✴️ Sử dụng aspirin để dự phòng biến cố tim mạch theo USPSTF 2022

Nội dung

Bệnh tim mạch là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Hoa Kỳ. Mỗi năm ở Hoa Kỳ, ước tính có khoảng hơn 600 ngàn người bị nhồi máu cơ tim lần đầu và khoảng 610 ngàn người bị đột quỵ lần đầu.

Aspirin (acetylsalicylic acid) ức chế tổng hợp prostaglandin và ức chế kết tập tiểu cầu, có chỉ định để dự phòng thứ phát các biến cố tim mạch. Vào năm 2022, nhóm chuyên trách các dịch vụ dự phòng Hoa Kỳ (US Preventive Services Task Force – USPSTF) đã cập nhật các khuyến cáo được đưa ra trong năm 2016 về hiệu quả của aspirin trong việc làm giảm các biến cố tim mạch (nhồi máu cơ tim và đột quỵ), tử vong do tim mạch và tử vong do mọi nguyên nhân ở bệnh nhân vốn có tiền sử tim mạch. Trong khuyến cáo này, USPSTF cũng đưa ra một số hiệu quả của aspirin trên ung thư đại trực tràng (colorectal cancer) và lợi ích của aspirin trong dự phòng tim mạch thứ phát.

Lưu ý khi thực hành

Nhóm bệnh nhân phù hợp với các khuyến cáo

Các khuyến cáo được đưa ra cho bệnh nhân ≥ 40 tuổi có biểu hiện/triệu chứng của bệnh tim mạch hoặc đã được chẩn đoán mắc bệnh tim mạch trước đó (bao gồm tiền sử nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ) mà không bị tăng nguy cơ xuất huyết (không có tiền sử loét dạ dày-tá tràng, không bị xuất huyết gần đây, các bệnh lý khác hoặc đồng sử dụng các thuốc điều trị khác làm tăng nguy cơ xuất huyết).

Đánh giá nguy cơ

Nguy cơ tim mạch

Tuổi cao là yếu tố nguy cơ chiếm ưu thế cho các bệnh tim mạch. Nam giới thường có xu hướng mắc bệnh tim mạch nhiều hơn nữ giới, tuy nhiên nữ giới lại có tỷ lệ tử vong do tim mạch cao hơn nam giới (chẳng hạn như đột quỵ). Nam giới cũng có xu hướng mắc các biến cố tim mạch sớm hơn nữ giới.

Thang điểm tổng hợp của Học viện Tim mạch Hoa Kỳ (ACC) và Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) (The American College of Cardiology/American Heart Association (ACC/AHA) Pooled Cohort Equations) có thể được sử dụng để ước tính nguy cơ tim mạch 10 năm. Thang điểm này bao gồm một số các yếu tố nguy cơ như tuổi tác, nồng độ cholesterol, huyết áp tâm thu, các thuốc điều trị tăng huyết áp, đái tháo đường và hút thuốc. Kết quả đánh giá thường tăng lên rất nhiều khi tăng tuổi tác. Thang điểm này cũng cho thấy người da đen có nguy cơ cao hơn người da trắng.

Nguy cơ xuất huyết

Nguy cơ xuất huyết dạ dày-tá tràng, xuất huyết nội sọ, đột quỵ do xuất huyết kèm/hoặc không kèm sử dụng aspirin cũng tăng lên cùng với tuổi tác. Một số các yếu tố nguy cơ khác bao gồm giới tính nam, đái tháo đường, tiền sử dạ dày-tá tràng (như viêm loét), bênh gan, hút thuốc và tăng huyết áp. Một số các thuốc điều trị như thuốc kháng viêm non-steroid (NSAID), steroid và thuốc kháng đông cũng làm tăng nguy cơ xuất huyết. Các yếu tố này nên được cân nhắc khi đưa ra quyết định kê đơn aspirin.

Điều trị hay dự phòng

Trong sự phòng tim mạch, lợi ích của aspirin liều thấp (≤ 100 mg/ngày) và các liều khác trong các nghiên cứu (50-500 mg/ngày) là tương tự nhau. Tuy nhiên, liều thường được kê đơn nhiều nhất ở Hoa Kỳ là 81 mg/ngày.

Vì ước tính nguy cơ tim mạch vẫn còn mơ hồ cho mỗi cá nhân, USPSTF khuyến nghị sử dụng các công cụ ước tính nguy cơ tim mạch vào thời điểm bắt đầu thảo luận với bệnh nhân. Aspirin mang đến nhiều lợi ích hơn ở bệnh nhân có nguy cơ mắc các biến cố tim mạch cao hơn (bệnh nhân với > 15% hoặc > 20% nguy cơ tim mạch trong 10 năm).

Ngoài tuổi tác và kết quả ước tính nguy cơ tim mạch, quyết định kê đơn aspirin cũng nên được dự trên kết quả thảo luận với bệnh nhân sau khi bệnh nhân được thông báo rõ về lợi ích và nguy cơ của việc sử dụng aspirin. Đối với nhóm bệnh nhân phù hợp (lợi ích từ việc điều trị bằng aspirin mang lại lơn hơn nguy cơ) nên được khởi đầu với liều thấp.

Tuổi ngưng aspirin

Biến cố xuất huyết ở bệnh nhân không có yếu tố nguy cơ xuất huyết thường hiếm khi xảy ra, nhưng nguy cơ xuất huyết cũng tăng nhẹ cùng với tuổi tác. Đối với bệnh nhân đã được điều trị khởi đầu bằng aspirin, nếu không có biến cố xuất huyết, lợi ích có được từ việc điều trị bằng aspirin sẽ tăng lên theo thời gian. Tuy nhiên, những lợi ích này lại thường tăng chậm hơn khi tuổi bệnh nhân tăng vì nguy cơ xuất huyết tăng. Dữ liệu hiện có gợi ý có thể nên cân nhắc ngưng sử dụng aspirin ở bệnh nhân khoảng 75 tuổi.

Cập nhật khuyến cáo

Các khuyến cáo được đề cập dưới đây sẽ thay thế các khuyến cáo cũ trong năm 2016 của USPSTF về vấn đề sử dụng apsirin để dự phòng biến cố tim mạch và ung thư đại trực tràng.

Trong các khuyến cáo năm 2016, USPSTF khuyến cáo nên khởi đầu aspirin liều thấp để dự phòng tiên phát các biến cố tim mạch và ung thư đại trực tràng ở bệnh nhân:

  • 50-59 tuổi
  • Có nguy cơ mắc các bệnh tim mạch trong 10 năm ≥ 10%
  • Không có nguy cơ xuất huyết
  • Có tiên lượng sống tối thiểu 10 năm
  • Có mong muốn được điều trị bằng aspirin liều thấp hàng ngày trong tối thiểu 10 năm

Bệnh nhân 60-69 tuổi có nguy cơ mắc các bệnh tim mạch trong 10 năm ước tính ≥ 10% cũng nên được khởi đầu điều trị bằng aspirin liều thấp.

Đối với bệnh nhân < 50 tuổi hoặc ≥ 70 tuổi, vào năm 2016, USPSTF cho rằng vẫn chưa có đủ chứng cứ để đánh giá lợi ích/nguy cơ từ việc kê đơn aspirin để dự phòng tiên phát các biến cố tim mạch và ung thư đại trực tràng.

Trong năm 2022, USPSTF đã thay đổi một số khuyến cáo về giới hạn độ tuổi cho khuyến cáo của aspirin. Cụ thể:

  • Bệnh nhân 40-59 tuổi có nguy cơ mắc các bệnh tim mạch trong 10 năm ≥ 10% nên được khởi đầu điều trị bằng aspirin liều thấp để dự phòng tiên phát các yếu tố tim mạch
  • Bệnh nhân ≥ 60 tuổi không được khuyến cáo điều trị khởi đầu bằng aspirin liều thấp để dự phòng tiên phát các biến cố tim mạch

Kết luận

Các khuyến cáo trên không được áp dụng cho bệnh nhân vốn mắc các bệnh tim mạch, đã bị đột quỵ hoặc đã được điều trị bằng apsirin. Đối với nhóm bệnh nhân này, các nhà thực hành lâm sàng nên cá nhân hóa điều trị dựa trên tình cảnh của bệnh nhân.


Nguồn

  1. US Preventive Services Task Force. Aspirin Use to Prevent Cardiovascular Disease: US Preventive Services Task Force Recommendation Statement. JAMA. 2022;327(16):1577–1584. doi:10.1001/jama.2022.4983
  2. US Preventive Services Task Force. US Preventive Services Task Force Procedure Manual. Published 2021. Accessed March 8, 2022. https://uspreventiveservicestaskforce.org/uspstf/about-uspstf/methods-and-processes/procedure-manual

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top