✴️ Viêm ruột thừa ở trẻ em: Chẩn đoán điều trị và cách chăm sóc

1. Viêm ruột thừa ở trẻ em có nguy hiểm không?

Nguyên nhân gây ra viêm ruột thừa ở trẻ em

Ruột thừa là một bộ phận của ống tiêu hóa, có hình dạng giống như ngón tay nên tương đối hẹp và kín và thường nằm ở bên phải, phía dưới của ổ bụng. Theo đó,một đầu của ruột thừa sẽ bị kín, đầu còn lại thông với đoạn đầu tiên của ruột già hay còn gọi là manh tràng. 

Nguyên nhân chính gây ra căn bệnh này chủ yếu do sự tắc nghẽn của lỗ thông giữa ruột thừa và bộ phận manh tràng. Mặt khác, các nhiễm trùng từ ổ bụng cũng ảnh hưởng trực tiếp tới ruột thừa. Dù là nguyên nhân nào khiến cho ruột thừa bị sưng lên, vi khuẩn tấn công làm tăng sinh mủ đều khiến ruột thừa bị viêm.

Biến chứng của bệnh viêm ruột thừa ở trẻ

Viêm ruột thừa có thể chữa trị bằng phương pháp phẫu thuật và sức khỏe của trẻ sẽ mau chóng hồi phục nếu chưa có biến chứng. Ngược lại, trường hợp không can thiệp sớm có thể bị thủng - vỡ ra, hoại tử, xuất hiện áp xe, nhiễm trùng máu,… thì quá trình chữa trị gặp nhiều khó khăn hơn và khả năng tử vong cao.

2. Triệu chứng viêm ruột thừa ở trẻ em

Trẻ em bị viêm ruột thừa thường rất khó chẩn đoán vì trẻ chưa có khả năng miêu tả chính xác vị trí cơn đau cũng như cách để phân biệt với các bệnh lý có triệu chứng tương tự. Viêm ruột thừa ở độ tuổi này còn có diễn biến bệnh phức tạp và tiến triển nhanh khiến các bác sĩ cũng khó kiểm soát. Mặt khác, ruột thừa có thể bị thủng hoặc vỡ dễ dàng nếu không can thiệp điều trị sớm. Vì vậy, MEDLATEC khẳng định rằng, việc chẩn đoán bệnh ngay khi mới phát hiện sẽ giúp cha mẹ tránh được rủi ro đáng tiếc cho con em mình. 

Dưới đây là một vài triệu chứng điển hình nhất của bệnh viêm ruột thừa ở trẻ em để các bậc phụ huynh theo dõi, nắm bắt:

Trẻ bị đau bụng kèm sốt nhẹ hoặc sốt từ 38 độ trở lên: 

Trường hợp trẻ bị sốt chỉ xảy ra khi ruột thừa đã gặp phải tình trạng viêm nhiễm nặng cần được kiểm tra sớm nhất có thể.

Rối loạn tiêu hóa: 

Viêm ruột thừa ở trẻ em khiến trẻ bị chướng bụng, có thể bị táo bón hoặc tiêu chảy. Do bị kích thích tới nhu động ruột nên sẽ kéo theo biểu hiện nôn và buồn nôn. Triệu chứng rối loạn tiêu hóa thường bị phụ huynh nhầm lẫn với bệnh lý thường gặp nên cần hết sức cảnh giác vì đó là một trong những biểu hiện của viêm ruột thừa ở trẻ em.

Trẻ bị đau vùng bụng dưới bên phải: 

Triệu chứng này còn gọi là đau ở khu vực hố chậu bên phải. Cơn đau sẽ bắt đầu ở trị trí quanh rốn sau đó lan dần xuống vùng hố chậu phía bên phải của ổ bụng. Đối với người lớn, khi được bác sĩ khám xét sẽ dễ dàng trả lời chính xác vị trí cơ thể đang đau, tuy nhiên trẻ lại chỉ có thể biểu hiện qua tiếng khóc, và nếu đã biết nói thì chỗ nào cũng trả lời đều đau. 

Triệu chứng viêm ruột thừa ở trẻ em

Chán ăn: 

Có những món ăn hay đồ uống hàng ngày bé yêu thích và đột nhiên bé tỏ ra không có hứng thú và biếng ăn thì có thể bé đang cảm thấy khó chịu trong người do ruột thừa đang bị viêm.

Trẻ mệt mỏi và môi bị khô: 

Tình trạng nhiễm trùng của ruột thừa sẽ biểu hiện ra bên ngoài chẳng hạn môi trẻ trở nên khô bất thường, lưỡi bẩn, trẻ mệt mỏi nên không ham chơi như thường ngày. 

Các triệu chứng trên xuất hiện tùy theo mức độ bệnh và thể trạng của trẻ. Vậy nên, khi trẻ bị đau bụng hay bất cứ dấu hiệu nào mà không thuyên giảm trong khoảng 2 đến 3 giờ cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ chuyên khoa lập tức. Ngoài ra, cha mẹ cũng không nên tự ý sử dụng các loại thuốc giảm đau tức thời hay kháng sinh khi nguyên nhân chưa được xác định rõ. Nếu các triệu chứng bị mất đi do tác dụng của thuốc sẽ khiến bác sĩ gặp khó khăn khi chẩn đoán bệnh.

3. Chẩn đoán - Điều trị - Chăm sóc trẻ trước và sau khi mổ

Phương pháp phát hiện bệnh

Đối với trẻ em đặc biệt là trẻ nhỏ khi chỉ có thể sử dụng ngôn ngữ cơ thể như khuôn mặt cau có, buồn chán, quấy khóc để mô tả cơn đau thì siêu âm chính là một phương pháp cận lâm sàng an toàn, không gây đau. Siêu âm có thể thấy được hình ảnh rõ nét của ruột thừa để xác định được ruột thừa có bị viêm hay không. Siêu âm cũng giúp ích nhiều trong việc phân biệt các loại bệnh lý khác nhau khi có cùng triệu chứng. 

Tuy nhiên, việc đọc và chẩn đoán qua hình ảnh để phát hiện tổn thương phụ thuộc rất lớn vào trình độ chuyên môn và kinh nghiệm của bác sĩ nên khuyến cáo cha mẹ cần lựa chọn cơ sở uy tín có sử dụng máy siêu âm hiện đại nhất. 

Siêu âm không phải là tiêu chí chuẩn xác tuyệt đối để xác định bệnh viêm ruột thừa nhưng đây là công cụ hữu ích khi kết hợp với triệu chứng sẽ theo dõi được tình trạng bệnh ở trẻ.

Ngoài ra, việc kết hợp xét nghiệm CRP để đánh giá phản ứng viêm, nhiễm khuẩn cũng sẽ được bác sĩ chỉ định nếu cần trong việc chẩn đoán chứng viêm ruột thừa.

Điều trị bằng phương pháp mổ nội soi

Tùy thuộc vào tình trạng viêm ruột thừa cấp hoặc viêm ruột thừa có biến chứng, sức khỏe hiện tại của trẻ, các bác sĩ sẽ quyết định phương pháp điều trị.

Mổ nội soi được coi là một bước tiến mới trong điều trị bằng phương pháp mổ. Bằng cách tạo ra kênh thao tác, bác sĩ sẽ tạo được khoang để bơm loại khí cacbonic vào bên trong ổ bụng của bệnh nhân rồi hình ảnh sẽ được dẫn truyền qua máy camera chuyên dụng. Nhờ đó, bác sĩ vừa có thể quan sát ruột thừa trên màn hình nối vừa có thể thực hiện cắt bỏ ruột thừa bị viêm.

Đặc biệt, sau khi mổ, trẻ sẽ không cảm thấy quá đau đớn do số lượng cơ bị cắt ít nên hồi phục nhanh hơn, đặc biệt vết sẹo do mổ rất thẩm mỹ.

Một vài lưu ý trước và sau mổ ruột thừa ở trẻ

Khi trẻ có những biểu hiện đáng nghi của bệnh viêm ruột thừa, cha mẹ tạm thời không nên cho trẻ ăn uống. Đồng thời, việc làm cần thiết nhất chính là đưa trẻ đến ngay bệnh viện chuyên khoa ngoại nhi để bác sĩ khám và tư vấn. Nếu trẻ phải phẫu thuật, trẻ cũng không nên ăn no vì vấn đề này có thể ảnh hưởng lớn trong quá trình gây mê, dễ gây ra tai biến, đe dọa tính mạng của trẻ. 

Sau khi mổ được 6 tiếng, tùy vào tình trạng của trẻ, việc ăn uống có thể trở lại bình thường, bắt đầu từ các loại thức ăn mềm và lỏng. Sau 24 tiếng, trẻ có thể ăn mọi món ăn quen thuộc. 

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top