ĐẠI CƯƠNG
Đây là kỹ thuật dùng kim đầu tù, đi qua đường hầm dưới da đã được tạo ra trước đó để vào thông động tĩnh mạch (TĐTM). Kỹ thuật này thường áp dụng khi thân TĐTM không đủ dài hoặc/và nằm sâu dưới da không cho phép chọc kim fitula sắc thông thường được.
CHỈ ĐỊNH
TĐTM có thân tĩnh mạch ngắn (đoạn thẳng dưới 10cm) và/hoặc nằm sâu dưới da qua 6mm. Hoặc:
Người bệnh có yêu cầu sử dụng kim tù cho buổi lọc máu của mình.
CHỐNG CHỈ ĐỊNH
Hẹp TĐTM đi kèm.
CHUẨN BỊ
Người thực hiện
01 điều dưỡng.
Phương tiện
Giường thực hiện thủ thuật: 01 chiếc
Dung dịch betadin sát trùng: 01 lọ
Săng vô khuẩn: 01 chiếc
Bơm tiêm 5ml: 02 chiếc
Bông băng, gạc vô trùng: 04 gói
Găng tay tiệt trùng: 01 đôi
Bộ dụng cụ và thuốc chống choáng, chống sốc phản vệ.
Người bệnh
Người bệnh rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng diệt khuẩn trước khi tiến hành.
Người bệnh và người nhà được nghe bác sĩ giải thích kỹ về tác dụng và tai biến của thủ thuật và ký vào giấy cam kết đồng ý làm thủ thuật.
Hồ sơ bệnh án
Bệnh án được hoàn thiện với các thủ tục dành cho người bệnh tiến hành làm thủ thuật: hồ sơ đã duyệt can thiệp thủ thuật, giấy cam đoan có ký xác nhận của người bệnh hoặc người nhà.
CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH
Kiểm tra hồ sơ
Kiểm tra các xét nghiệm đã được làm.
Kiểm tra người bệnh
Đối chiếu tên, tuổi, chẩn đoán bệnh.
Thực hiện kỹ thuật
Khuyến cáo, trên mỗi người bệnh chỉ nên có 1 điều dưỡng sử dụng kỹ thuật này.
Bước 1: Tạo đường hầm xuyên qua da và TĐTM
Thực hiện quy trình kỹ thuật chọc kim fistula cho lọc máu như bình thường.
Đặc biệt lưu ý, đánh dấu vị trí chọc kim, hướng xuyên kim và độ sâu dưới da.
Thực hiện buổi chọc kim fistula cho buổi lọc tiếp theo vẫn trên vị trí, hướng kim và độ sâu giống hệt lần chọc kim trước.
Thực hiện liên tiếp việc chọc kim như trên trong khoảng 4-6 tuần sẽ tạo ra 2 đường hầm xuyên qua da vào TĐTM.
Có thể sử dụng: hạt Biotip đặt vào vị trí chọc kim sau khi rút bỏ kim. Việc sử dụng hạt Biotip này giúp rút ngắn thời gian tạo đường hầm xuống còn 1-2 tuần.
Bước 2: Sử dụng kim đầu tù để xuyên vào TĐTM
Sát trùng vùng da có vị trí đường hầm vào TĐTM
Dùng panh lấy bỏ vẩy tại vị trí chọ kim. Sát trùng lại lần nữa bằng betadin.
Sử dụng kim đầu tù xâm nhập đường hầm này. Lưu ý là luồn kim, không dùng lực mạnh. Hướng đi theo đúng hướng chọc kim fistula của những lần trước đó.
Cố định kim tù và tiến hành buổi lọc máu.
THEO DÕI
Phản ứng viêm nhiễm tại ví trí chọc kim.
Kiểm soát đau và luồn kim chệch đường hầm.
TAI BIẾN VÀ XỬ TRÍ
Nhiễm trùng TĐTM tại vị trí chọc kim: dừng thực hiện kỹ thuật; Sử dụng kháng sinh liều cao toàn thân. Có thể xét chọc kim fistula thông thường tại vị trí khác.
Chọc lệch đường hầm đã tạo ra trước đó: rất hay gặp, đặc biệt nếu trên 1 người bệnh mà có quá 1 người thực hiện kỹ thuật; Xử trí: thiết lập một đường hầm khác.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Access for Dialysis: Surgical and Radiologic Procedures (ISBN: 1-57059-627-1).
Oxford Textbook of Clinical Nephrology, p.1909- 1926 (Third Edition 2008) (ISBN-10: 0198508247 ISBN-13: 978-0198508243)
The Kidney, 2008. (ISBN 978-1-4160-3105-5).
Hemodialysis Vascular Access and Peritoneal Dialysis Access, 2004.
(ISBN: 978-3-8055-7651-2).
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh