Điều trị tâm thần phân liệt

Nội dung

1. Các liệu pháp thường dùng

1.1  Các liệu pháp sinh học:

1.1.1  Liệu pháp hoá dược tâm thần:

Hoá dược là liệu pháp thông dụng nhất và có hiệu quả nhất trong điều trị bệnh TTPL.

Việc lựa chọn loại thuốc nào và liều lượng thuốc ra sao phải phù hợp với từng triệu chứng lâm sàng theo thể bệnh và khả năng dung nạp của mỗi cá thể. Trong điều trị bệnh TTPL, sử dụng nhóm an thần mạnh là nhiều nhất, ngoài ra còn dùng các thuốc an thần nhẹ, các thuốc chống trầm cảm, các thuốc điều chỉnh khí sắc.

+ Điều trị một số thể bệnh tâm thần phân liệt:

– Thể paranoid-ảo giác điều trị bằng haloperidol, terfluzine, aminazin liều cao 2-3 tháng. Sau đó tiếp tục điều trị củng cố bằng aminazin từ 300-500 mg/ngày chia 3 lần hoặc haloperidol 10-40 mg/ngày. Trong tuần đầu tiêm bắp thịt sau đó chuyển sang thuốc uống.

– Thể thanh xuân điều trị bằng stelazin, aminazin, majeptyl. Nếu kích động tâm thần vận động dùng haloperidol liều lượng như trên.

– Thể căng trương lực: aminazin 150-200 mg/ngày chia 3 lần hoặc frenolon 20-30 mg/ngày hoặc stelazin 20-40 mg/ngày hoặc sốc điện 7-10 lần/ 1 liệu trình và làm hàng ngày hoặc cách ngày/1 lần.

– Thể trầm cảm sau phân liệt: amitriptylin 75 mg/ngày chia 2 lần hoặc nozinan 150-200 mg/ngày, nếu không tác dụng có thể dùng sốc điện như trên.

+ Đối với các bệnh nhân TTPL, nếu không tự nguyện tiếp tục điều trị củng cố sau giai đoạn điều trị tấn công, có thể dùng các thuốc an thần kinh tác dụng chậm như:

– Piportil – L4 50-75 mg/ 3 tuần liên tiếp.

– Moditen – Dépo 25-50 mg/ 3 tuần liên tiếp.

– Fluphenazin enantat 0,025 ´ 1 ống cho 2 tuần.

– Fluphenazin decanoat 0,025 ´ 1 ống cho 4 tuần.

– Haldol decanoat 0,05; 0,10 ´ 1 ống cho 4 tuần.

– Flupentixol decanoat  0,020 ´ 1 ống cho 2 tuần.

Chú ý:

Cần phải lưu ý đến biến chứng do dùng các thuốc tác dụng chậm gây ra, đôi khi rất nan giải như: dị ứng, hội chứng an thần kinh ác tính.

Cần phải tiêm bắp thịt sâu.

Phải luôn luôn cảnh giác với biến chứng do bất cứ loại thuốc nào.

Cần phải xét nghiệm máu (bạch cầu, công thức bạch cầu nhất là bạch cầu hạt), nước tiểu, theo dõi mạch, huyết áp định kỳ và thường xuyên.

1.1.2  Các loại thuốc khác:

+ Sử dụng các thuốc chống trầm cảm trong các cơn trầm cảm kết hợp cần phải thận trọng về liều lượng thuốc, vì có thể làm hoạt hoá các ảo giác và hoang tưởng dẫn đến nguy cơ tự  sát.

+ Các thuốc điều hoà khí sắc có tác dụng tốt trong điều trị và dự phòng các đợt tái phát, nhất là trong các thể bệnh có rối loạn cảm xúc.

+ Các loại thuốc bổ, thuốc thông thường, thuốc làm giảm nhịp tim như  propanolon, các thuốc beta-block khác và các thuốc chống Parkinson cũng cần được xem xét và sử dụng cho hợp lý.

 

2  Liệu pháp sốc điện:

Ngày nay, các chỉ định của liệu pháp sốc điện đã thu hẹp một cách đáng kể, song đối với bệnh TTPL còn được chỉ định trong những trường hợp sau:

+ TTPL thể căng trương lực.

+ Trạng thái kích động mạnh của TTPL.

+ Các bệnh nhân có hành vi tự sát.

+ Hội chứng hưng cảm trong TTPL kháng thuốc.

+ Các trường hợp kháng điều trị nói chung.

 

3. Liệu pháp tâm lý trực tiếp và gián tiếp:

+ Phải có thái độ tâm lý tốt, thông cảm, tôn trọng người bệnh.

+ Tổ chức hệ thống mở cửa làm cho người bệnh được tự do thoải mái.

+ Giải quyết các nhu cầu và mâu thuẫn của người bệnh tại gia đình và cộng đồng.

+ Liệu pháp tâm lý cá nhân có thể áp dụng song song với hoá dược, giải thích hợp lý và liệu pháp hành vi.

+ Liệu pháp phân tích tâm lý nên tiến hành rất thận trọng.

+ Liệu pháp tâm lý nhóm và tâm lý gia đình cũng rất bổ ích.

 

4. Liệu pháp lao động và tái thích ứng xã hội:

Khắc phục những triệu chứng âm tính và phục hồi chức năng cho người bệnh bằng các dạng hoạt động: lao động thủ công, sản xuất,

vui chơi giải trí… Những hoạt động này làm cho người bệnh gần gũi với cuộc sống bình thường và hoà nhập với cộng đồng.

Đây là một biện pháp không thể thiếu được nhằm duy trì tính tự chủ của người bệnh và chống lại sự mạn tính hoá, chống lại các “hội chứng bệnh viện”, góp phần cải thiện tiên lượng bệnh.

Sự chăm sóc tại cộng đồng và các hình thức bán trú cũng là những hình thức tái thích ứng xã hội tốt.

 

5.  Phòng bệnh:

Nguyên nhân bệnh TTPL chưa rõ ràng nên không thể phòng bệnh tuyệt đối được. Tuy nhiên, phải theo dõi sức khoẻ tâm thần ở những người có yếu tố nguy cơ cao như các nhân tố di truyền cần được theo dõi và được phát hiện sớm.

Chú trọng giáo dục rèn luyện trẻ em biết cách thích ứng với môi trường và các điều kiện khó khăn của cuộc sống. Hạn chế ảnh hưởng có hại từ bên ngoài như  sang chấn tâm thần, nhiễm khuẩn,…

Áp dụng lao động và thích ứng xã hội. Tiếp tục quản lý theo dõi bệnh nhân sau khi ra viện tại cộng đồng, đề phòng tái phát bệnh.

return to top