Gãy cẳng chân là gãy một hoặc hai xương cẳng chân, bao gồm tất cả các loại gãy đi từ mâm chày tới mắt cá chân.
Khi chân bị gãy, có những trường hợp bị giập, như vậy không chỉ xương bị tổn thương mà các cơ, gân, dây chằng cũng bị tổn thương theo. Tùy theo từng mức độ thương tổn, bệnh nhân được bó bột hay phải mổ nẹp đinh trong xương và khâu lại phần mềm bị rách, giập.
Sau một thời gian bị cố định, người bệnh hầu như không có sự vận động ở chỗ bị tổn thương cho nên dễ bị mất cảm giác và có biểu hiện teo ở những nơi này. Thậm chí có những trường hợp do đau đớn không chịu vận động đã dẫn đến loét do tỳ đè lâu ngày, thậm chí nhiễm khuẩn hô hấp, tắc mạch chi, giảm phản xạ đại tiểu tiện... đây là biểu hiện hay gặp ở người già.
Vì vậy sau mổ, bó bột người bệnh phải tự giác, kiên trì, chịu đau, phục hồi cử động khớp, duy trì sức cơ, tỷ lệ liền xương sẽ tăng nhờ vận động.
Ngoài ra người bệnh cũng nên có chế độ ăn đủ chất giúp nhanh liền xương, khi bị gãy chân, bạn nên bổ sung các loại thực phẩm cung cấp các vi chất như: canxi, magiê, kẽm, phốt- pho, a-xít folic, vitamin B6, vitamin B12… có trong sữa, cá hồi, chuối, rau xanh, ngũ cốc, thịt bò, trứng…
Bạn cũng cần chú ý những loại thực phẩm gây cản trở cho quá trình tái tạo tổ chức xương mới, tránh sử dụng khi bị gãy xương như: rượu (làm rối loạn hoạt động tế bào xương, khiến xương thoái hóa nhanh hơn), cafin (làm giảm thiểu lượng canxi trong cơ thể).
Sự có mặt cafin trong khẩu phần ăn sẽ làm ngăn trở khả năng hấp thu canxi ở ruột). Trà đặc, sô-cô-la, nước ngọt có gas là những thứ không nên sử dụng trong thời gian xương gãy chưa hồi phục.
Mặt khác, thức ăn nhiều mỡ cũng làm giảm hấp thụ canxi cho cơ thể vì chất béo sẽ kết hợp với canxi tạo nên một dạng chất bọt không hấp thụ và bị thải ra ngoài.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh