Như thế nào thì được gọi là táo bón?
Từ nhỏ tới lớn chúng ta đã không ít lần trải qua tình trạng bị táo bón, và chúng ta thường định nghĩa, táo bón là tình trạng khó đi ngoài và thường thì vài ngày mới đi đại tiện được 1 lần.
Tuy nhiên trong thực tế thì có những người vẫn đều đặn 2-3 ngày mới đại tiện 1 lần và điều này hoàn toàn không ảnh hưởng gì tới sức khỏe của họ.
Vậy không nhất thiết phải ngày nào cũng đi đại tiện một lần mới được coi là bình thường. Nói chung táo bón là tình trạng khó đại tiện, phân bị rắn lại và kéo dài từ 1-2 lần trong tuần.
Nguyên nhân gây ra táo bón ở người cao tuổi
Quá trình hấp thụ thức ăn sẽ theo hành trình là thức ăn sau khi được co bóp, nhào nặn và nghiền nát tại dạ dày sẽ nhờ các chất enzyme tại đây đưa xuống ruột non. Ruột non có chức năng hấp thụ các chất dinh dưỡng từ lượng thức ăn được đưa xuống này.
Sau đó các chất cặn bã còn lại sẽ được tống xuống ruột già. Tại đây ruột già sẽ hấp thu nốt chút dinh dưỡng còn lại trong thức ăn và sau đó tạo phân, ruột già có nhiệm vụ đóng phân thành khuôn.
Theo quá trình bình thường, sự co bóp trong của thành ruột sẽ tạo ra lực và nhẹ nhàng đẩy khối phân lên phía trước, hoạt động này được gọi là nhu động ruột. Trong lúc này, thành ruột sẽ hấp thu nước có chứa trong phân và để lại một lượng nước vừa đủ để phân được tạo thành khuôn và được đẩy ra ngoài dễ dàng khi phân tới trực tràng và hậu môn.
Theo đó táo bón xảy ra khi có một nguyên nhân nào đó khiến việc phân di chuyển chậm lại khiến thành ruột rút cạn nước trong phân và khiến phân bị rắn lại khi bị đẩy tới hậu môn quá trình thải phân ra rất khó khăn. Hoặc bản thân phân đã thiếu nước do một số nguyên nhân khác.
Và có thể liệt kê một số nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên khi phân không được tống ra ngoài:
– Uống ít nước hoặc không đủ nước cũng khiến cho phân bị thiếu nước.
– Ở người cao tuổi, nguyên nhân gây táo bón chủ yếu đến từ chế độ ăn uống không khoa học như chế độ ăn uống quá ít nước, thiếu chất xơ trong bữa ăn.
– Lười vận động thể chất, ít đi lại
– Việc người già phải sử dụng nhiều thuốc cũng là nguyên nhân gây ra táo bón.
– Một số căn bệnh thường xảy ra ở người già cũng có thể khiến tình trạng táo bón xảy ra như tai biến mạch máu não, suy tuyến giáp và thậm chí là ung thư đại trực tràng.
– Một số loại thuốc có kèm tác dụng phụ gây ra táo bón như thuốc an thần, giảm đau, thuốc chống co thắt, thuốc điều trị bệnh Parkinson, thuốc dành cho người trầm cảm, thuốc hạ huyết áp, thuốc trị đau dạ dày, thuốc ho có chứa codeine,…
Táo bón ở người cao tuổi gây ra biến chứng gì?
Nếu không điều trị táo bón kịp thời sẽ dẫn đến một số biến chứng đối với người cao tuổi:
Khi táo bón, phân bị nêm chặt ở đại trực tràng khiến người cao tuổi phải rặn nhiều dẫn đến tim đập nhanh, mệt mỏi, nguy hiểm hơn là bất tỉnh hoặc đột tử do nhồi máu cơ tim.
Gắng sức nhiều khi đi vệ sinh có thể làm vỡ các phế nang
Người cao tuổi bị táo bón sẽ dẫn đến tình trạng phân chèn lên bàng quang gây bí tiểu tiện, thận ứ nước và trong thời gian dài có thể biến chứng suy thận.
Rặn nhiều khi đi đại tiện còn kéo theo bệnh sa trực tràng, nguy cơ cao bị trĩ nội và trĩ ngoại, nếu bị táo bón lâu kinh niên còn làm tăng nguy cơ ung thư ruột già và trực tràng
Điều trị và phòng ngừa chứng táo bón ở người cao tuổi
Phương pháp điều trị sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây nên, thông thường sẽ điều trị bằng thuốc. Bên cạnh đó việc thay đổi chế độ ăn uống và tăng mức độ hoạt động thể chất là cách dễ nhất và nhanh nhất để điều trị và ngăn ngừa táo bón
Xây dựng chế độ ăn nhiều chất xơ và uống đủ nước để đào thải chất độc hại ra khỏi cơ thể, kích thích hoạt động của tế bào dịch nhầy và làm tăng nhu động ruột.
Luôn giữ tinh thần thoải mái, lạc quan, không căng thẳng, lo âu
Hạn chế tiêu thụ rượu và đồ uống chứa cafein, gây mất nước.
Cắt giảm thực phẩm ít chất xơ, chẳng hạn như thịt, sữa, phô mai và thực phẩm chế biến.
Nếu cảm thấy muốn đi đại tiện, cần đi ngay vì nếu nhịn sẽ khiến phân rắn lại càng khó đi hơn.
Tăng cường tuần hoàn vùng ổ bụng, khả năng hoạt động cơ sàn chậu bằng các bài tập thể dục nhẹ nhàng sẽ giúp đại tiện dễ dàng hơn
Nên rèn thói quen đi đại tiện vào một giờ nhất định, tốt nhất là vào buổi sáng và ngồi đúng tư thế (kê ghế nhỏ dưới hai bàn chân, phần bụng và đùi tạo góc 45 độ
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh