Cơn gút cấp tính là những cơn đau dữ dội do bệnh gút gây ra. Một cơn gút cấp tính gây đau nhất trong 12 – 24 giờ đầu tiên. Mục tiêu của điều trị cơn gút cấp tính là để loại bỏ cơn đau và sưng ở các khớp bị ảnh hưởng.
Thuốc chống viêm không steroid
Thuốc chống viêm không steroid (viết tắt là NSAID) là loại thuốc được sử dụng đầu tiên để điều trị cơn gút cấp tính. NSAID có tác dụng ngăn chặn hoạt động của hai loại enzym COX-1 và COX-2, giúp giảm viêm. Ban đầu các loại NSAID liều mạn, như nabumetone hoặc indomethacin, được sử dụng để nhanh chóng giảm viêm và đau. Sau đó người bệnh có thể chuyển sang sử dụng NSAID liều nhẹ hơn , chẳng hạn như ibuprofen hoặc naproxen, để giảm bớt nguy cơ tác dụng phụ. Các tác dụng phụ của các thuốc NSAID bao gồm giảm đông máu và rối loạn tiêu hóa.
Colchicine
Colchicine có thể được chỉ định trong điều trị cơn gút cấp tính cho những người không đáp ứng với NSAID. Colchicine không phải là một thuốc giảm đau, nhưng được phân loại như một loại thuốc chống bệnh gút. Colchicine thường được sử dụng với liều lượng nhỏ hơn để điều trị bệnh gút mãn tính nhưng có thể được sử dụng trong một liều cao hơn để đối phó với một đợt tấn công của cơn gút cấp tính. Thuốc có tác dụng hiệu quả nhất nếu được sử dụng trong vòng 12 giờ đầu tiên sau khi các triệu chứng xuất hiện. Tuy nhiên thuốc cũng có các tác dụng phụ như buồn nôn, đau bụng và tiêu chảy.
Corticosteroid
Thuốc có chứa corticosteroid như prednisone, có thể được dùng để điều trị cơn gút cấp tính khi bệnh nhân không thể sử dụng NSAIDs và colchicine. Corticosteroid giúp giảm đau và viêm. Thuốc có ở dạng uống hoặc tiêm trực tiếp vào khớp bị ảnh hưởng. Ở dạng uống, điều trị corticosteroid được sử dụng với liều lượng giảm dần trong khoảng thời gian từ 7- 10 ngày dưới sự giám sát của bác sĩ. Các tác dụng phụ của thuốc corticosteroid bao gồm suy nhược, mất ngủ và thay đổi tâm trạng.
Lưu ý
Cơn gút cấp xảy ra khi có quá nhiều axit uric tích tụ trong máu và không được bài tiết qua thận. Axit uric được tạo ra từ sự phân hủy của purin, một chất tự nhiên có nhiều trong cơ thể và trong một số loại thực phẩm như cá cơm, nội tạng và măng tây. Do đó người bị bệnh gút nên uống nhiều nước để loại bỏ bớt axit uric qua thận. Rượu là loại đồ uống cần tránh vì nó sẽ làm tăng lượng axit uric trong máu khiến bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.
Khu vực chịu ảnh hưởng của bệnh gút thường là bàn chân, vì thế người bệnh nên nghỉ ngơi và hạn chế hoạt động cho tới khi các triệu chứng của cơn gút cấp tính bắt đầu giảm dần.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh