✴️ Gãy xương nguy hiểm như thế nào và cách chẩn đoán

Nội dung

1. Phân loại gãy xương

Gãy xương xảy ra do rất nhiều nguyên nhân, có thể do vấn đề về bệnh lý như loãng xương. Nhưng cũng có thể do những nguyên nhân bất ngờ như: tai nạn giao thông, tai nạn lao động, tai nạn khi tập luyện thể thao,… Do đó mà xương có thể gãy theo nhiều kiểu khác nhau. 

Phổ biến là các kiểu gãy sau:

  • Xương gãy kiểu cành tươi: Đây là kiểu gãy không hoàn toàn, phổ biến ở trẻ con. Bởi thực tế xương ở trẻ mềm hơn, không rắn chắc như xương người lớn.
  • Xương gãy thành nhiều mảnh: Kiểu gãy này thường rất khó lành trong một thời gian ngắn.
  • Gãy xương kín: Xương bị gãy, nhưng ở bên ngoài ổ gãy xương, phần da vẫn lành lặn, không bị thủng,...
  • Gãy xương hở: Gãy xương hở khiến cho phần da bên ngoài bị rách. Chủ yếu là do các nguyên nhân như xương bị gãy đâm thủng da, hoặc lực chấn thương làm rách da. Nếu gặp phải tình trạng này, người bệnh cần cẩn thận, vì rất có thể sẽ bị nhiễm trùng da.
  • Gãy mảnh nhỏ: Phần xương bị gãy mảnh nhỏ thường do hiện tượng co giật cơ, xảy ra nhiều tại vùng khớp vai hoặc khớp gối. Khi phần cơ bắt đầu co thắt mạnh, giật gân ra khỏi cơ, thì các mảnh xương cũng sẽ bị gãy theo.
  • Gãy xương do bị ung thư hoặc loãng xương.
  • Xương gãy bị ép ngắn lại do va chạm giữa hai xương, thường gặp ở các đốt xương sống.

Phân loại gãy xương

2. Gãy xương thường để lại biến chứng gì?

Gãy xương nếu không được chẩn đoán và chữa trị kịp thời hay đúng cách sẽ để lại nhiều biến chứng. Cụ thể như sau:

  • Sốc: bạn có thể sẽ bị sốc do những tổn thương khi xương gãy như gãy nhiều xương, hoặc gãy các vùng xương lớn. 
  • Mất một lượng lớn máu: Xương là nguồn cung cấp máu dồi dào. Vì thế, khi gặp chấn thương, lượng máu bị mất đi sẽ rất nhiều.
  • Ảnh hưởng đến các cơ quan xung quanh. Ví dụ khi bạn bị gãy xương sườn, thì vùng ngực sẽ bị tổn thương. Còn nếu xương sọ gặp vấn đề thì vùng não sẽ là bộ phận bị tổn thương nặng nhất.
  • Xương chậm phát triển: Đây là một biến chứng thường gặp với trẻ đang trong quá trình phát triển. Đặc biệt khi phần xương dài bị gãy gần khớp. Bởi vị trí này thường có nhiều mảng tăng trưởng.

Để tránh những biến chứng về lâu dài và nặng hơn như: viêm phổi, xương không liền, viêm xương tuỷ xương,... Khi có dấu hiệu xương bị gãy thì bạn cần đi tới các cơ sở y tế thăm khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. 

3. Làm thế nào để biết được mình bị gãy xương?

Gãy xương là tình trạng xương bị mất đi tính liên tục, có thể hoàn toàn hoặc không hoàn toàn. Phần lớn là do yếu tố bệnh lý hoặc tai nạn sinh hoạt hàng ngày. Dựa vào mức độ nghiêm trọng của chấn thương mà chúng ta có hoặc không nhận ra được tình trạng một cách chính xác nhất. Tuy nhiên, nếu có thể, thì bạn vẫn sẽ nhận biết được qua những dấu hiệu sau:

Dấu hiệu chắc chắn xương bị gãy

Chỉ cần nhận thấy một trong các dấu hiệu này, thì bạn đã có thể biết được mình đang bị gãy xương:

  • Cong vẹo, biến dạng: so sánh một bên bị gãy và một bên không bị, nếu thấy ngắn hơn hoặc biến dạng thì xương đã bị gãy.
  • Mất chức năng tại vùng bị chấn thương
  • Không cử động được các chi, không dơ được tay hoặc không nhấc được chân.
  • Người bị gãy xương có thể nghe được tiếng lạo xạo khi nhấn vào vùng xương bị gãy. Nguyên nhân là do các mảnh xương bị vỡ va vào nhau. Tuy nhiên, không nên thực hiện quá mạnh tay vào vùng bị tổn thương. Bởi nếu như bị gãy thật thì có thể làm tổn thương các bộ phận xung quanh phần bị gãy. 

Có rất nhiều dấu hiệu để nhận biết chắc chắn bản thân đã bị gãy xương. Tuy nhiên cũng có nhiều dấu hiệu không chắc chắn như sau:

  • Cảm giác đau có ngay sau khi bị gãy xương.
  • Vùng bị gãy xương thường bị bầm tím hoặc sưng to.

Nhận biết gãy xương nhờ chụp CT

Dựa vào những dấu hiệu nêu trên mà bạn có thể đoán rằng mình đã bị gãy xương. Tuy nhiên để chắc chắn hơn, thì bạn nên tìm đến bệnh viện để thăm khám và chụp CT Scan xương khớp.  

Chụp CT xương là phương pháp kiểm tra xương, giúp bác sĩ có thể phát hiện ra gãy xương, hay một số triệu chứng liên quan như trật khớp, u xương… Phương pháp này sẽ được chỉ định cho những người:

  • Bị chấn thương và có dấu hiệu gãy xương.
  • Các vấn đề liên quan đến xương khớp bẩm sinh.
  • Bệnh nhân được chẩn đoán tạm thời là thoái hóa, tổn thương u và viêm xương.

Quá trình chụp CT xương khớp sẽ có một lượng bức xạ tia X gây ảnh hưởng đến cơ thể. Dù lượng này rất ít, nhưng để an toàn cho bệnh nhân, thì bác sĩ sẽ chỉ định ai là người nên chụp CT. Nhìn chung, khi nhận thấy có một trong những dấu hiệu của tình trạng xương bị gãy, bạn cần đến ngay các cơ sở y tế để thăm khám và điều trị để tránh biến chứng lâu dài. 

Xem thêm: Gãy xương nên ăn gì để mau liền?

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top