✴️ Sự phát triển tâm thần vận động ở trẻ em (P2)

Nội dung

ĐẶC ĐIỂM PHÁT TRIỂN CỦA TỪNG THỜI KỲ

Thời kỳ sơ sinh: từ 1-28 ngày

Trong thời kỳ này nổi bật là hiện tượng thích nghi. Các cơ quan phải thích nghi để chuyển từ kiểu sống lệ thuộc vào kiểu sống độc lập. Hai cơ quan cần biến đổi quan trọng nhất là hệ hô hấp và hệ tuần hoàn.

Trong bào thai, phổi là một tạng đặc không chứa khí, sự hô hấp tế bào chủ yếu nhờ vào sự trao đổi chất dinh dưỡng và oxy từ máu mẹ qua hệ tuần hoàn bào thai. Chỉ có khoảng 10% máu từ động mạch phổi đi lên phổi và 90% không qua phổi mà đi tắt qua ống động mạch vào động mạch chủ xuống. Sức cản (resistance) của hệ động mạch phổi bào thai cao, gấp rưỡi hệ động mạch phổi, nên thất phải ưu thế hơn thất trái.

Ngoài ra các cơ quan khác cũng tham gia thích nghi như: § Điều hòa thân nhiệt: trẻ so sinh bị mất nhiệt nhiều hơn tạo nhiệt § Nhiệt độ cơ thể trẻ thấp hơn mẹ 0,3- 0,8ºC. 

Nhiệt độ tối ưu ở sơ sinh là 32ºC (35ºC trẻ sinh non) trong khi là 22ºC người lớn

Để tạo nhiệt: chỉ có từ khối mỡ nâu và dự trữ Glycogen ở gan, trẻ sơ sinh không có phản xạ run.

Hệ chuyển hóa: trong những giây phút đầu ở điều kiện thiếu oxy, hệ chuyển hóa tiết kiệm tiêu thụ oxy bằng chuyển hóa yếm khí - sơ đồ (1), sau những hoạt động  tác thở có hiệu quả, nồng độ oxy máu tăng dần giúp cơ thể chuyển hóa ái khí, để tránh toan hóa do tăng acid lactic.

Sơ đồ 1

https://suckhoe.us/photos/174/nhi%20khoa/PhamNgocThach/image091.png

https://suckhoe.us/photos/174/nhi%20khoa/PhamNgocThach/image093.jpg 

Sau khi sinh, tuần hoàn bào thai ngưng hoạt động. Sau những động tác thở đầu tiên, lượng máu lên phổi tăng, oxy cũng có tác dụng làm giãn hệ mạch máu phổi, máu về tim trái  tăng gấp đôi ngay sau khi cắt rốn. Ống động mạch và lỗ bầu dục sẽ đóng dần về chức năng và cơ thể học.

Hệ tiêu hóa: bắt đầu tạo men tiêu hóa glucid, protid, lipid.

Gan: chuyển hóa và dự trữ glucid, lipid. Trẻ càng đẻ non, các chức năng trên càng khó thích nghi.

Trẻ sơ sinh có hiện tượng mất cân sinh lý: mất khoảng 10% cân nặng trong tuần đầu. Sau đó khi bé đã quen với động tác bú, trẻ sẽ lên cân mỗi ngày trung bình 25 – 30g.

Các động tác của trẻ sơ sinh lộn xộn, không kiểm soát được trừ 3 động tác: quay đầu theo tiếng động lớn, nhìn theo 1 vật và động tác bú.

Trẻ ngủ từ 20 – 24 giờ/ngày.

Trương lực cơ tăng ở tứ chi, giảm ở thân, ngã theo chiều nghiêng của thân.

Trẻ có các phản xạ nguyên phát.

6 tháng: phản xạ bú, phản xạ cầm nắm, phản xạ Moro, phản xạ tự động bước.

Khả năng nhận thức:

Trẻ sơ sinh cũng có khả năng nhận thức cho kích thích và phản ứng.

Sự phát triển tình cảm: tùy thuộc mỗi cá thể và môi trường. Ví dụ: một người mẹ cho con bú không có lo âu, bình thản, dịu dàng sẽ sớm thiết lập nơi trẻ một thời khóa biểu ổn định. Trái lại 1 người mẹ có nhiều lo âu, phiền muộn sẽ ảnh hưởng lên đứa trẻ làm cho trẻ tăng kích thích, chậm lên cân, thậm chí tiêu chảy.

Về đặc điểm bệnh lý của thời kỳ này:

Bẩm sinh: các dị tật bẩm sinh nặng hoặc các bệnh di truyền đồng hợp tử sẽ thể hiện ở giai đoạn này, ảnh hưởng đến chức năng thích nghi.

Mắc phải: Chủ yếu do các cơ quan chưa thích nghi.

Ví dụ: suy hô hấp, xuất huyết não màng não, hạ đường huyết, hạ thân nhiệt, nhiễm trùng nặng.

Thời kỳ nhũ nhi

Sự phát triển thể chất

Trẻ tiếp tục tăng cân 25-30g/ngày, rồi chậm dần từ tháng thứ 3: mỗi ngày tăng 20g.

Trẻ 6 tháng nặng gấp đôi lúc sinh hoặc hơn. Trẻ 12 tháng nặng gấp 3 lúc sinh hoặc hơn.

Trẻ đẻ non nếu được cho chế độ ăn đúng về năng lượng có thể bắt kịp trẻ bình thường.

Về chiều cao tăng 20 – 25 m: trẻ 1 tuổi dài 70-75cm.

Vòng đầu:Tăng 10cm, đạt 45 cm lúc 1 tuổi.

Các cơ quan nội tạng tiếp tục phát triển và lượng và chất.

Sự phát triển tâm thận vận động

Từ 2 tháng khả năng nhận thức và trao đổi của trẻ với môi trường xung quanh tăng lên, và những tháng sau đó tăng lên rất đáng kể làm cho trẻ rất đáng yêu.

Giấc ngủ: 

Thời gian ngủ giảm dần còn 14 – 16 giờ/ngày, trong đó trẻ có thể ngủ liên tục 1 đêm 9 – 10 iếng. Có trẻ thức dậy bú lúc nữa đêm rồi ngủ tiếp đến sáng.

Lúc 6 tháng trẻ ngủ khoảng 8 tiếng/đêm, nhưng hay thức dậy giữa chừng, nếu được dỗ hay bú thì trẻ sẽ ngủ lại.

Về vận động và nhận thức:

2 tháng:      

Trẻ giữ được cổ cứng, nếu đặt nằm sấp thỉnh thoảng trẻ có thể tự ngóc đầu. 

Trương lực cơ 4 chi giảm bớt, lúc nằm có thể duỗi tay chân tự nhiên.

Trẻ dõi mắt theo người hay vật, cười chủ động.

3 tháng:

Trẻ biết quay đầu qua lại, quay ra sau khi đặt ngồi, cầm đồ đưa vô miệng.

Phản xạ Moro mất dần.

Biết lắng nghe và thể hiện cảm xúc theo âm thanh.

4 tháng: 

Biết lật.

Biết nghe và bắt chước theo nhạc “ah,ah” thích nghe mẹ nói chuyện với bé.

Cười ra tiếng.

Biết tỏ ra giận dữ.

Kích thích (excited) khi thấy thức ăn hay vật bé thích (đồ chơi).

6 tháng: 

Trẻ trườn lên nằm sấp.

Cơ cổ hoàn thiện giúp trẻ luôn giữ thẳng được đầu.

Có thể ngồi tựa.

Mất hết phản xạ nguyên phát.

Chuyển được vật từ tay này qua tay kia để khám phá và đưa nó vào miệng.

Biết nhặt đồ chơi bằng 5 ngón tay.

Biết phân biệt người lạ và trốn các mối đe dọa.

9 tháng: 

Tự ngồi được nhờ cột sống và khung chậu đã vững.

Nhặt hòn bi bằng 2 ngón tay.

Phát âm được và hiểu  được các âm đơn.

Thích chơi trò có âm thanh và hình ảnh.

12 tháng: 

Lần theo ghế tập đi, tự đứng dậy 1 mình.

Biết chồng các ô gỗ thành tháp.

Chơi được những trò chơi đơn giản như ném bóng.

Phát âm đôi.

Phân biệt lời khen và cấm đoán.

Về tình cảm và quan hệ xã hội

Đây là bước đầu tiên trong đời mà đứa trẻ thiết lập cho nó. Cách phản ứng với môi trường xã hội, trong đó sự quan tâm của người lớn rất quan trọng. Trẻ bắt đầu khám phá bản thân mình 1 cách sơ khởi, thể hiện qua các động tác phun nước bọt, nói ê a, mút tay, sờ tai và mân mê. Từ đó ý thức về cái “tôi” (self) và những cái “không phải tôi” (nonself).

Khi muốn tỏ bày ý muốn (vui, buồn, hờn, giận, thích, không thích…) trẻ sử dụng gương mặt, mắt, nụ cười, tiếng la khóc để bày tỏ, làm cho người lớn hiểu và làm theo ý mình. Nhưng nếu trẻ thiếu tình cảm, nó sẽ không cố gắng phản ứng để đạt được ý muốn đó mà chỉ tỏ ra buồn bả.

Trẻ biết nhớ mẹ từ 6 tháng tuổi, nếu ngủ riêng, trẻ có thể thúc dậy lúc nữa đêm vì nhớ mẹ. Trẻ có thể bị stress khi đi nhà trẻ ở giai đoạn này.

Về bệnh lý

Nổi bật là các bệnh mắc phải, riêng trong tháng 2,3 có thể giống đặc điểm của thời kỳ sơ sinh.

Các bệnh mắc phải gặp nhiều ở tuổi nhũ nhi:

Nhiễm trùng: nặng như nhiễm trùng huyết, viêm màng não.

Nhiễm siêu vi, phát ban.

Mất nước.

Sốt cao co giật.

Suy dinh dưỡng thiếu máu thiếu sắt.

Ngoài ra còn có các tai nạn như dị vật đường thở, chấn thương sọ…

Thời kỳ 1-2 tuổi

Sự phát triển thể chất

Sự phát triển tâm thần vận động

Trẻ 15 tháng: Thường tự đi 1 mình, 1 số trẻ biết đi lúc 12 tháng. Ngược lại 1 số vẫn chưa đi được 1 mình lúc 15 tháng. Điều này không nói lên được mức độ phát triển của trẻ. Thường những trẻ hiếu động, ít nhút nhát thì đi sớm hoặc những trẻ nhút nhát thích ngồi khám phá đồ chơi thì đi chậm hơn.

Trẻ 15 tháng có thể hòa nhập vào tập thể biết tranh giành đồ chơi, rất tò mò nhưng chưa ý thức được nguy hiểm. Ví dụ: trẻ leo ghế bị té ngã, vẫn chưa sợ leo ghế.

18 tháng:  Chạy vững, bò lên cầu thang.

Nói được câu ngắn.

Biết lấy hòn bi trong 1 cái ly.

Biết kêu tiêu tiểu ban ngày.

Biết tự múc ăn nhưng vụng về.

21 tháng:  Đi lên cầu thang bằng cách vịn vào thành. Xếp ô vuông thành hàng dài.

Nói được câu dài, có thể kể thành chuyện nếu được hổ trợ.

Biết phụ người lớn mặc quần áo, rữa tay.

24 tháng:  Xuống được cầu thang khi dắt 1 tay.

Nói nhiều, hát được, đặt nhiều câu hỏi.

Vẽ hình tròn, phân biệt màu sắc, lớn nhỏ.

Tự mặc quần áo đơn giản, vệ sinh cá nhân nhưng còn vụng về. Sự phát triển về tình cảm và khả năng nhận thức:

Từ khoảng 18 tháng, có rất nhiều biến đổi về nhận thức, đánh dấu thời kỳ phát hiện cảm giác vận động.

Trẻ bắt đầu hiểu về khái niệm nhân quả.

Trong nhận thức bắt đầu có hiện tượng hình tượng hóa (symbolization). Ví dụ: 1 con búp bê là đồ chơi nên có thể được đút ăn bằng 1 cái đĩa không có thức ăn.

Khi xa mẹ trẻ dùng 1 vật của mẹ để đỡ nhớ.

Bắt đầu biết phân biệt đúng sai và tự mình biết không làm điều cấm đoán.

Bệnh lý

Còn giống lứa tuổi nhũ nhi lớn.

Ngoài ra còn có nhiều bệnh gặp ở tuổi này hơn: Sốt cao co giật, viêm mũi họng, viêm tai giữa, lồng ruột cấp. 

Tỉ lệ các tai nạn tăng hơn so với tuổi nhũ nhi.

Thời kỳ từ 3-5 tuổi

Sự phát triển thể chất

Tăng trưởng chậm: mỗi năm tăng 2 kg. Chiều cao mỗi năm tăng 5 cm.

Vòng đầu 55cm lúc 6 tuổi (= người lớn). Lúc 6 tuổi não trưởng thành 100% nhưng các cung phản xạ có điều hiện chưa phong phú, phức tạp.

Đủ răng để ăn đủ loại thức ăn nhưng ăn ít đi.

Về miễn dịch: hệ thống miễn dịch tại chỗ, đặc biệt ở ruột phát triển mạnh, hệ thống miễn dịch toàn thân về tế bào và dịch thể cũng phát triển mạnh từ 5 – 6 tuổi giúp trẻ tăng cường sức đề kháng, nhưng khi phát triển không kiểm soát được sẽ đưa đến bệnh lý.

Về tâm lý tình cảm

Trẻ đi mẫu giáo và được hoàn thiện về ngôn ngữ cơ bản về các nhận thực cơ bản của văn học, toán.

Có thể tham gia các trò chơi vận động của 1 tập thể.

Khi đi học trẻ có cảm giác bị bỏ rơi, ganh tỵ hoặc lo sợ nên phụ huynh cần trấn an, giải thích. Trẻ tưởng tượng phong phú, bắt chước tinh vi hơn từ đó trẻ có thể nói dối, đặt thành 1 câu chuyện dài có liên quan đến mình, sợ bóng tối, sợ quái vật.

Từ 5 tuổi trẻ ý thức về giới tính rõ ràng hơn và cần được giáo dục.

Bệnh lý

Bệnh mắc phải 

Bệnh lây nhiều do trẻ sống tập thể, nhiễm siêu vi hô hấp, tiêu chảy, ghẻ.

Viêm xoang, viêm amidals.

Bệnh rối loạn miễn dịch: Hen, Hội chứng thận hư, Viêm cầu thận, Thấp tim…

Sau 6 tuổi sốt cao co giật thường biến mất.

Tỉ lệ các tai nạn vẫn còn cao.

Thời kỳ 6-12 tuổi

Thể chất

Phát triển sụn đầu xương, cột sống.

Các răng sữa rụng và thay bằng răng vĩnh viễn.

Não: phát triển trí thông minh, phán đoán.

Bệnh lý

Giảm bớt các bệnh lây, các bệnh mãn tính nếu không kiểm soát có thể bắt đầu có các biến chứng và di chứng.

Giảm bớt các tai nạn tuy nhiên bắt đầu có các ngộ độc cố ý.

Xuất hiện các bệnh học đường: vẹo cột sống, cận thị..

Thời kỳ dậy thì

Về thể chất

Dưới ảnh hưởng của các nội tiết tố đều tăng hoạt động ở thời kỳ này, đặc biệt các hormone sinh dục, cơ thể sẽ hoàn thiện sự phát triển về lượng và chất.

Trẻ trai tăng 8,7cm trong năm đầu. Trẻ gái tăng 7,5 cm.

Cơ quan sinh dục trong và ngoài phát triển.

Các sụn đầu xương được vôi hóa đến hết giai đoạn này. Sau 25 tuổi chiều cao ngưng tăng trưởng.

Tim có kích thước gần như gấp 2.

Dung tích sống tăng gấp 2.

Huyết áp, thể tích máu lưu thông, hematocrite tăng.

Về tâm lý tình cảm

Trẻ vẫn còn là một đứa trẻ cân sự chỉ dạy của người lớn, nhưng cũng ở giai đoạn tự khẳng định mình, tâm lý không ổn định, tình cảm thất thường, tính khí thất thường.

Về bệnh lý

Tăng tỉ lệ tự tử và bệnh tâm thần.

Bệnh của tuổi dậy thì: mụn, rối loạn kinh nguyệt.

 

TÓM TẮT

Cơ thể trẻ em từ lúc mới sinh đến lúc trưởng thành không ngừng có những biến đổi về cấu tạo và chức năng. Các nhà lâm sàng thường chia 6 thời kỳ phát triển. 

Các thời kỳ có liên quan chặt chẽ với nhau, thời kỳ trước chuẩn bị cho thời kỳ sau, các thời kỳ có những điểm chung về sinh lý và bệnh lý, nhưng cũng có những điểm riêng của từng thời kỳ.

Tùy theo từng thời kì, có hiện tượng chiếm ứu thế hơn.

Tùy theo từng giai đoạn, có những bệnh lí khác nhau.

 

TỪ KHÓA

Sơ sinh, nhũ nhi, dậy thì, phát triển tâm thần vận động, phát triển thể chất

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Barbara Cromer (2007).  “Adolescent Medicine”. Nelson Textbook of Pediatrics, 18th edition, pp. 2081- 2268.

Developement pschycho-moteur chez l’enfant: Encyclopedie medicale version 1999.

Virginia Keane (2007). “Assessment of growth”. Nelson Textbook of Pediatrics, 18th edition,  pp. 234-315.

Waldemar A Carlo (2007). “The fetus and neonatal infant”.  Nelson Textbook of Pediatrics, 18th edition, pp. 1742-2081.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top