

– Cho hình ảnh rõ nét, phát hiện các tổn thương dù nhỏ nhất, ở những khu vực khó phát hiện.

– Có thể dựng hình ảnh 3D, phục vụ cho việc chẩn đoán chính xác.

Ngoài chụp cộng hưởng từ MRI tủy sống, bác sĩ có thể chỉ định chọc dò tủy sống để làm xét nghiệm, điều này tùy thuộc vào tình trạng bệnh lý và tình hình sức khỏe của từng người bệnh mà sẽ có chỉ định riêng.

 

2.2 Điều trị bệnh lý tủy sống

Điều trị bệnh lý tủy sống còn tùy thuộc vào từng loại bệnh khác nhau mà sẽ có các phương pháp điều trị khác nhau. Có thể điều trị nội khoa hoặc can thiệp bằng phẫu thuật, trong một số trường hợp nếu bệnh lý không biểu hiện triệu chứng có thể theo dõi mà chưa cần phải điều trị. Bạn nên đi khám với bác sĩ, tùy từng trường hợp cụ thể mà bác sĩ sẽ tư vấn hướng điều trị  và cách chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho bạn.

 

3. Một số biện pháp phòng tránh chấn thương tủy sống

Để phòng tránh nguy cơ dẫn tới các loại bệnh và chấn thương tủy sống, bạn có thể áp dụng một số biện pháp sau:

– Luyện tập thể dục thể thao đúng cách và mang đầy đủ đồ bảo hộ để tránh chấn thương.

– Thường xuyên đi khám bệnh định kỳ để phát hiện sớm những bất thường.

– Tham gia các bộ môn thể thao như yoga hay đi bộ, đạp xe để tăng cường xương khớp.

– Thiết lập chế độ ăn uống hợp lý và khoa học.

– Luôn giữ tinh thần lạc quan, vui vẻ để phòng tránh bệnh tật.

Trên đây là những thông tin cơ bản nhất về tủy sống, nếu xuất hiện bất kỳ tổn thương nào ở bộ phận này bạn nên sớm đến gặp bác sĩ để được tư vấn cụ thể.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top