Giải phẫu tuyến mang tai (parotid gland) và ứng dụng trong siêu âm

Nội dung

Tuyến mang tai nằm ở hố sau hàm, trước tai và cơ ức đòn chũm. Các phần của thùy nông che phủ hàm dưới và phần sau của cơ cắn (Hình 1).

Hình 1. Ảnh siêu âm toàn cảnh cắt ngang (a) và sơ đồ tương ứng (b) cho thấy tuyến mang tai trái và một phần của má. m = cơ.

 

Ranh giới giữa các thùy nông và sâu được tạo bởi mặt phẳng chứa dây thần kinh mặt và các nhánh của nó. Các nhánh của dây thần kinh mặt không thể nhìn thấy trên siêu âm. Các đoạn của thân dây thần kinh mặt chỉ có thể thấy được với những đầu dò tần số cao (trên 10 MHz). Do đó, tĩnh mạch sau hàm, tĩnh mạch này thường nằm ngay trên thân dây thần kinh mặt [14], được dùng làm mốc siêu âm chia thùy nông và thùy sâu của tuyến mang tai (Hình 2 – 4). Mặc dù phần ngoài sọ của dây thần kinh mặt có thể nhìn thấy trên các ảnh MRI độ phân giải cao, tĩnh mạch sau hàm thường được coi là mốc giải phẫu trong CT và MRI đánh giá quan hệ với u tuyến trước mổ. Thùy sâu tuyến mang tai chỉ có thể nhìn thấy được một phần khi siêu âm. Một vài vùng của nhu mô tuyến và các tổn thương có thể bị che khuất do bóng cản âm ở phía sau ngành xương hàm dưới (Hình 4).

Hình 2. Hình vẽ các mạch máu chính trong vùng các tuyến nước bọt. 1 = tĩnh mạch sau hàm, 2 = động mạch cảnh ngoài, 3 = động mạch và tĩnh mạch mặt, 4 = động mạch và tĩnh mạch lưỡi, 5 = động mạch cảnh ngoài, 6 = tĩnh mạch cảnh trong, 7 = tĩnh mạch cảnh ngoài.

 

Hình 3a. ảnh siêu âm cắt ngang (a) cho thấy giải phẫu bình thường của tuyến mang tai trái. Vị trí của đầu dò siêu âm theo hình nhỏ ở góc. 1 = tĩnh mạch sau hàm, 2 = động mạch cảnh ngoài, 3 = tăng âm ở bề mặt của xương hàm, 4 = tuyến mang tai, 5 = cơ cắn.

 

Hình 3b. ảnh siêu âm cắt dọc (b) cho thấy giải phẫu bình thường của tuyến mang tai trái. Vị trí của đầu dò siêu âm theo hình nhỏ ở góc. 1 = tĩnh mạch sau hàm, 2 = động mạch cảnh ngoài, 3 = tăng âm ở bề mặt của xương hàm, 4 = tuyến mang tai, 5 = cơ cắn.

 

Hình 4

 

Đậm độ âm của tất cả các tuyến nước bọt, gồm cả tuyến mang tai, thường là đồng nhất và thay đổi từ mức tăng âm mạnh và rất sáng tới mức chỉ hơi tăng âm so với các cơ lân cận. Đậm độ âm của tuyến mang tai phụ thuộc vào lượng mô mỡ trong tuyến. Các tuyến nước bọt có thành phần mỡ nhiều thì tăng âm so với các cơ xung quang và cản sóng siêu âm một cách rõ rệt, đến độ thùy sâu không thể đánh giá bằng siêu âm được và đôi khi các mạch máu lớn chạy qua tuyến mang tai – tĩnh mạch sau hàm và động mạch cảnh ngoài – có thể nhìn thấy vừa đủ hoặc không thể nhìn thấy trên các ảnh thang xám (Hình 5).

Hình 5. Ảnh siêu âm toàn cảnh cắt ngang tuyến mang tai phải (mũi tên) và má cho thấy tuyến có thành phần mỡ nhiều. Nhu mô tăng âm với sự cản sóng siêu âm rõ rệt, và không nhìn thấy mạch máu nào. Vị trí đầu dò siêu âm theo hình nhỏ ở góc. 1 = cơ cắn.

 

Sau khi rời tuyến mang tai, ống ngoại tiết chính (ống Stenon) nằm trên cơ cắn, dưới cung gò má khoảng 1 cm, rồi đi qua cơ mút (cơ má) và có lỗ đổ ra ở nhú mang tai ngang mức răng hàm trên thứ hai. Chiều dài của ống Stenon thường thay đổi từ 3 đến 5 cm. Ống không giãn thường không thể nhìn thấy khi siêu âm (Hình 6). Tuy nhiên, một số tác giả báo cáo sự xuất hiện của các đoạn ống Stenon không giãn nằm trong tuyến bằng siêu âm độ phân giải cao

Hình 6. (a) Sơ đồ cho thấy vị trí ống stenon. 1 = tuyến mang tai, 2 = ống Stenon, 4 = cơ cắn, 5 = bề mặt xương hàm, 6 = cơ mút, mũi tên lớn = tĩnh mạch sau hàm và động mạch cảnh ngoài.

 

Hình 6 (b) ảnh siêu âm toàn cảnh cho thấy ống Stenon bị giãn ở bệnh nhân bị viêm và sỏi tuyến nước bọt (sialolithiasis). 1 = tuyến mang tai trái bị viêm, 2 = ống Stenon bị giãn, 3 = sỏi, 4 = cơ cắn, 5 = bề mặt xương hàm, 6 = cơ mút, mũi tên lớn = tĩnh mạch sau hàm và động mạch cảnh ngoài.

 

 

Trong mô mềm của má dọc theo ống Stenon có thể thấy tuyến mang tai phụ ở một bên hoặc cả hai bên. Tuyến mang tai phụ cũng có thể là vị trí của các khối u tuyến nước bọt, lành tính hoặc ác tính .

Trong nhu mô của tuyến mang tai cũng có thể thấy các hạch bạch huyết [19]. Chúng nằm chủ yếu ở cực trên và cực dưới của tuyến. Các hạch bình thường trong tuyến mang tai có thể hình bầu dục hoặc hình thuôn dài (Hình 7). Khoảng 60% các hạch tuyến mang tai có tỷ lệ trục ngắn/trục dài > 0,5 (hình bầu dục). Sự có mặt của rốn [hạch] tăng âm là một tiêu chuẩn quan trọng đối với sự bình thường của các hạch tuyến mang tai (Hình 7). Trục ngắn của chúng không vượt quá 5-6 mm trong tình trạng bình thường. Với việc ứng dụng siêu âm Doppler năng lượng có độ nhạy cao, các mạch máu trung tâm có thể nhìn thấy ở các hạch mang tai bình thường.

Hình 7. Các ảnh siêu âm ba chiều cho thấy một hạch bình thường trong tuyến mang tai (các mũi tên), hạch hình bầu dục với vỏ đồng nhất và rốn tăng âm trung tâm. Rốn liên tiếp với mô liên kết bao quanh (đầu mũi tên).

return to top