Polyp túi mật là bất kỳ tổn thương dạng u nhô lên từ lớp niêm mạc trong lòng túi mật, bao gồm cả tổn thương lành tính (như polyp cholesterol, adenoma) và ác tính (ung thư biểu mô túi mật hoặc tổn thương di căn). Mặc dù đa số các polyp túi mật là lành tính, vẫn tồn tại nguy cơ ác tính hóa, đặc biệt ở một số nhóm nguy cơ cao.
Polyp túi mật
Tỷ lệ phát hiện polyp túi mật vào khoảng 5% dân số, thường phát hiện tình cờ qua siêu âm.
Khoảng 95% polyp là lành tính, phổ biến nhất là polyp cholesterol (chiếm trên 50%), thường gặp ở phụ nữ từ 40–50 tuổi.
Các loại khác gồm:
Adenomyomas (30%): đơn độc, kích thước 10–20 mm, thường ở đáy túi mật.
Polyp ác tính: chiếm khoảng 5%, bao gồm ung thư biểu mô tuyến, carcinoma tế bào vảy, angiosarcoma, hoặc di căn từ nơi khác.
Các yếu tố được ghi nhận có liên quan đến sự hình thành polyp túi mật gồm:
Rối loạn chuyển hóa lipid (tăng cholesterol máu, rối loạn triglycerid).
Đái tháo đường, béo phì.
Viêm gan virus, rối loạn chức năng gan mật.
Viêm đường mật xơ hóa nguyên phát (tăng nguy cơ ác tính hóa).
Tuy nhiên, đến nay chưa có bằng chứng xác lập mối liên hệ nhân quả rõ ràng giữa các yếu tố này với cơ chế hình thành polyp túi mật.
Phần lớn polyp túi mật không có triệu chứng và được phát hiện tình cờ. Khi có triệu chứng, thường gặp:
Đau tức vùng hạ sườn phải hoặc vùng thượng vị, có thể lan ra sau lưng.
Buồn nôn, đầy bụng, khó tiêu.
Co cứng nhẹ thành bụng vùng hạ sườn phải.
Không giống như sỏi túi mật, polyp thường không gây viêm cấp hay tắc mật, ít có biểu hiện cấp tính.
Đau sườn phải, đau tức bụng là triệu chứng thường gặp ở người bị polyp túi mật
Là phương pháp đầu tay, cho thấy hình ảnh tăng âm bám vào thành túi mật, không di động và không có bóng cản.
Phân biệt với sỏi: polyp không di chuyển theo tư thế, không tạo bóng cản âm.
Polyp cholesterol: thường nhỏ, đa polyp, có cuống, kích thước <10mm.
Adenoma: đơn độc, lớn hơn, không cuống, có thể có mạch máu bên dưới.
Nếu kích thước polyp ≥10 mm, nguy cơ ác tính từ 37–88%.
Siêu âm nội soi (EUS) hoặc MRI gan mật (MRCP) giúp đánh giá rõ hơn bản chất tổn thương.
Xét nghiệm máu: CA 19-9, CEA, men gan, bilirubin giúp định hướng nếu nghi ngờ ác tính hoặc có tắc mật.
Loại polyp | Đặc điểm chính | Tỷ lệ gặp |
---|---|---|
Polyp cholesterol | Nhỏ, đa polyp, có cuống, tăng âm | >50% |
Adenoma | Đơn độc, không cuống, có mạch máu | ~30% |
Ác tính (ung thư) | Kích thước >10mm, không cuống, dính vào thành | ~5% |
Di căn, hiếm gặp | Ung thư từ nơi khác đến túi mật | Rất hiếm |
Phẫu thuật cắt túi mật nội soi được chỉ định trong các trường hợp:
Polyp có kích thước ≥10 mm.
Polyp <10 mm nhưng có nguy cơ ác tính cao:
Người bệnh >50 tuổi.
Có kèm sỏi túi mật.
Có triệu chứng đau, sốt tái diễn.
Polyp tăng kích thước nhanh trong quá trình theo dõi.
Polyp đơn độc, không cuống, có tăng sinh mạch máu trên siêu âm.
Đặc điểm polyp | Xử trí |
---|---|
<5mm, không triệu chứng | Theo dõi mỗi 12 tháng |
6–9mm, không triệu chứng | Theo dõi mỗi 6 tháng |
≥10mm hoặc có triệu chứng | Phẫu thuật cắt túi mật |
Tăng kích thước nhanh hoặc nghi ngờ ác tính | Cắt túi mật sớm, kết hợp thăm dò thêm |
Phẫu thuật nội soi là phương pháp ít xâm lấn, hiệu quả, giúp người bệnh hồi phục nhanh, ít biến chứng.
Khám sức khỏe định kỳ (6–12 tháng/lần) giúp phát hiện sớm polyp túi mật không triệu chứng.
Kiểm soát các yếu tố nguy cơ: rối loạn lipid máu, béo phì, đái tháo đường, viêm gan virus.
Khi phát hiện polyp, cần theo dõi sát bằng siêu âm định kỳ và có chỉ định mổ khi đủ tiêu chuẩn.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh