Đau lưng do giãn dây chằng là hiện tượng phổ biến nhiều người gặp phải. Nguyên nhân chủ yếu là do mang vác vật nặng hay lao động quá sức. Dưới đây là những biểu hiện giãn dây chằng ở lưng, cách điều trị và phòng ngừa hiệu quả giúp bạn thoát khỏi tình trạng này nhanh chóng.
Nguyên nhân gây giãn dây chằng ở lưng
Dây chằng ở sống lưng là dải cơ bao quanh cột sống giúp điều chỉnh các hoạt động của các cơ được linh hoạt. Giãn dây chằng ở lưng thường gây đau lưng, đau thắt lưng cấp tính ảnh hưởng đến hoạt động sinh hoạt của người bệnh. Có nhiều nguyên nhân gây giãn dây chằng ở lưng như sau:
Do vận động mạnh, làm việc sai tư thế:
Vận động mạnh, chơi thể thao hay làm việc quá sức, làm việc sai tư thế trong thời gian dài, khuân vác nặng có thể khiến dây chằng ở thắt lưng bị căng giãn quá mức và gây đau nhức ở vùng lưng.
Do tuổi tác:
Ở những người tuổi càng cao thì các sợi mô liên kết càng yếu và kém đàn hồi hơn, nếu gặp thời tiết thay đổi có thể tác động lên dây chằng và các cơ, mạch máu… và làm chúng bị co giãn quá mức và gây đau lan tỏa vùng lưng.
Do tai nạn, chấn thương:
Những va chạm trong cuộc sống, té ngã, bị đánh đập hay tai nạn xe cộ… có thể khiến dây chằng vùng lưng bị chấn thương dẫn đến giãn dây chằng; trường hợp nặng có thể gây đứt dây chằng, gãy xương khiến việc điều trị càng khó khăn hơn.
Biểu hiện giãn dây chằng ở lưng
Đau lưng do giãn dây chằng có thể xuất hiện ở bất kỳ ai, đặc biệt là những người lớn tuổi, thường xuyên vận động mạnh, lao động sai tư thế trong thời gian dài khiến dây chằng bị căng giãn quá mức và gây đau nhức.
Đối với giãn dây chằng ở lưng, người bệnh có thể đau và nhức mỏi đột ngột ở vùng cột sống thắt lưng. Nếu người bệnh càng vận động mạnh, ngồi lâu hay làm việc quá sức có thể khiến cơn đau tăng mạnh, gây khó khăn khi khom lưng, xoay người. Thậm chí nhiều người còn cảm thấy đau nhức mỏi toàn thân, đau thắt lưng, cả người mệt mỏi… làm suy giãm chất lượng cuộc sống.
Cách điều trị giãn dây chằng ở lưng
Nghỉ ngơi
Khi bị đau lưng, nghỉ ngơi là biện pháp giúp người bệnh giảm cơn đau lưng hữu hiệu. Bạn nên nằm ngửa và thả lỏng người để đầu, vai, mông và gót chân chạm giường. Không nên nằm giường nệm quá dày để tránh đè ép lên mạch máu và cơ.
Xoa bóp
Thực hiện các động tác xoa, bóp, day, đấm, chặt nhẹ nhàng ở lưng, nhất là hai bên cột sống khoảng 30 phút sẽ giúp kích thích lưu thông máu, giảm viêm và giảm thiểu cơn đau lưng rất tốt.
Chườm nóng hoặc lạnh
Chườm lạnh lên vùng lưng đau khoảng 30 phút có tác dụng co mạch tại chỗ và làm giảm triệu chứng sưng đau ở vùng lưng. Bạn có thể chườm nóng lưng bằng khăn thấm nước nóng 30 phút sẽ giúp giãn cơ, thư giãn dây chằng và các mạch máu. Nhờ vậy sẽ giúp bạn giảm đau lưng hiệu quả.
Tập Yoga
Yoga là liệu pháp tập luyện rất tốt cho sức khỏe, giúp bạn thư giãn cả tinh thần và thể lực. Đối với những người bị đau lưng, tập yoga sẽ giúp cải thiện cơ bắp, thư giãn xương khớp và dây chằng, giúp cơ thể linh hoạt và dẻo dai. Từ đó cải thiện tình trạng giãn dây chằng ở lưng.
Phòng ngừa giãn dây chằng ở lưng
Khám sức khỏe định kỳ thường xuyên để kiểm tra xương khớp
Muốn dự phòng đau lưng cấp do giãn dây chằng cột sống cần lưu ý: Không vận động xoay vặn người đột ngột, không mang vác vật nặng quá sức. Khi nhấc vật nặng khỏi mặt đất cần chọn tư thế phù hợp, không cúi người, khom lưng khi nhấc vật nặng vì cúi khom lưng nhấc vật nặng dễ làm dây chằng cột sống bị tổn thương.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh