Thận là cơ quan quan trọng nằm ở phía lưng dưới, phân bổ ở hai bên của cột sống với vai trò chính là lọc máu và chất thải, cân bằng điện giải, duy trì độ pH, sản xuất hormone quan trọng (renin, erythropoietin), điều hòa huyết áp,...
Suy thận là khi thận bị suy giảm chức năng, do nhiều nguyên nhân và bệnh lý gây ra. Về thời gian mắc bệnh, người ta thường chia thành 2 nhóm là suy thận cấp và suy thận mạn. Suy thận thường không có dấu hiệu đặc trưng ở giai đoạn đầu. Tuy nhiên, khi bệnh tiến triển nặng sẽ xuất hiện các triệu chứng như: Buồn nôn hoặc nôn, chán ăn, mệt mỏi, rối loạn giấc ngủ, tiểu nhiều vào ban đêm, nước tiểu có máu, co giật cơ bắp, chuột rút...
Thận của người khỏe mạnh sẽ lọc được 120 - 150 lít máu mỗi ngày. Khi chức năng thận suy giảm, khả năng lọc máu yếu hoặc mất hẳn sẽ khiến chất độc hại, dịch lỏng dư thừa không được đào thải ra ngoài và gây hại cho sức khỏe. Thậm chí người bệnh có thể bị hôn mê hoặc tử vong. Do đó, người bệnh cần lọc máu để thực hiện thay cho chức năng vốn có của thận, giúp lọc bỏ chất độc hại, độc tố hoặc thuốc ra khỏi cơ thể.
Bệnh thận mạn được chia thành 5 giai đoạn. Thông thường, người bệnh buộc phải tiến hành lọc máu khi bị suy thận cấp hoặc suy thận mạn đã bước vào giai đoạn cuối (mức lọc cầu thận chỉ còn dưới 15 ml/phút/1,73m2).
Hiện nay, có 3 phương pháp lọc máu thường được sử dụng là chạy thận nhân tạo ngắt quãng, liệu pháp thay thế thận liên tục và lọc màng bụng.
Lọc máu là phương pháp sống còn với những bệnh nhân suy thận. Tuy nhiên, nó không thể hiệu quả như thận khỏe mạnh. Do đó, khi lọc máu, người bệnh vẫn cần phải uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Đồng thời, người bệnh cần áp dụng chế độ ăn uống và tập luyện phù hợp để giúp nâng cao sức khỏe, ngăn ngừa biến chứng có thể xảy ra. Chế độ ăn của bệnh nhân chạy thận nên giảm muối, hạn chế kali, phospho… để không khiến các triệu chứng thêm trầm trọng.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh