✴️ Đau xương cụt và những điều cần biết

Nội dung

Đau xương cụt là tình trạng đau ở trong hoặc xung quanh xương cụt – phần cuối cùng của xương sống. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này có thể là do chấn thương ở xương cụt khi ngã, ngồi quá lâu trên bề mặt cứng hoặc hẹp, thoái hóa khớp hoặc do ảnh hưởng của việc sinh nở ở chị em phụ nữ.

Cơn đau xương cụt có thể chỉ ở mức độ nhẹ tuy nhiên đau nhức sẽ trở nên dữ dội hơn khi người bệnh thực hiện một số hoạt động nhất định, chẳng hạn như ngồi, đứng quá lâu hoặc đứng dậy sau khi ngồi ở ghế. Đại tiện hoặc quan hệ tình dục cũng có thể trở nên đau đớn đối với những người đang bị đau xương cụt. Đối với nhiều phụ nữ, đau xương cụt có thể khiến cho chu kỳ kinh nguyệt trở nên khó chịu hơn.
Tình trạng đau xương cụt thường gặp ở phụ nữ nhiều hơn nam giới vì phụ nữ có xương cụt ngắn và rộng hơn, nên khi ngồi xuống áp lực lên xương cụt sẽ lớn hơn so với nam giới. Sinh sản cũng là nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng đau xương cụt ở nhiều chị em.

Nguyên nhân gây đau xương cụt

Trong nhiều trường hợp, nguyên nhân gây đau xương cụt là không thể xác định và việc điều trị lúc này tập trung vào hạn chế các triệu chứng.
Nhìn chung xương cụt có thể bị đau nếu chấn thương hoặc áp lực quá lớn khiến xương cụt phải di chuyển ra khỏi phạm vi hạn chế bình thường. Chấn thương của một trong hai dây chằng hoặc thoái hóa đĩa đệm cũng có thể là nguyên nhân gây đau xương cụt. Đôi khi khối u hoặc nhiễm trùng ở xương cụt chính là lý do khiến người bệnh bị đau xương cụt. Trường hợp hiếm xương cụt bị gãy  và gây đau đớn.

Nguyên nhân tiềm ẩn có thể dẫn tới đau xương cụt là:

  • Chấn thương ở khu vực xương cụt: ngã dập mông xuống đất hoặc va đập vào thành, góc các đồ vật, dụng cụ… Đây có lẽ là nguyên nhân phổ biến nhất gây đau xương cụt.
  • Sinh đẻ: trong thời gian sinh nở, đầu của em bé đi qua đỉnh xương cụt và áp lực ở xương cụt đôi khi có thể gây tổn thương cho các cấu trúc xương cụt (đĩa, dây chằng và xương).
  • Sức ép: một số hoạt động gây áp lực kéo dài trên xương cụt, chẳng hạn như cưỡi ngựa và ngồi trên bề mặt cứng trong thời gian dài. Đau xương cụt do nguyên nhân này thường không phải là vĩnh viễn tuy nhiên nếu không có biện pháp điều trị, đau cơn đau có thể trở thành mạn tính.

Khối u hoặc nhiễm trùng: đau xương cụt có thể do có khối u hoặc nhiễm trùng ở vùng xương cụt.

Chẩn đoán và điều trị đau xương cụt

Các bài tập vật lý trị liệu, xoa bóp và bấm huyệt có thể giúp giảm đau xương cụt.

Để giảm bớt sự khó chịu khi bị đau xương cụt, có thể thử áp dụng một số biện pháp sau:

  • Nghiêng về phía trước khi ngồi xuống.
  • Chườm nhiệt hoặc đá vào vùng bị ảnh hưởng
  • Dùng thuốc giảm đau tự kê đơn như  acetaminophen, ibuprofen hoặc aspirin.

Nếu đau xương cụt không cải thiện, nên tham khảo ý kiến của bác sĩ. Bác sĩ có thể đề nghị kiểm tra trực tràng để loại trừ các bệnh lý khác. Người bệnh cũng có nhiều khả năng cần chụp cộng hưởng từ (MRI) để xác định xem liệu xương cụt có bị gãy, thoái hóa hay trong trường hợp hiếm là có khối u.
Các phương pháp điều trị có thể áp dụng cho người bị đau xương cụt là:

  • Vật lý trị liệu: các bài tập vật lý trị liệu có thể giúp cho người bệnh cảm thấy thoiar mái, dễ chịu hơn.
  • Xoa bóp, bấm huyệt
  • Thuốc: tiêm thuốc tê vào xương cụt có tác dụng giảm đau trong một vài tuần.
  • Phẫu thuật: nếu điều trị bằng nhiều phương pháp nhưng không hiệu quả, người bệnh có thể sẽ phải phẫu thuật cắt bỏ xương cụt.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top