Nhiễm trùng đường tiết niệu, đôi khi được gọi là nhiễm trùng bàng quang, bệnh phổ biến ở phụ nữ hơn và nguyên nhân là do cấu tạo giải phẫu. Niệu đạo ở nữ ngắn hơn niệu đạo ở nam, gần với những khu vực có vi khuẩn như hậu môn và âm đạo.
Bệnh phát triển ở mọi lứa tuổi và hầu hết phụ nữ đều bị nhiễm trùng đường tiết niệu vào một thời điểm nào đó trong đời. Phụ nữ trẻ có xu hướng bị nhiễm trùng nhiều hơn khi bắt đầu quan hệ tình dục. Phụ nữ lớn tuổi có xu hướng bị nhiễm trùng đường tiết niệu sau thời kỳ mãn kinh, khi nồng độ estrogen âm đạo giảm dần. Estrogen đóng một vai trò quan trọng trong sức khỏe đường tiết niệu, sau thời kỳ mãn kinh, mô âm đạo mỏng nên dễ bị nhiễm trùng hơn.
Ở phụ nữ trẻ, đau bàng quang là triệu chứng phổ biến của nhiễm trùng đường tiết niệu, ngoài ra những người này còn bị đau và đi tiểu thường xuyên hơn. Ở phụ nữ lớn tuổi, các triệu chứng bao gồm đau cơ, đau bụng, mệt mỏi và suy nhược.
Việc điều trị sẽ sử dụng các loại thuốc kháng sinh như nitrofurantoin (Macrobid), trimethoprim/sulfamethoxazole (Bactrim) và fosfomycin (Monurol).
Nhiễm trùng đường tiết niệu có thể tự khỏi mà không cần điều trị, nhưng việc sử dụng thuốc kháng sinh sẽ giúp loại bỏ các triệu chứng khó chịu nhanh hơn. Uống thêm nước và đi tiểu đều đặn cũng sẽ giúp điều trị nhiễm trùng và làm giảm sự khó chịu.
Viêm bàng quang kẽ xảy ra khi thành bàng quang bị kích thích và viêm.
Người bị viêm bàng quang kẽ có thể bị đau từ mức độ nhẹ đến đau dữ dội, hay đi tiểu liên tục và tiểu gấp. Kinh nguyệt có xu hướng làm cơn đau bàng quang trở nên nặng hơn.
Viêm bàng quang kẽ không phải do nhiễm trùng đường tiết niệu. Mặc dù nguyên nhân vẫn chưa được hiểu rõ, nhưng một số yếu tố nhất định có thể làm bùng phát các triệu chứng như căng thẳng, thay đổi chế độ ăn uống, dị ứng và dùng một số loại thuốc, cùng những yếu tố khác.
Một số lựa chọn điều trị cho bệnh như làm căng bàng quang, uống thuốc như thuốc chống trầm cảm ba vòng, thuốc kháng histamine, pentosan polysulfate natri (Elmiron), vật lý trị liệu hoặc kích thích thần kinh. Trong những trường hợp nghiêm trọng sau khi các phương pháp điều trị khác không hiệu quả, thì bác sĩ có thể đề xuất làm phẫu thuật.
Đau bàng quang ở phụ nữ có thể là kết quả của da âm đạo bị mỏng hay còn gọi là teo âm đạo. Teo âm đạo hay xảy ra ở phụ nữ tiền mãn kinh hoặc mãn kinh, đây là thời điểm nồng độ estrogen giảm, khiến các mô của âm đạo bị teo, mỏng hơn.
Trường hợp này thường sử dụng estrogen dạng kem bôi thay vì estrogen đường uống. Một số loại thuốc như Premarin và Estrace dùng hàng ngày trong một đến ba tuần và từ một đến ba lần một tuần sau đó.
Nếu phát hiện bất thường gì thì phải báo với bác sĩ ngay.
Ung thư bàng quang rất hiếm gặp, đặc biệt là ở phụ nữ, nhưng lại hay được chẩn đoán ở phụ nữ khi khối u ở giai đoạn tiến triển hơn. Phụ nữ cũng có nhiều khả năng tử vong vì ung thư bàng quang hơn so với nam giới. Triệu chứng hay gặp là tiểu máu, một số phụ nữ còn có cảm giác đau, rát khi đi tiểu.
Phương pháp điều trị ung thư bàng quang bao gồm phẫu thuật, hóa trị, xạ trị và liệu pháp miễn dịch. Hầu hết mọi người làm phẫu thuật để loại bỏ khối u. Trong trường hợp bệnh tiến triển nặng thì sẽ cần phải cắt bỏ toàn bộ hoặc một phần của bàng quang.
Đau bàng quang có thể do nhiều nguyên nhân. Cần phải theo dõi và kiểm tra xem liệu tử cung và các cơ quan xung quanh khác có thể gây đau bàng quang không vì chúng ở gần bàng quang. Rối loạn chức năng sàn chậu như căng hoặc co thắt cơ vùng chậu thường gây đau bàng quang và một số các triệu chứng khác như táo bón, khó đại tiện, rò nước tiểu hoặc phân và thường xuyên phải đi tiểu.
Đau vùng chậu có thể do lạc nội mạc tử cung, viêm vùng chậu hoặc u nang buồng trứng. Ngoài ra, các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa như bệnh Crohn hoặc viêm loét đại tràng cũng gây đau vùng chậu.
Có rất nhiều nguyên nhân có thể xảy ra vì vậy đừng tự chẩn đoán. Hãy đi khám để được chẩn đoán và điều trị sớm.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh