Câu trả lời là CÓ. Bạn hoàn toàn có thể làm được việc này. Việc thay đổi lối sống bao gồm nghỉ ngơi hợp lý và duy trì một chế độ dinh dưỡng lành mạnh có thể giúp cải thiện các khó chịu này rất hiệu quả.
Chứng đau đầu ở phụ nữ thường do nguyên nhân từ thay đổi hormon. Mãn kinh và mang thai là những giai đoạn chứng đau đầu thường trở nên trầm trọng hơn.
Triệu chứng đau đầu thường trở nên khá tồi tệ trong vài tuần đầu thai kỳ, thường đi cùng với giai đoạn ốm nghén. Tuy nhiên những cơn nhức đầu này thường giảm hoặc chấm dứt hoàn toàn khi bạn bước vào tuần thứ 17 đến 20 của thai kỳ. Chứng đau đầu không gây hại trực tiếp cho thai nhi nhưng có thể khiến mẹ bầu cảm thấy vô cùng khó chịu, làm tăng cảm giác mệt mỏi, ốm nghén, mất cảm giác ngon miệng. Mẹ bầu có thể chán ăn, ăn ít hơn và do vậy có thể gián tiếp ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.
Việc thay đổi một chút trong cuộc sống sẽ có thể giúp giảm bớt chứng đau đầu. Hãy nghỉ ngơi và thư giãn nhiều hơn hay đăng ký vào một lớp học yoga cho bà bầu.
Việc sử dụng paracetamol với liều thông thường được cho là an toàn đối với phụ nữ có thai. Hãy hỏi bác sỹ hoặc dược sỹ về liều lượng và thời gian sử dụng paracetamol hợp lý. Tuy nhiên có một số thuốc giảm đau mà bạn nên tránh sử dụng khi mang thai ví dụ như những thuốc có chứa codein.
Trong nửa sau của thai kỳ, nếu bạn bị xuất hiện những cơn đau đầu, thường ở vị trí đằng trước đầu và không hết mặc dù đã sử dụng paracetamol, đó có thể là dấu hiệu của chứng tiền sản giật. Do vậy, hãy thông báo cho bác sỹ ngay nếu phát hiện các triệu chứng nêu trên.
Chứng khó tiêu là hiện tượng đau và khó chịu ở phần bụng trên. Các triệu chứng có thể bao gồm:
Hầu như tất cả mọi người đều đã từng bị khó tiêu một vài lần nào đó, tuy nhiên phụ nữ có thai lại thường xuyên trải qua hiện tượng này. Cứ 10 phụ nữ mang thai thì có 8 người bị đầy bụng trong thai kỳ và chứng này có xu hướng xảy ra thường xuyên hơn khi đứa trẻ phát triển lớn dần. Đầy bụng khi mang thai chủ yếu là do sự thay đổi nội tiết tố trong cơ thể và do sự gia tăng áp lực lên dạ dày khi em bé lớn dần trong tử cung, và thường dẫn đến trào ngược acid dạ dày.
Việc thay đổi lối sống, đặc biệt là thay đổi chế độ ăn phù hợp góp phần tích cực cải thiện các triệu chứng của chứng khó tiêu như là ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày hay giảm bớt một số thực phẩm cay nóng.
Một số thuốc như thuốc kháng acid cũng có thể sử dụng an toàn trong thai kỳ để điều trị khó tiêu. Hãy hỏi ý kiến bác sỹ hoặc dược sỹ về các loại thuốc mà bạn có thể sử dụng. Một số phụ nữ thấy rằng chứng đầy bụng của họ ngày càng nặng hơn về giai đoạn sau của thai kỳ. Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, các triệu chứng sẽ thường biến mất sau khi sinh em bé.
Chứng khó tiêu khi mang thai hiếm khi gây biến chứng nguy hiểm. Tuy nhiên bạn cần lưu ý rằng nếu xuất hiện những cơn đau dai dẳng tại vùng bụng trên giống với chứng khó tiêu mà không đỡ khi dùng thuốc kháng acid hoặc thay đổi chế độ ăn thì đó có thể là dấu hiệu của chứng tiền sản giật. Do vậy, hãy thông báo với bác sỹ ngay nếu gặp phải các triệu chứng trên.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh