Mẹ mắc bệnh béo phì và tiểu đường có ảnh hưởng gì đến con trẻ không?

Ngoài ra theo một báo cáo trên tạp chí Pediatrics, nếu phụ nữ vừa bị béo phì vừa bị tiểu đường trong thai kỳ thì nguy cơ sinh ra những đứa trẻ bị tự kỷ còn cao gấp 4 lần.

Theo tác giả chính của nghiên cứu tiến sỹ Xiaobin Wang, một chuyên gia về sức khỏe cộng đồng và nghiên cứu về nhi khoa tại bệnh viện đại học Johns Hopkins ở Baltimore (Mỹ), “xét về nguy cơ tuyệt đối so với những căn bệnh thông thường mà trẻ em hay mắc phải như béo phì hay hen phế quản thì tỷ lệ trẻ mắc hội chứng rối loạn phổ tự kỷ (autism spectrum disorder – ASD) ở Mỹ khá thấp. Tuy nhiên, tác động của căn bệnh này đối với bản thân trẻ, đối với gia đình và xã hội là vô cùng to lớn.”

Theo trung tâm phòng chống và kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ, cứ 68 trẻ thì có 1 trẻ bị mắc rối loạn phổ tự kỷ bao gồm chứng tự kỷ, hội chứng Asperger và các rối loạn phát triển lan tỏa khác.

Nói một cách khác, có khoảng 1.5% trẻ em ở Mỹ mắc căn bệnh này. Nghiên cứu cho thấy rằng nguy cơ tăng tới gần 3% trong nhóm trẻ được sinh ra bởi những phụ nữ mắc chứng béo phì hay tiểu đường, và tăng lên 5% đến 6% khi người mẹ bị kết hợp cả hai bệnh trên.

Để tìm hiểu mối liên quan giữa bệnh tự kỷ và sức khỏe sinh sản của người mẹ, Wang và cộng sự đã tiến hành phân tích trên 2,734 cặp mẹ - con tại trung tâm y tế Boston từ năm 1998 đến năm 2014.

Phần lớn trẻ em (64%) không bị mắc chứng ASD hay bất cứ rối loạn phát triển nào, tuy nhiên có 102 trẻ được chẩn đoán mắc hội chứng ASD.

So với những trẻ phát triển bình thường, trẻ mắc hội chứng ASD thường có xu hướng là nam, bị sinh non và nhẹ cân khi sinh. Mẹ của những trẻ này cũng thường  nhiều tuổi hơn, bị béo phì và được chẩn đoán mắc tiểu đường trước hoặc trong quá trình mang thai.

Bản thân bệnh béo phì khi mang thai làm tăng nguy cơ sinh con mắc chứng tự kỷ cao tới 92%, trong khi những phụ nữ bị chẩn đoán mắc tiểu đường trước khi mang thai có nguy cơ cao gấp 3 lần.

Khi người mẹ vừa bị tiểu đường vừa bị béo phì, nguy cơ sinh con bị tự kỷ so với những phụ nữ không mắc cả hai bệnh trên tăng gấp khoảng 4 lần nếu người đó được chẩn đoán mắc tiểu đường trong thai kỳ và gần gấp 5 lần nếu bị tiểu đường trước khi mang thai.

Theo Elinor Sullivan, một chuyên gia về sinh học và thần kinh học tại đại học Porland ở Oregon (Mỹ), mặc dù cơ chế chính xác của mối liên hệ này vẫn chưa hoàn toàn rõ ràng nhưng có khả năng là sự gia tăng quá trình viêm, dinh dưỡng và mức nồng độ hormone có liên quan tới bệnh tiểu đường và béo phì là những nguyên nhân làm tăng nguy cơ sinh con bị tự kỷ.

Ông nói rằng: “Những yếu tố này tác động đến sự phát triển của não bộ. Nguy cơ đứa trẻ sinh ra bị tự kỷ sẽ tăng lên đáng kể nếu người mẹ bị béo phì và mắc bệnh tiểu đường do mức nồng độ của các tác nhân gây viêm và chất dinh dưỡng mà đứa trẻ tiếp xúc khi còn trong bụng mẹ cũng tăng lên theo.”

Một hạn chế của nghiên cứu này đó là một số trẻ mắc chứng ASD có thể đã bị phân loại sai hoặc chỉ được chẩn đoán một cách dự kiến. Ngoài ra, sai số do lựa chọn mẫu nghiên cứu cũng đưa thêm một số trẻ chỉ bị trì hoãn phát triển thêm vào nghiên cứu.

Khám phá này rất quan trọng bởi hơn 1/3 số phụ nữ mang thai hiện nay đang bị mắc bệnh béo phì, và cứ 10 phụ nữ thì có 1 người bị tiểu đường, và theo ước tính có từ 2% -10% bà mẹ bị mắc tiểu đường trong thai kỳ. Thường thì các bệnh này sẽ bị mắc trước khi người phụ nữ mang thai.

Theo Renee, một chuyên gia sức khỏe cộng đồng tại Viện nghiên cứu Karolina ở Solna (Thụy Điển)người không tham gia vào nghiên cứu này, “lời khuyên tốt nhất cho phụ nữ đó là duy trì một mức cân nặng hợp lý và kiểm soát tốt bệnh tiểu đường trước khi quyết định mang thai để tốt cho bản thân họ cũng như những đứa con tương lai. Nguy cơ cho sức khỏe của bà mẹ và đứa trẻ bao gồm các biến chứng nghiêm trọng trong thai kỳ, việc sinh mổ và thậm chí nguy cơ thai chết lưu thường gia tăng đáng kể nếu người mẹ bị béo phì và không kiểm soát tốt bệnh tiểu đường.”

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top