✴️ Giúp bạn hiểu đúng về bệnh loãng xương độ 3

Nội dung

Nhiều người khi gặp phải tình trạng loãng xương nặng thường nghĩ rằng mình bị loãng xương độ 3. Tuy nhiên, căn bệnh loãng xương không phân loại thành các mức độ 1, 2, hoặc 3 mà sẽ có cách phân loại khác. Vậy loãng xương cấp độ 3 tương đương với mức độ nào theo cách đo chuẩn?

 

1. Thế nào là bệnh loãng xương?

Bệnh loãng xương (còn gọi là bệnh giòn xương hoặc bệnh xốp xương) là hiện tượng xương của chúng ta liên tục mỏng dần và mật độ chất trong xương bị thưa dần. Điều này khiến cho xương trở nên giòn hơn, dễ bị tổn thương và dễ gãy dù chỉ chịu phải chấn thương nhẹ.

Loãng xương chính là nguyên nhân lớn gây nên gãy xương ở phụ nữ sau thời kỳ mãn kinh và ở người già. Bị gãy xương do loãng xương có thể gặp tại bất cứ xương nào. Tuy nhiên, chúng ta hay gặp ở phần xương cột sống, xương đùi và xương cổ tay. Một số xương nếu bị gãy thì có thể không lành lại được, trong đó phần xương cột sống và xương đùi là những xương mà khả năng lành lại rất khó, hầu hết trường hợp phải phẫu thuật với chi phí rất tốn kém.

Người bị bệnh loãng xương hầu như chỉ cảm thấy triệu chứng đau mỏi không rõ ràng, bị giảm dần chiều cao và gù vẹo cột sống. Đây là các biểu hiện chỉ được phát hiện sau thời gian dài. Nhiều trường hợp chỉ phát hiện ra khi có những biểu hiện của tình trạng gãy xương.

Loãng xương sẽ càng nặng hơn khi chúng ta về già. Bởi ở độ tuổi này, mật độ xương sẽ không đảm bảo đủ mức cho phép để có thể giúp xương cứng chắc như lúc còn ở tuổi trưởng thành.

Bệnh khiến cho xương trở nên giòn hơn, dễ bị tổn thương và dễ gãy dù chỉ chịu phải chấn thương nhẹ

 

2. Cách phân loại bệnh loãng xương theo chuẩn

Cách phân loại căn bệnh loãng xương chính xác nhất đó là xuất phát từ nguyên nhân gây bệnh bao gồm:

– Loãng xương do nguyên nhân nguyên phát: Đây là bệnh loãng xương theo cơ chế tự nhiên (gọi là cơ chế lão hóa của cơ thể), các tế bào cốt bào sẽ bị mất dần gây nên hiện tượng loãng xương từ sau tuổi 30.

– Loãng xương do nguyên nhân thứ phát: Bệnh do sự chủ quan của người bệnh, có thể là do một số những thói quen xấu, bị bệnh mạn tính hoặc người bệnh phải sử dụng thuốc trong một thời gian dài.

Để xác định được mức độ của bệnh loãng xương nặng hay nhẹ, bác sĩ sẽ căn cứ vào chỉ số đo mật độ xương bằng máy DEXA. Đây là cách xác định bệnh nhân có đang bị loãng xương hay không, và đnag bị ở mức độ nào.

 

3. Tìm hiểu bị loãng xương độ 3 tương ứng với mức độ nào

Theo tổ chức y tế thế giới (WHO), khi tiến hành đo mật độ xương sẽ dùng 2 chỉ số đó là T-Score và Z-Score để đánh giá. Cụ thể:

– Nếu chỉ số T-Score từ – 1SD trở lên thì xương bình thường.

– Nếu chỉ số T-Score dưới – 1SD đến – 2,5SD thì bệnh nhân bị thiếu xương hoặc tiền loãng xương.

– Nếu chỉ số T-Score dưới – 2,5SD thì bệnh nhân bị loãng xương.

– Nếu chỉ số T-Score dưới – 2,5 SD kèm theo có tiền sử gãy xương thì bệnh nhân bị loãng xương nặng.

Nếu bệnh nhân không có điều kiện để tiến hành đo mật độ xương nhằm đánh giá loãng xương có nặng không thì có thể dựa vào một số triệu chứng lâm sàng như tình trạng gãy xương sau một chấn thương nhẹ, bị đau xương hoặc đau cột sống thắt lưng.

Thông thường, theo tâm lý chung, loãng xương độ 1 sẽ nhẹ hơn so với loãng xương ở cấp độ 3. Nếu đánh giá theo tâm lý này cũng không sai vì càng ở mức độ nặng thì sự phá hủy và ảnh hưởng của loãng xương càng nặng nề. Bệnh loãng xương cấp độ 3 có thể được xem là đã bị loãng xương nặng.

 

3. Loãng xương ở cấp độ 3 có nguy hiểm không? Cách điều trị và phòng ngừa

3.1. Giải đáp: Loãng xương độ 3 có gây nguy hiểm không?

Thông thường, khi bị loãng xương thì đã là căn bệnh nguy hiểm. Bệnh diễn ra thầm lặng nên nếu bệnh nhân đã để đến tình trạng loãng xương ở cấp độ 3 thì nghĩa là lượng xương đã mất đi khá nhiều. Nếu không có biện pháp điều trị thì người bệnh sẽ gặp phải những biến chứng nguy hiểm như:

– Người bệnh gặp phải nhiều khó khăn trong việc vận động.

– Tình trạng hiếu hụt canxi càng gia tăng thì sẽ làm cho xương bị xuống cấp nghiêm trọng, vì vậy bệnh nhân sẽ càng thấy đau nhức hơn ở các vùng như: lưng, khớp chân tay, hông, xương sống, xương gối,…

– Nếu bị loãng xương ở cấp độ 3 thì người bệnh sẽ cảm thấy đau nhức nhiều vào ban đêm, thậm chí là bị chuột rút thường xuyên.

– Hậu quả xấu nhất của bệnh đó là bị rạn xương, nứt vỡ hoặc gãy xương. Điều này đe dọa đến tính mạng do bị gãy khớp, thậm chí là tàn phế.

Dù loãng xương ở cấp độ nào thì khi chịu lực tác động lớn sẽ đều để lại hậu quả xấu cho người bệnh.

3.2. Làm thế nào để phòng ngừa và điều trị bệnh khi đã bị loãng xương độ 3?

Với những người cao tuổi bị loãng xương ở cấp độ 3 hoặc phụ nữ sau thời kỳ tiền mãn kinh, cần đi thăm khám bệnh loãng xương ở tại các cơ sở y tế có đầy đủ điều kiện để được tiến hành các xét nghiệm, cận lâm sàng giúp đánh giá mật độ xương. Việc phát hiện sớm và điều trị bệnh loãng xương ở cấp độ 3 có ý nghĩa rất lớn giúp phòng bệnh và ngăn ngừa sự loãng xương.

Bên cạnh đó, những người vào độ tuổi trưởng thành, bị kém phát triển chiều cao, cân nặng dưới 40kg hoặc bị giảm trọng lượng nhanh, có xuất hiện những dấu hiệu đau nhức xương khớp cũng cần kiểm tra mật độ xương sớm nhất có thể.

Để điều trị loãng xương ở cấp độ 3 thì bệnh nhân cần uống thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ, cung cấp thêm vitamin D, canxi có trong các loại hoa quả và món ăn hàng ngày.

Ngoài ra, bệnh nhân cũng cần tập thể dục nhẹ nhàng và đều đặn như: tập hít thở, đi bộ, tập vận động các khớp xương. Tránh các động tác mạnh hoặc gấp gáp và tránh vấp ngã.

Trên đây là những thông tin cần thiết về bệnh loãng xương cấp độ 3, bệnh nhân cần nắm rõ để có thể xác định được bước đầu các biểu hiện, tác động của bệnh tới sức khỏe và sinh hoạt hàng ngày.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top