✴️ Hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật thiết lập và vận hành Ngân hàng sữa mẹ (P2)

Nội dung

QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG 

Giao nhận, vận chuyển sữa mẹ hiến tặng thanh trùng

Quá trình cung cấp SMTT được bắt đầu bằng việc xác định và tổng hợp nhu cầu sử dụng tại các đơn vị nhận SMTT. 

Việc gửi yêu cầu lượng SMTT cần sử dụng tới NHSM được thực hiện thông qua phần mềm đăng ký, email hoặc điện thoại hoặc phiếu yêu cầu từ các đơn vị nhận SMTT. Thời gian và tần suất thực hiện do NHSM và các đơn vị nhận SMTT (bao gồm NHSMVT) thống nhất. 

Sau khi nhận thông tin từ đơn vị nhận SMTT, nhân viên NHSM chịu trách nhiệm:

Tổng hợp lượng SMTT theo các yêu cầu.

Rà soát thể tích sữa đạt chất lượng có sẵn trong NHSM tại thời điểm đó và thông báo việc phân phối SMTT cho từng khoa/phòng liên quan.

Nhân viên NHSM chịu trách nhiệm ghi chép vào sổ nhật ký bàn giao cho các đơn vị với đầy đủ thông tin các chai sữa đã được chuyển tới các khoa/phòng liên quan.

SMTT được vận chuyển tới đơn vị nhận sữa trong thùng vận chuyển lạnh riêng, không dùng chung thùng vận chuyển với SMHT thô. Các chai đựng SMTT được đặt trong hộp cùng với túi đá gel chèn chặt xung quanh, dùng xe đẩy để hạn chế tối đa rung lắc trong quá trình vận chuyển. Khi vận chuyển SMTT tới NHSMVT, cần đảm bảo theo dõi nhiệt độ thùng vận chuyển lạnh bằng nhiệt kế suốt quá trình vận chuyển.Các chai sữa còn đông đá 100% khi tới điểm nhận SMTT, sau đó đượcnhanh chóng chuyển vào tủ trữ đông dưới -18 độ C.

Trước khi giao, nhận SMTT, nhân viên NHSM và điều dưỡng/nữ hộ sinh của các đơn vị nhận sữa chịu trách nhiệm kiểm tra chất lượng sữa: nắp vặn chặt, nhãn dán, thông tin trên nhãn bao gồm tên trẻ, số phòng/giường, số ml và hạn sử dụng. 

Rã đông

Sữa mẹ thanh trùng cần được rã đông để sử dụng trong vòng 6 tháng kể từ ngày vắt.

Áp dụng hai phương pháp rã đông:

Rã đông chậm 24 giờ trong tủ lạnh tại NHSM ở nhiệt độ ≤ 4 độ C. Sữa rã đông theo phương pháp rã đông chậm được bảo quản trong tủ lạnh ở nhiệt độ ≤ 4 độ C và nên sử dụng trong vòng 24 giờ tính từ khi rã đông hoàn toàn. Nếu quá thời gian trên cần phải hủy sữa theo quy định của NHSM.

Rã đông nhanh ở nhiệt độ phòng hoặc trong nước đã đun sôi, có nhiệt độ ≤37 độ C đến khi SMTT rã đông hoàn toàn. Sữa rã đông bằng phương pháp rã đông nhanh nếu được bảo quản trong tủ lạnh ≤ 4 độ C sử dụng được trong vòng 4 giờ tính từ khi rã đông hoàn toàn. Nếu quá thời gian trên cần phải hủy sữa theo quy định của NHSM.

Ở nhiệt độ phòng, sữa đã rã đông hoàn toàn nên được sử dụng trong vòng 2 – 3 giờ đối với trẻ sơ sinh đang được chăm sóc tại đơn vị sơ sinh, 3 – 4 giờ đối với trẻ sơ sinh khỏe mạnh.

Chia sữa

SMTT được chia vào các lọ nhỏ dưới tủ thao tác vô trùng phù hợp với nhu cầu của từng trẻ. 

Các dụng cụ dùng cho trẻ ăn SMTT cần được xử lý theo quy định của bệnh viện.

Việc sử dụng SMTT có thể được thực hiện bởi nhân viên y tế hoặc bà mẹ/người chăm sóc trẻ nhận SMTT được đào tạo về thực hành vệ sinh và sử dụng SMTT.

Chỉ định sử dụng sữa mẹ thanh trùng

Bác sĩ, điều dưỡng hoặc nữ hộ sinh liên quan đến chăm sóc điều trị trẻ đã được đào tạo sẽ chỉ định sử dụng SMTT cho trẻ.

Việc sử dụng SMHT chỉ thực hiện tạm thời khi bà mẹ vì lý do đặc biệt chưa đủ sữa cho con mình. Dừng sử dụng SMTT cho trẻ khi có sữa của mẹ đẻ hoặc khi NHSM hết sữa.

Chỉ định đối với trẻ xếp thứ tự ưu tiên như sau:

Trẻ sinh non < 32 tuần hoặc cân nặng <1.500 gam.

Sơ sinh có bệnh tim bẩm sinh phức tạp.

Sơ sinh bệnh lý nặng/sau phẫu thuật, đặc biệt bệnh lý về tiêu hóa.

Sơ sinh non tháng hoặc nhẹ cân không bệnh lý.

Sơ sinh đủ tháng con của bà mẹ đã từng hiến sữa.

Sơ sinh đủ tháng không bệnh lý.

Trẻ dưới 6 tháng có bệnh lý đặc biệt (ung thư, suy giảm miễn dịch, bệnh tim, bệnh đường tiêu hóa….).

Chỉ định vì lý do của bà mẹ:

Bà mẹ vắng mặt do sức khỏe hoặc đã mất.

Bà mẹ đang điều trị các thuốc chống chỉ định cho con bú.

Bà mẹ quá suy nhược sau sinh không thể vắt sữa hoặc cho con bú đều đặn.

Hướng dẫn sử dụng sữa mẹ thanh trùng

Người thực hiện

Nhân viên y tế đơn vị nhận SMTT được đào tạo về nuôi con bằng sữa mẹ, bảo quản và sử dụng SMTT.

Nội dung hướng dẫn

Nguy cơ nhiễm khuẩn trong quá trình cho trẻ ăn SMTT và các biện pháp phòng ngừa;

Thực hành rửa tay;

Thực hành vệ sinh dụng cụ cho trẻ ăn;

Cách cho trẻ ăn SMTT bằng thìa, cốc;

Bảo quản SMTT;

Các tình huống phát sinh cần sự hỗ trợ từ nhân viên y tế;

Các nội dung về NCBSM bao gồm cơ chế tạo sữa, cách duy trì nguồn sữa mẹ, các dấu hiệu sẵn sàng bú, cách cho trẻ bú mẹ đúng trước khi sử dụng SMTT.

 

PHẦN III - QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG, GIÁM SÁT, THEO DÕI VÀ BÁO CÁO

QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG

Nguyên tắc thực hiện

Đảm bảo các thông tin cần thiết được ghi chép và lưu trữ liên tục, cho phép NHSM truy xuất nguồn gốc và quá trình xử lý SMHT khi cần thiết. Theo dõi và theo dấu SMHT từ bà mẹ hiến tặng đến người nhận. 

Áp dụng các nguyên tắc phân tích mối nguy và kiểm soát điểm tới hạn (HACCP) trong tất cả các quy trình đảm bảo chất lượng.

Các quy trình chuẩn trong từng công đoạn được xây dựng, phê duyệt và được tất cả các nhân viên chịu trách nhiệm thực hiện tuân thủ. Xem Phụ lục 2 Danh mục quy trình thực hành chuẩn.

Trang thiết bị và dụng cụ sử dụng trong quá trình vắt sữa, bảo quản, vận chuyển, xử lý và sử dụng SMHT cần được:

Vệ sinh, khử khuẩn và bảo quản theo quy định hiện hành của bệnh viện;

Bảo dưỡng định kỳ;

Vận hành theo hướng dẫn của nhà sản xuất;

Kiểm tra các thiết bị theo hướng dẫn hoặc khuyến cáo của nhà sản xuất, chú ý các trang thiết bị cần theo dõi nhiệt độ và có bộ phận cảnh báo quá mức giới hạn.

Đào tạo liên tục cho tất cả các nhân viên của NHSM và nhân viên được phân công từ các khoa, phòng liên quan đến hoạt động của NHSM; hoạt động đào tạo cần được ghi chép lại đầy đủ.

Thực hiện giám sát tuân thủ quy trình chuẩn và giám sát chất lượng định kỳ.

Theo dõi và theo dấu sữa mẹ hiến tặng

Nguyên tắc thực hiện

Thực hiện theo dấu dòng đi SMHT từ bà mẹ hiến tặng cho tới trẻ nhận SMTT.

Nội dung theo dõi dòng đi SMHT bao gồm các thông tin về nhiệt độ tủ đông bảo quản sữa, quá trình thanh trùng, kết quả xét nghiệm và các thông tin cho phép kiểm soát việc hết hạn SMHT - kiểm soát kho.

Tại tất cả các công đoạn, chai SMHT cần được dán nhãn phù hợp dễ dàng nhận dạng nguồn sữa và tình trạng sữa (sữa thô, sữa đã thanh trùng chờ kết quả vi sinh, sữa đã thanh trùng sẵn sàng sử dụng).

Hồ sơ được lưu trữ tại NHSM, NHSMVT hoặc phòng lưu trữ hồ sơ của BV theo quy định lưu trữ bệnh án hiện hành của Bộ Y tế. Nếu sử dụng hồ sơ điện tử vẫn giữ nguyên tắc lưu trữ tương tự.

Thông tin cần có trên nhãn chai sữa

 

Quy định về lưu trữ hồ sơ

Tại NHSM, cần lưu trữ các hồ sơ sau trong vòng 10 năm:

Tại đơn vị tiếp nhận SMTT, cần lưu trữ Hồ sơ về trẻ nhận SMTT với các thông tin về chai sữa trẻ sử dụng, cụ thể gồm:

Tên, ngày tháng năm sinh của trẻ nhận sữa, ngày vào khoa/ phòng.

Chỉ định sử dụng SMTT.

Bản đồng thuận sử dụng SMTT.

Số hiệu chai sữa, lượng sữa và ngày sử dụng được ghi chép trong bệnh án của trẻ nhận sữa.

Điều kiện của chai sữa tại thời điểm nhận về từ NHSM.

Các điều kiện bảo quản chai SMTT tại đơn vị tiếp nhận SMTT.

Tại NHSMVT, cần lưu trữ Hồ sơ về bà mẹ hiến tặng và Hồ sơ về trẻ nhận SMTT. Các hồ sơ này được liên kết chia sẻ với NHSM chính để đảm bảo có thể theo dõi và theo dấu sữa khi có sự cố.

HACCP đối với vận hành Ngân hàng sữa mẹ

Mục tiêu 

Áp dụng HACCP để xác định, phòng ngừa, loại trừ hoặc giảm thiểu tới mức cho phép các mối nguy sinh học, hóa học hoặc vật lý có thể xuất hiện trong qui trình vắt sữa, thu nhận, vận chuyển, bảo quản, xử lý và phân phối SMTT, đảm bảo tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Người thực hiện

Đội quản lý chất lượng HACCP là bác sĩ, điều dưỡng, nữ hộ sinh sản, nhi sơ sinh thuộc các đơn vị chuyên môn về vi sinh, kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện, quản lý chất lượng. 

Nhiệm vụ

Xây dựng kế hoạch HACCP hoạt động NHSM và rà soát điều chỉnh định kỳ hàng năm hoặc khi có thay đổi quy trình. 

Thực hiện giám sát khả năng đạt mức tới hạn của các điểm kiểm soát trọng yếu đã xác định;

Thẩm định kiểm tra quá trình giám sát các điểm kiểm soát tới hạn, đảm bảo quá trình giám sát được thực hiện thường xuyên;

Thẩm định hiệu quả của hoạt động khắc phục khi điểm kiểm soát trọng yếu vượt ngưỡng tới hạn;

Thẩm định hiệu quả của các biện pháp phòng ngừa các mối nguy hại.

 

GIÁM SÁT

Giám sát của bệnh viện

Giám sát chuyên môn định kỳ NHSM theo các quy trình giám sát chất lượng hiện hành của Bộ Y tế.

Giám sát tuân thủ quy trình chuẩn được thực hiện tại nội bộ từng đơn vị. Giám sát hàng tuần hoặc hàng ngày hoặc khi có sự cố trong quá trình hoạt động liên quan đến thu nhận, bảo quản, sàng lọc SMHT và sử dụng SMTT do Trưởng các đơn vị thực hiện hoặc nhân viên được phân công. 

Giám sát chất lượng do nhóm HACCP thực hiện, đầu mối là phòng Quản lý chất lượng bệnh viện giám sát định kỳ/đột xuất. Tần suất giám sát của phòng Quản lý chất lượng: hàng tháng hoặc khi có sự cố trong quá trình hoạt động của NHSM do nhân viên/Trưởng phòng Quản lý chất lượng thực hiện.

Giám sát của Sở Y tế

Hằng năm, Sở Y tế tổ chức giám sát triển khai hoạt động và quy trình vận hành của NHSM, bao gồm: Giám sát Quy trình sàng lọc người hiến tặng; Bảo quản, thanh trùng và sàng lọc SMHT; Quản lý và sử dụng SMTT; Lưu trữ các hồ sơ, tài liệu hoạt động NHSM (Bảng kiểm giám sát chất lượng, Phụ lục 3).

Giám sát của Bộ Y tế và cơ quan hỗ trợ kỹ thuật

Bộ Y tế và cơ quan hỗ trợ kỹ thuật (như FHI 360/ Alive & Thrive…) tiến hành giám sát định kỳ/đột xuất khi có yêu cầu.

 

THEO DÕI VÀ BÁO CÁO 

Mục đích

Cung cấp số liệu thường quy để tối ưu hoá hoạt động của NHSM. 

Đảm bảo hoạt động NHSM an toàn theo đúng quy trình chuẩn. 

Đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc hai chiều của từng mẫu sữa.

Cung cấp số liệu cho các nghiên cứu.

Thu thập và tổng hợp báo cáo:

Nhân viên NHSM và khoa phòng với sự hỗ trợ của người quản lý NHSM sẽ thu thập, quản lý số liệu. 

Hàng tháng, nhân viên NHSM sẽ tổng hợp báo cáo tháng.

Danh mục biểu mẫu và chỉ số báo cáo 

Hệ thống theo dõi và giám sát gồm 11 biểu mẫu (Bảng 2): 01 biểu mẫu báo cáo chung (BC 1); 03 biểu mẫu liên quan tới bà mẹ hiến tặng (BM 1 - BM 3), 03 biểu mẫu liên quan tới hoạt động ngân hàng (NH 1 - NH 3) và 04 biểu mẫu liên quan tới khoa và khách hàng (KH 1 - KH 4). Chi tiết các biểu mẫu tại Phụ lục 4.

NHSM và NHSMVT nên áp dụng phần mềm điện tử với các tính năng KHÔNG cho phép:

Cấp mã bà mẹ hiến tặng khi chưa đủ xét nghiệm sàng lọc còn hạn và phiếu đồng thuận.

Thanh trùng SMHT thô đã quá 3 tháng kể từ ngày vắt.

Sử dụng chai sữa thiếu hoặc có kết quả cấy vi sinh trước và sau thanh trùng không đạt.

Rã đông SMTT đã quá 6 tháng kể từ ngày vắt.

Sử dụng SMTT đã quá 24 tiếng kể từ khi rã đông hoàn toàn theo phương pháp rã đông chậm.

Hàng tháng, nhân viên NHSM sẽ tổng hợp báo cáo các chỉ số theo mẫu BC1, Phụ lục 4.

Hàng quý, NHSM sẽ báo cáo về phòng KHTH và hàng năm, NHSM sẽ báo cáo về SYT và BYT theo các chỉ số sau: 

Số lít SMHT thô thu nhận được.

Số lượng bà mẹ hiến tặng sữa.

Số lít SMHT không đạt tiêu chuẩn vi sinh trước thanh trùng.

Số lít SMTT không đạt tiêu chuẩn vi sinh sau thanh trùng.

Số lít SMTT hủy do không đạt tiêu chuẩn vi sinh trước và sau thanh trùng.

Số lít SMTT đạt tiêu chuẩn vi sinh sẵn sàng cho sử dụng.

Số lít SMTT đạt tiêu chuẩn vi sinh đã sử dụng.

Số lượng trẻ được nhận SMTT.

Số lượng trẻ có biến cố bất lợi sau khi sử dụng SMTT.

Ngân hàng sữa mẹ vệ tinh có trách nhiệm báo cáo số liệu thuộc mục 1, 2, 3, 7 về NHSM chính (liên kết) để tổng hợp báo cáo.

Danh mục các biểu mẫu

 

PHẦN IV - CƠ SỞ VẬT CHẤT, TRANG THIẾT BỊ, NHÂN SỰ

CƠ SỞ VẬT CHẤT

Vị trí đặt ngân hàng sữa mẹ:

Thuận tiện đi lại giữa các khoa liên quan (khoa nhi-sơ sinh, hậu sản, kiểm soát nhiễm khuẩn, xét nghiệm), thuận tiện cho công tác truyền thông, vận động hiến tặng sữa mẹ và NCBSM. NHSM nên được đặt gần đơn vị sơ sinh.

Không gian đủ rộng cho các phòng chức năng, sạch sẽ, khô thoáng, xa nguồn nhiễm khuẩn như nhà vệ sinh công cộng, căng tin, khoa truyền nhiễm.

Các phòng chức năng: 

Phòng tư vấn và vắt/nhận sữa mẹ: là nơi thực hiện các hoạt động truyền thông, vận động, tư vấn và vắt sữa. Tiêu chuẩn phòng sạch, đảm bảo tối thiểu 2 – 3 góc riêng tư có rèm che và dụng cụ để bà mẹ vắt, trữ sữa.

Phòng trữ sữa thô: là khu vực sạch đựng sữa mẹ hiến tặng trữ đông và rã đông trước khi thanh trùng. Tiêu chuẩn phòng sạch, đảm bảo tối thiểu một tủ trữ đông âm sâu đựng sữa mẹ hiến tặng thô và một tủ lạnh rã đông sữa chuẩn bị cho thanh trùng.

Phòng thanh trùng sữa: là khu vực sạch dành cho việc xử lý SMHT. Tiêu chuẩn phòng vô trùng, nhiệt độ phòng luôn dưới 25 độ C, thông khí tốt. Lý tưởng cần đảm bảo 2 nguồn nước nóng và lạnh cho máy thanh trùng, áp lực nguồn nước đủ mạnh, bề mặt được làm bằng chất liệu dễ vệ sinh, không bám bẩn, có bồn rửa tay, có các cửa sổ riêng biệt dành cho chuyển đồ sạch. Diện tích đủ rộng để có thể bố trí tối thiểu một máy thanh trùng, một tủ trữ sữa đã thanh trùng đang chờ kết quả vi sinh, một tủ trữ sữa đã thanh trùng đạt yêu cầu vi sinh và một tủ mát để rã đông sữa mẹ thanh trùng chia cho sử dụng.

Phòng chia sữa: là khu vực sạch để chia SMTT thành phẩm vào hộp đựng chuyển về đơn vị sử dụng. Tiêu chuẩn phòng sạch, đảm bảo diện tích để một tủ cấy vi sinh và một tủ mát rã đông sữa mẹ thanh trùng chia cho sử dụng.

Phòng rửa dụng cụ: dành cho việc làm sạch dụng cụ trộn sữa, vắt sữa và bình sữa trước khi chuyển đến khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn để tiệt khuẩn dụng cụ. Cần đảm bảo đường thoát nước tránh ứ đọng.

Phòng dụng cụ sạch: là nơi lưu giữ dụng cụ và vật tư tiêu hao đã được tiệt khuẩn hoặc làm sạch. Cần đảm bảo lối vào riêng thuận tiện cho việc giao nhận dụng cụ hàng ngày. - Lối vào hành lang chung của khu vực sạch: phòng xử lý sữa và kho đồ sạch được thiết kế để hạn chế tối đa việc qua lại không cần thiết.

Cần bố trí phòng, cửa ra vào, cửa sổ đảm bảo đường đi sạch và đường đi bẩn một chiều. Hạn chế tối đa viêc qua lại không cần thiết vào khu vực phòng thanh trùng sữa và phòng dụng cụ sạch.  Ngân hàng sữa mẹ vệ tinh cần tối thiểu 02 phòng: Phòng tư vấn, vắt/nhận sữa mẹ và trữ sữa thô, phòng bảo quản SMTT và chia sữa cho trẻ sử dụng.  

Sơ đồ 4. Mặt bằng tổng thể Ngân hàng sữa mẹ

 

TRANG THIẾT BỊ

Trang thiết bị bảo quản và xử lý sữa tại NHSM

Tủ trữ đông âm sâu: 

Số lượng tối thiểu: 03 (trong đó 01 tủ trữ sữa thô đông lạnh gọi là tủ trữ đông 1, 01 tủ trữ sữa đã thanh trùng đang chờ kết quả vi sinh gọi là tủ trữ đông 2 và 01 tủ trữ sữa đã thanh trùng đạt yêu cầu vi sinh, sẵn sàng cho sử dụng gọi là tủ trữ đông 3).

Yêu cầu kỹ thuật tối thiểu: đảm bảo nhiệt độ dưới -20 độ C (lý tưởng ở mức -30 độ C đến -25 độ C). Để đề phòng thoát nhiệt, khi mở tủ phải có thiết bị theo dõi nhiệt độ từ bên ngoài tủ và chuông báo động. 

Yêu cầu kỹ thuật tối ưu: có khóa, có cửa kính để tránh mở tủ khi cần quan sát bên trong, không có khe sắc nhọn để đảm bảo an toàn và dễ vệ sinh.

Tủ lạnh: 

Số lượng tối thiểu: 02 (trong đó 01 tủ dành cho rã đông sữa thô đông lạnh chuẩn bị cho thanh trùng và 01 tủ dành cho rã đông sữa mẹ thanh trùng để chia sữa cho sử dụng).

Yêu cầu kỹ thuật tối thiểu: đảm bảo nhiệt độ từ 2 đến 4 độ C, phải có thiết bị theo dõi nhiệt độ từ bên ngoài tủ. Lý tưởng có chuông báo động nhiệt độ cài đặt. 

Yêu cầu kỹ thuật tối ưu: có khóa, có cửa kính để tránh mở tủ khi cần quan sát bên trong, không có khe sắc nhọn để đảm bảo an toàn và dễ vệ sinh.

Máy thanh trùng: 

Số lượng tối thiểu: 01, tốt nhất có 02 máy để luân phiên sử dụng khi gặp sự cố.

Yêu cầu kỹ thuật tối thiểu: khả năng thanh trùng từ 9 lít một lần. Máy thanh trùng sữa được thiết kế để xử lý nhiệt ở mức 62,5 độ C (+/- 0.5 độ C) trong 30 phút (+5 phút); sau đó làm lạnh nhanh xuống mức 4 độ C (+ 0.5 độ C). Máy phải kết nối được với máy tính đảm bảo hiển thị và lưu được thông tin của các đợt thanh trùng. Nguồn điện 220240V/50Hz.

Tủ cấy vi sinh: dùng để bảo vệ sữa mẹ không bị nhiễm khuẩn bởi các vi sinh vật trong không khí khi thực hiện thao tác trộn sữa trước thanh trùng, lấy mẫu xét nghiệm và chia sữa sau thanh trùng.

Số lượng tối thiểu: 01, tốt nhất có 02 tủ (01 tủ để thao tác trộn sữa trước thanh trùng, 01 tủ để thao tác chia sữa sau thanh trùng).

Yêu cầu kỹ thuật tối thiểu: Tủ dòng thổi đứng có độ ồn thấp và tiết kiệm năng lượng. Màng lọc đạt tiêu chuẩn EN-1822 (H14), Châu Âu. Hệ thống điều khiển vi xử lý hiển thị mọi thông tin trên một màn hình. Buồng thao tác bằng thép không rỉ, thiết kế với khả năng chịu ăn mòn hóa chất, dễ dàng vệ sinh và bề mặt ngoài phủ sơn kháng khuẩn.

Nguồn điện 220-240V/50Hz.

Nguồn điện:

NHSM cần được sử dụng nguồn điện ưu tiên 24/24.

Trang thiết bị bảo quản và xử lý sữa tại Ngân hàng sữa mẹ vệ tinh:

Cần tối thiểu: 02 tủ đông âm sâu (01 tủ trữ sữa thô đông lạnh, 01 tủ trữ sữa đã thanh trùng đạt yêu cầu vi sinh, sẵn sàng cho sử dụng), 01 tủ lạnh (dành cho rã đông sữa mẹ thanh trùng để chia sữa cho sử dụng). Lý tưởng được trang bị thêm 01 tủ cấy vi sinh (để thao tác chia sữa mẹ thanh trùng). 

Trang thiết bị dành cho vắt sữa thô

Máy vắt sữa cấu hình mạnh loại dùng cho bệnh viện: Đặt tại các vị trí vắt sữa chung cho nhiều người. 

Máy vắt sữa cá nhân: Cho các bà mẹ hiến tặng sữa mượn nếu bà mẹ không có máy vắt của riêng mình. 

Máy rửa và máy sấy dụng cụ

Máy rửa dụng cụ: dùng rửa sạch dụng cụ sử dụng nhiều lần như bình đựng sữa trộn bằng inox, dụng cụ khuấy sữa và bình sữa, các bộ phận cần vệ sinh của máy hút sữa trước khi chuyển đến khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn. Số lượng tối thiểu: 01. Yêu cầu kỹ thuật tối thiểu: có thể vận hành ở nhiệt độ 66-74°C và nhiệt độ tráng 82-91°C. 

Máy sấy: giúp làm khô dụng cụ nhanh chóng, thuận tiện cho công tác tiệt khuẩn dụng cụ. Số lượng tối thiểu: 01.

Trang thiết bị dành cho văn phòng và công tác giáo dục truyền thông

Máy tính, máy in thường, máy in nhãn chuyên dụng đảm bảo nhãn in còn nguyên vẹn trong suốt quá trình thanh trùng sữa;

Bộ tivi, video, tờ rơi phục vụ giáo dục truyền thông;

Bàn ghế, kệ tủ. 

Vật tư tiêu hao: 

Hóa chất, vật tư dành cho vệ sinh các bề mặt tại các phòng chức năng;

Dung dịch rửa tay;

Túi/thùng bảo quản lạnh cho việc vận chuyển sữa thô và sữa thanh trùng và túi đá gel để bảo quản lạnh trong quá trình vận chuyển. Số lượng tối thiểu: 02 thùng riêng biệt cho vận chuyển sữa mẹ hiến tặng thô và sữa mẹ thanh trùng.

Bình đựng sữa: loại 130ml và 250ml, có khả năng chịu nhiệt tốt, phù hợp với máy thanh trùng; sử dụng nhiều lần hoặc một lần.

 

NHÂN LỰC

Tùy thuộc vào quy mô phục vụ của NHSM và nhân sự hiện có để bố trí số lượng nhân lực cho từng vị trí và phân công nhân lực cho phù hợp. Tối thiểu cần:

Trưởng NHSM: 

Yêu cầu có chuyên môn về CSSK bà mẹ, trẻ em và NCBSM. Chịu trách nhiệm điều phối tất cả các hoạt động của NHSM gồm:

Lập kế hoạch, phát triển và thực hiện các hoạt động của ngân hàng sữa mẹ;

Giám sát, đánh giá các hoạt động và việc tuân thủ các quy trình của ngân hàng sữa mẹ;

Cung cấp hướng dẫn lâm sàng và kết nối/điều phối các khoa/phòng tại bệnh viện; - Ký phê duyệt các quyết định liên quan đến sàng lọc và tuyển chọn BMHT, sàng lọc sữa hiến tặng và sử dụng SMHT trong chuỗi các hoạt động của qui trình vận hành NHSM.

Điều phối NHSM: 

Có kiến thức và kỹ năng trong tất cả các quy trình của NHSM gồm:

Quản lý công việc hàng ngày tại NHSM 

Trực tiếp giám sát sự tuân thủ toàn bộ các quy trình NHSM

Tuyển chọn bà mẹ hiến sữa

Báo cáo công việc cho trưởng NHSM

Nhân viên hỗ trợ NCBSM và quản lý BMHT: 

Thực hiện các nhiệm vụ sau:

Tư vấn hỗ trợ NCBSM tại phòng truyền thông tư vấn;

Kêu gọi, sàng lọc và tuyển chọn bà mẹ hiến tặng sữa;

Hướng dẫn, hỗ trợ và giám sát toàn bộ quy trình liên quan đến bà mẹ hiến tặng sữa: vệ sinh, vắt sữa, bảo quản sữa, xử lý dụng cụ;

Thu nhận sữa mới vắt và vận chuyển sữa về NHSM;

Ghi chép số liệu liên quan đến sữa thô mới vắt;

Ghi chép số liệu báo cáo hàng tháng, quý, năm cho Bệnh viện, Sở Y tế và các đơn vị liên quan.

Nhân viên kỹ thuật bảo quản, thanh trùng và sàng lọc SMHT

Thực hiện các nhiệm vụ sau:

Trộn sữa, thanh trùng;

Bảo quản sữa đã thanh trùng;

Đưa mẫu sữa đi xét nghiệm và giám sát các XN vi sinh;

Hủy sữa không đạt yêu cầu;

Quản lý vật tư tiêu hao;

Hỗ trợ tư vấn về NCBSM;

Ghi chép, báo cáo và lưu giữ hồ sơ liên quan.

Nhân viên quản lý việc sử dụng SMTT

Thực hiện các nhiệm vụ sau:

Rã đông và chia sữa;

Giám sát đơn vị nhận SMTT;

Quản lý trẻ nhận SMTT;

Vận chuyển, giao nhận và hướng dẫn bảo quản sữa tại các đơn vị nhận SMTT;

Hỗ trợ tư vấn về NCBSM;

Ghi chép và lưu giữ hồ sơ liên quan.

Hộ lý: 

Chịu trách nhiệm vệ sinh các phòng chức năng (nếu đơn vị không có công ty vệ sinh riêng), rửa và hỗ trợ khâu tiệt trùng bình sữa và các máy hút sữa. Vận chuyển các XN sàng lọc bà mẹ hiến tặng sữa và sàng lọc sữa.

 

PHẦN V - TỔ CHỨC THỰC HIỆN

BỘ Y TẾ 

Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em là đầu mối hướng dẫn, tổ chức thực hiện, phối hợp với Cục Quản lý khám chữa bệnh và các đơn vị liên quan:

Chủ trì và phối hợp xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật/hướng dẫn quy trình chuyên môn về hoạt động ngân hàng sữa mẹ; xây dựng kế hoạch, hướng dẫn chuyên môn có liên quan đến sữa mẹ hiến tặng, trình Bộ trưởng Bộ Y tế hoặc cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Chủ trì và phối hợp tổ chức đánh giá việc triển khai ứng dụng các kỹ thuật mới, kỹ thuật cao trong hoạt động ngân hàng sữa mẹ theo quy định của pháp luật.

Tổ chức đánh giá việc triển khai hoạt động của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có ngân hàng sữa mẹ theo quy định của pháp luật.

Tổ chức các hội đồng chuyên môn giải quyết các vấn đề về chuyên môn, kỹ thuật, chỉ đạo, hướng dẫn các hoạt động nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực hoạt động ngân hàng sữa mẹ.

Chỉ đạo, hướng dẫn, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý nhà nước và chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ quản lý trong hoạt động ngân hàng sữa mẹ.

Chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, thống kê số liệu, xây dựng cơ sở dữ liệu trong quản lý hoạt động ngân hàng sữa mẹ.

Xem tiếp

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top