✴️ Hoại tử vô mạch (hoại tử xương)

Nội dung

Hoại tử vô mạch là gì?

Hoại tử vô mạch (Avascular Necrosis - AVN) là tình trạng mô xương chết do mất nguồn cung cấp máu. Bệnh này còn được gọi là hoại tử xương, hoại tử vô khuẩn, hoặc hoại tử xương do thiếu máu cục bộ. Nếu không được điều trị, hoại tử vô mạch có thể khiến xương bị xẹp. Hoại tử vô mạch thường ảnh hưởng đến xương hông nhất. Các vị trí phổ biến khác là vai, đầu gối và mắt cá chân.

Triệu chứng

Trong giai đoạn đầu, hoại tử vô mạch thường không có triệu chứng. Khi bệnh nặng hơn, bệnh nhân sẽ cảm thấy đau đớn. Lúc đầu, người bệnh có thể chỉ đau khi bị tạo áp lực lên phần xương bị ảnh hưởng. Sau đó, cơn đau có thể trở nên liên tục. Nếu xương và khớp xung quanh bị xẹp, người bệnh có thể bị đau dữ dội khiến họ không thể vận động được khớp. Thời gian từ khi có triệu chứng đầu tiên đến khi xẹp xương có thể từ vài tháng đến hơn một năm.

Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ

Những yếu tố có thể dẫn đến hoại tử vô mạch bao gồm:

  • Rượu. Uống nhiều rượu có thể gây tích tụ mỡ trong máu, làm giảm lượng máu cung cấp cho xương của bạn.
  • Bisphosphonat. Những loại thuốc làm tăng mật độ xương này có thể dẫn đến hoại tử xương hàm, nhất là khi chúng đang dùng cho bệnh đa u tủy hoặc ung thư vú di căn.
  • Điều trị y tế: Xạ trị có thể làm suy yếu xương. Cấy ghép nội tạng cũng liên quan đến hoại tử vô mạch.
  • Thuốc steroid: Sử dụng lâu dài các loại thuốc chống viêm này bằng đường uống hoặc tĩnh mạch dẫn đến 35% các trường hợp hoại tử vô mạch không do chấn thương. Sử dụng các loại thuốc như prednisone trong thời gian dài có thể dẫn đến hoại tử vô mạch. Các bác sĩ cho rằng thuốc có thể làm tăng lượng mỡ máu, làm giảm lưu lượng máu.
  • Chấn thương: Gãy hoặc trật khớp háng có thể làm hỏng các mạch máu gần đó và ngăn nguồn cung cấp máu cho xương. Hơn 20% những người trật khớp háng có thể bị hoại tử vô mạch.
  • Cục máu đông, viêm và tổn thương động mạch: Tất cả những điều này có thể ngăn chặn lưu lượng máu đến xương.

Các yếu tố khác liên quan đến hoại tử vô mạch không do chấn thương bao gồm:

  • Bệnh giảm áp, gây ra bóng khí trong máu
  • Bệnh tiểu đường
  • Bệnh Gaucher, gây tích tụ mỡ trong các cơ quan
  • HIV
  • Sử dụng lâu dài các loại thuốc bisphosphonates để điều trị các bệnh ung thư như đa u tủy hoặc ung thư vú, có thể dẫn đến hoại tử vô mạch hàm.
  • Viêm tụy
  • Xạ trị hoặc hóa trị liệu
  • Bệnh tự miễn như lupus
  • Bệnh hồng cầu hình liềm

Đối tượng mắc bệnh

Tại Hoa Kỳ, có tới 20.000 người mắc hoại tử vô mạch mỗi năm, hầu hết ở độ tuổi từ 20 đến 50. Đối với những người khỏe mạnh, nguy cơ mắc hoại tử vô mạch là rất thấp. Hầu hết các trường hợp là do có vấn đề sức khỏe tiềm ẩn hoặc chấn thương.

Chẩn đoán

Bác sĩ kiểm tra các khớp của người bệnh để kiểm tra các điểm đau và di chuyển các khớp để kiểm tra giới hạn vận động. Người bệnh có thể thực hiện một trong các chẩn đoán hình ảnh sau để tìm nguyên nhân gây ra cơn đau:

  • Xạ hình xương: Bác sĩ tiêm chất phóng xạ vào tĩnh mạch của bệnh nhân. Chất này sẽ di chuyển đến những nơi xương bị tổn thương hoặc đang lành và hiển thị trên hình ảnh.
  • Chụp MRI và CT: Cung cấp cho bác sĩ những hình ảnh chi tiết cho thấy những thay đổi sớm trong xương có thể là dấu hiệu của hoại tử vô mạch.
  • Chụp X-quang: Kết quả bình thường trong giai đoạn đầu của hoại tử vô mạch nhưng có thể cho thấy những thay đổi về xương xuất hiện sau đó.

Điều trị

Mục tiêu điều trị của hoại tử vô mạch là cải thiện khớp, ngăn chặn tổn thương xương và giảm đau. Phương pháp điều trị tốt nhất sẽ phụ thuộc vào một số yếu tố như:

  • Tuổi
  • Giai đoạn bệnh
  • Vị trí và số lượng xương bị tổn thương
  • Nguyên nhân của hoại tử vô mạch

Nếu bị hoại tử vô mạch sớm, bạn có thể được điều trị bằng cách dùng thuốc để giảm đau hoặc hạn chế sử dụng vùng bị tổn thương. Nếu hông, đầu gối hoặc mắt cá chân bị ảnh hưởng, bạn có thể cần đến nạng để không dồn trọng lượng lên khớp bị tổn thương. Bác sĩ cũng có thể đề nghị các bài tập vận động đa dạng để giúp khớp vận động.

  • Thuốc: Nếu bác sĩ biết tác nhân gây ra hoại tử vô mạch, việc điều trị sẽ bao gồm những nỗ lực để kiểm soát nguyên nhân.
  • Thuốc chống đông: nếu hoại tử vô mạch là do cục máu đông.
  • Thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs): giúp giảm đau.
  • Thuốc giảm mỡ máu: giảm lượng cholesterol và chất béo trong máu, giúp ngăn ngừa tắc nghẽn dẫn đến hoại tử vô mạch.
  • Phẫu thuật: Các phương pháp điều trị không phẫu thuật có thể làm chậm quá trình bệnh, nhưng hầu hết những người mắc bệnh này cuối cùng vẫn cần phải phẫu thuật. Các lựa chọn phẫu thuật bao gồm:
  • Ghép xương: Dùng xương khỏe mạnh từ một bộ phận khác của cơ thể để ghép thay thế xương bị tổn thương
  • Cắt xương: Cắt bỏ và định vị lại xương để giảm trọng lượng trên xương hoặc khớp
  • Thay khớp toàn bộ: Thay thế khớp bị hư hỏng bằng khớp nhân tạo
  • Khoan giảm áp: Loại bỏ một phần bên trong xương để giảm áp lực và cho phép hình thành các mạch máu mới
  • Ghép xương có cuống mạch máu: Sử dụng mô của chính bệnh nhân để xây dựng lại các khớp háng bị hỏng. Trước tiên, bác sĩ phẫu thuật sẽ loại bỏ xương có nguồn cung cấp máu kém, sau đó thay thế nó bằng xương giàu mạch máu được lấy từ một vị trí khác, chẳng hạn như xương mác ở cẳng chân.
  • Kích thích điện: Dòng điện có thể khởi động sự phát triển xương mới. Bác sĩ có thể thực hiện trong khi phẫu thuật hoặc cung cấp cho người bệnh một thiết bị đặc biệt.

Chăm sóc tại nhà

  • Nghỉ ngơi: Cho khớp nghỉ ngơi có thể giúp làm chậm tổn thương. Người bệnh có thể cần phải ngừng hoạt động thể chất hoặc sử dụng nạng trong vài tháng.
  • Vật lý trị liệu: Chuyên gia vật lý trị liệu có thể hướng dẫn bạn tập những động tác phù hợp để giúp tăng phạm vi vận động của khớp.

Phòng ngừa

Để giảm nguy cơ bị hoại tử vô mạch, người bệnh nên:

  • Không uống rượu: Uống nhiều rượu bia là một yếu tố nguy cơ hàng đầu đối với hoại tử vô mạch.
  • Duy trì lượng cholesterol máu thấp: Mỡ máu là chất phổ biến nhất ngăn chặn nguồn cung cấp máu cho xương.
  • Sử dụng steroid cẩn thận: Bác sĩ sẽ theo dõi người bệnh khi đang dùng những loại thuốc này. Hãy cho họ biết nếu bạn đã sử dụng chúng trước đây. Dùng steroid nhiều lần có thể làm tổn thương xương trầm trọng hơn.
  • Không hút thuốc: Hút thuốc làm tăng nguy cơ bị hoại tử vô mạch.

Tiên lượng

Hơn một nửa số người mắc bệnh này cần phải phẫu thuật trong vòng 3 năm kể từ khi được chẩn đoán. Nếu xương bị xẹp ở một khớp, nhiều khả năng xương ở khớp khác cũng sẽ bị xẹp.

Tiên lượng của người bệnh phụ thuộc vào một số yếu tố:

  • Giai đoạn bệnh tại thời điểm được chẩn đoán
  • Có mắc bệnh nền không.

Người bệnh sẽ ít có khả năng tiến triển tốt nếu:

  • Trên 50 tuổi.
  • Bệnh ở giai đoạn III trở lên khi được chẩn đoán.
  • Hơn một phần ba khu vực chịu trọng lượng của xương đã hoại tử.
  • Tổn thương đi qua phần cuối của xương.
  • Điều trị bằng cortisone lâu dài trước đây.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top