✴️ Từ A đến Z về viêm khớp dạng thấp bạn nên tìm hiểu

Nội dung

Viêm khớp dạng thấp là một trong những bệnh thường gặp, nữ giới phổ biến hơn nam giới, khiến người bệnh đau nhức, hạn chế vận động và làm giảm chất lượng cuộc sống. Vậy nguyên nhân chủ yếu của bệnh là gì, triệu chứng và cách điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp ra sao là vấn đề được nhiều người quan tâm.

Nguyên nhân viêm khớp dạng thấp

_ Theo các chuyên gia y tế, nguyên nhân thường gặp ở bệnh nhân viêm khớp dạng thấp là do virus Epstein barr, nó làm thay đổi cấu trúc kháng nguyên của tế bào màng hoạt dịch khớp, làm sinh ra một kháng thể (yếu tố dạng thấp). Chính sự kết hợp kháng thể này và kháng nguyên tạo nên những phức hợp miễn dịch. Phức hợp này kích thích các mô ở khớp sản xuất ra yếu tố gây viêm (prostaglandin, Hageman) và hấp dẫn tập trung bạch cầu đa nhân và đại thực bào, giải phóng các men tiêu thể, phá hủy các mô và gây viêm.

_ Yếu tố giới tính (nữ giới chiếm đa số).

_ Yếu tố di truyền: Nếu trong gia đình bố mẹ bị bệnh khớp thì con cái có nguy cơ mắc viêm khớp cao, chiếm đến 60%.

_ Những người béo phì có nguy cơ mắc bệnh cao.

_ Bên cạnh đó, còn một số yếu tố khác như: Môi trường sống, thời tiết lạnh, cơ thể suy yếu, tuổi tác…

Khớp sưng đau… là triệu chứng tiêu biểu của người viêm khớp dạng thấp

 

Triệu chứng của bệnh

Giai đoạn khởi phát của bệnh viêm khớp dạng thấp có thể kéo dài từ vài tuần rồi mới chuyển sang giai đoạn toàn phát. Người bệnh thường thấy:

_ Sưng các khớp.

_ Đau các khớp nhỏ đối xứng ở tay, chân. Đặc biệt là đau hơn về đêm hay gần sáng, thời tiết lạnh, cứng khớp buổi sáng.

_ Hạn chế vận động: các hoạt động như đánh răng,… vào buổi sáng có thể khóa khăn hơn. Người bệnh thường phải xoa bóp cho nóng lên để các khớp bớt đau và hoạt động dễ dàng hơn.

 

Chẩn đoán viêm khớp dạng thấp

Sau khi thăm khám lâm sàng, bác sĩ có thể chỉ định làm một số xét nghiệm khác như:

– Các xét nghiệm cơ bản: tế bào máu ngoại vi, tốc độ máu lắng,CRP,…

– Các xét nghiệm đặc hiệu (có giá trị chẩn đoán, tiên lượng):

Yếu tố dạng thấp (RF) dương tính trong 60 – 70 % bệnh nhân.

Anti CCP dương tính trong 75 – 80 % bệnh nhân.

Xquang khớp (thường chụp hai bàn tay thẳng hoặc các khớp bị tổn thương).

 

Điều trị như thế nào?

Tùy vào từng trường hợp, cần phải dựa vào nguyên nhân gây bệnh để có phương pháp điều trị thích hợp nhất. Chính vì thế, lời khuyên hữu ích nhất dành cho người viêm khớp dạng thấp là nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa cơ xương khớp càng sớm càng tốt, tránh để lâu bệnh này việc điều trị sẽ khó khăn hơn.

Hiện chưa có thuốc đặc hiệu điều trị viêm khớp dạng thấp, việc điều trị viêm khớp dạng thấp cần kết hợp nhiều yếu tố như điều trị bằng thuốc, vật lý trị liệu, kết hợp với một chế độ ăn uống tập luyện khoa học. Theo các chuyên gia, một chế độ ăn uống cân bằng 4 nhóm thực phẩm, tăng cường các acid béo omega 3 từ cá hồi, cá ngừ, hạt lanh, dầu cải… rất tốt. Nên ăn nhiều trái cây và rau xanh, duy trì cân nặng phù hợp tránh béo phì.

Người bệnh cần vận động nhẹ nhàng. Trong sinh hoạt hàng ngày, tránh đứng hoặc ngồi quá lâu; giữ tư thế thẳng cân đối khi đứng, đi và ngồi. Nên đi bộ hàng ngày khoảng 30 – 60 phút. Khi ngủ, nằm trên đệm phẳng và đảm bảo ngủ đủ giấc. Tắm nước nóng trước khi đi ngủ hoặc buổi sáng sẽ có tác dụng giảm đau.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top