Đây là một bệnh lý đường tiêu hóa gây ra những tổn thương viêm và loét trên niêm mạc dạ dày hoặc tá tràng. Vết loét ở tá tràng chiếm khoảng 95%, vết loét ở dạ dày chiếm khoảng 60% và trong đó vết loét ở bờ cong nhỏ của dạ dày chiếm khoảng 25% các trường hợp.
Viêm loét dạ dày được chia thành 2 thể: cấp tính và mạn tính:
– Viêm dạ dày cấp tính: Biểu hiện của bệnh bắt đầu từ những cơn đau thượng vị dữ dội cùng tình trạng sưng, viêm ở lớp niêm mạc dạ dày;
– Viêm loét dạ dày mạn tính: Những tổn thương dần lan tỏa hoặc khu trú tại một khu vực trên niêm mạc dạ dày. Tình trạng này nếu không được điều trị tốt có thể dẫn đến viêm teo niêm mạc và cấu trúc dạ dày bị phá hủy.
Có rất nhiều nguyên nhân có thể gây ra viêm loét dạ dày, điểm qua một số nguyên nhân chủ yếu như sau:
– Vi khuẩn HP (Helicobacter pylori): Đây là nguyên nhân chính gây bệnh. Vi khuẩn HP sau khi xâm nhập sẽ khu trú và phát triển tại lớp nhầy niêm mạc của dạ dày. Chúng sẽ tiết ra độc tố làm mất đi khả năng chống lại acid của niêm mạc và từ đó gây ra tình trạng viêm loét.
– Thường xuyên sử dụng thuốc giảm đau, thuốc kháng viêm: Các loại thuốc này khi sử dụng trong thời gian dài và liên tục sẽ gây ức chế các chất bảo vệ thành niêm mạc dạ dày. Điều này là nguyên nhân dẫn tới viêm loét dạ dày.
– Stress kéo dài: Căng thẳng, lo lắng, buồn phiền, tức giận, sợ hãi khiến chức năng dạ dày không được ổn định, từ đó dịch vị dạ dày tăng tiết, lớp niêm mạc bảo vệ dạ dày dần bị tổn thương và gây viêm loét dạ dày.
– Ăn uống và sinh hoạt không điều độ: Việc ăn uống không đúng bữa, ăn quá no hoặc quá đói, uống nhiều rượu,… gây ảnh hưởng đến hoạt động co bóp của dạ dày, dịch vị dạ dày tăng tiết và lớp bảo vệ niêm mạc bị tổn thương sẽ dẫn đến viêm loét dạ dày.
– Các nguyên nhân khác: nguyên nhân tự miễn, do di truyền, do hóa chất …
1.3. Dấu hiệu nhận biết bệnh
Nhận diện những dấu hiệu nghi ngờ viêm loét dạ dày cần lưu ý:
– Đau bụng vùng thượng vị
– Ợ hơi, ợ chua cùng cảm giác khó chịu ở dạ dày
– Buồn nôn và nôn
– Mất ngủ, ngủ chập chờn, gián đoạn khi ngủ
– Rối loạn tiêu hóa kéo dài như ỉa chảy, táo bón,…
Khi nhận thấy những dấu hiệu bất thường kể trên, đừng chủ quan mà hãy tới ngay các cơ sở y tế uy tín để được tiến hành thăm khám chi tiết.
Có lẽ với nhiều người bệnh, viêm loét dạ dày chỉ đơn giản ở một bệnh tiêu hóa thông thường mà không hề biết đến những biến chứng nghiêm trọng của bệnh cùng cảnh báo ung thư dạ dày cực kỳ nguy hiểm.
Viêm loét dạ dày – tá tràng nếu không được tiến hành điều trị đúng cách kịp thời sẽ phát triển thành mạn tính và khi đó sẽ gặp nhiều khó khăn trong điều trị bệnh cùng nguy cơ xuất hiện các biến chứng nghiêm trọng như:
– Thủng dạ dày – tá tràng: Khi ổ loét ăn sâu tận cùng thành dạ dày tạo thành lỗ thủng khiến người bệnh đau rất dữ dội cần được cấp cứu ngay.
– Xuất huyết tiêu hóa trên: Chảy máu tại ổ viêm loét có thể dẫn đến tình trạng mất nhiều máu và có nguy hiểm đến tính mạng. Dấu hiệu của biến chứng này là các triệu chứng như chóng mặt, choáng váng, nôn ra máu hoặc đi ngoài ra máu.
– Hẹp môn vị: Một dạng mô viêm xơ thường phát triển trên ổ loét ở môn vị – tá tràng, gây ra hẹp lòng ruột ngay dưới dạ dày và cản trở quá trình tiêu hóa. Dấu hiệu của hẹp môn vị là nôn mửa, nôn rất nhiều, đau bụng và sút cân nhanh.
Nguy cơ gây ung thư thường xảy ra trong các trường hợp viêm loét dạ dày bắt nguồn từ nguyên nhân vi khuẩn HP. Trong trường hợp này, bệnh sẽ nhanh chóng phát triển thành viêm loét mạn tính và bắt đầu bào mòn lớp niêm mạc dạ dày. Quá trình này có thể tạo ra các dị sản hoặc loạn sản. Đây được coi là những thay đổi tiền ung thư trong tế bào và nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn tới ung thư dạ dày.
Viêm loét dạ dày hoàn toàn có thể được điều trị dứt điểm nếu phát hiện bệnh sớm và tiến hành đúng theo phác đồ điều trị được chỉ định.
Điều trị bệnh sớm, phương pháp áp dụng sẽ đơn giản hơn rất nhiều, tỷ lệ chữa khỏi cao, thời gian điều trị được rút ngắn. Ngược lại, khi phát hiện bệnh đã ở giai đoạn muộn thì nguy cơ biến chứng tăng cao, điều trị phức tạp và rất khó để dứt điểm hoàn toàn bệnh.
Người bệnh cần tiến hành thăm khám để bác sĩ đánh giá chính xác tình trạng bệnh mới có thể đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Thông thường, người bệnh bị viêm loét dạ dày sẽ được chỉ định điều trị theo 2 hướng như sau:
– Viêm loét nhẹ chưa có biến chứng: Áp dụng điều trị nội khoa bằng thuốc cùng kết hợp chế độ ăn uống khoa học, sinh hoạt hợp lý
– Viêm loét nặng kèm theo biến chứng nguy hiểm: Chỉ định phẫu thuật cắt dạ dày.
Bệnh viêm loét dạ dày là một bệnh lý tiêu hóa nguy hiểm và tuyệt đối không thể chủ quan. Mỗi người hãy luôn duy trì chế độ ăn khoa học, điều chỉnh thói quen sinh hoạt lành mạnh và chủ động thăm khám ngay khi cần thiết chính là cách phòng bệnh hiệu quả nhất.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh