Chứng đau cổ ở trẻ nhỏ và trẻ vị thành niên vẫn chưa được nghiên cứu một cách rộng rãi và hệ thống. Tuy nhiên theo một bài báo xuất bản năm 2014 trên tạp chí Brazilian Journal of Physical Therapy, những chứng bệnh như đau cổ và đau lưng là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tàn tật ở thanh thiếu niên, khoảng 25% trường hợp có ảnh hưởng đến việc tham gia các hoạt động thể chất và học tập tại trường học.
Học cách để phát hiện các chấn thương ở trẻ và biết được các nguyên nhân có thể gây nên chứng đau cổ là kỹ năng quan trọng những bậc phụ huynh cần phải có. Nó sẽ giúp cha mẹ biết được lúc nào là cần thiết phải đưa trẻ tới bác sỹ để kiểm tra. Nhiều những chấn thương nhỏ có thể điều trị được tại nhà và có thể khỏi trong vòng vài ngày.
Đau cổ ở trẻ em có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. Nếu con bạn khá năng động và có tham gia các hoạt động thể thao, khả năng cao chứng đau cổ có thể là do trẻ đã bị bong gân hoặc căng cơ khi chơi thể thao. Đau cổ cũng có thể là di chứng sau một tai nạn giao thông hay do bị ngã. Ngồi, ngủ, sử dụng máy tính hay mang vác vật nặng sai tư thế cũng là những yếu tố nguy cơ dẫn đến đau cổ. Tình trạng sưng của các hạch bạch huyết do phản ứng với nhiễm trùng cũng có thể gây cơn đau cổ.
Theo tạp chí Chiropractic and Manual Therapies, đau cổ và đau lưng là các triệu chứng khá phổ biến ở trẻ em, tuy nhiên cơn đau nói chung thường nhẹ và có tính tạm thời. Một số trẻ có thể bị đau nặng hơn, cơn đau nhẹ sẽ lan dần sang các khu vực của cột sống và cường độ đau mạnh hơn, sau này sẽ dẫn tới các bệnh về cơ xương khi trẻ trưởng thành.
Nếu chứng đau hay cứng cổ đi kèm với các triệu chứng khác của viêm màng não như sốt, bị kích thích, đau đầu, nhạy cảm với ánh sáng, ăn không ngon, nôn mửa và phát ban, hãy đưa trẻ đi bệnh viện ngay lập tức. Theo một bài báo trên tạp chí Lancet vào năm 2006, bệnh viêm màng não có thể tiến triển nhanh chóng từ những dấu hiệu nhẹ ban đầu cho tới những triệu chứng nghiêm trọng hơn thậm chí gây tử vong. Do vậy, việc được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời là vô cùng quan trọng.
Một nguyên nhân khác gây chứng đau cổ đó là bệnh Lyme. Đây là căn bệnh lây truyền từ côn trùng sang người do ve đốt, tác nhân gây bệnh là xoắn khuẩn Borrelia burgdorferi. Do vậy, khi trẻ kêu rằng bị đau cổ, bạn cũng nên kiểm tra vùng cổ của trẻ xem có dấu hiệu của côn trùng đốt hay không. Nếu có thường sẽ biểu hiện dưới dạng một vùng da bị mẩn đỏ hoặc phát ban xung quanh vết cắn. Trẻ cũng có thể xuất hiện một số triệu chứng khác như:
Trường hợp trẻ bị chấn thương vùng cổ do tai nạn giao thông, hãy đưa trẻ đi cấp cứu ngay lập tức.
Nếu những cơn đau mỏi cổ có biểu hiện nhẹ và không phải do chấn thương hay tai nạn, bạn có thể tự kiểm tra cổ và vai cho trẻ tại nhà trước khi đưa trẻ đi khám.
Sau khi đã kiểm tra các dấu hiệu của tình trạng chấn thương trên da như các vết bầm tím, sưng, nóng đỏ, yêu cầu trẻ ngồi trước mặt bạn và nhìn thẳng rồi nghiêng đầu về cả hai bên. Hỏi trẻ xem trẻ có cảm thấy đau khi thẳng đầu hay nghiêng đầu hay không. Tiếp tục yêu cầu trẻ ngửa đầu lên và cúi xuống để nhận diện các vị trí bị đau và cứng ở cổ. Bạn cũng có thể kiểm tra được dấu hiệu của các cơ bị yếu khi trẻ chơi đùa hay ăn uống.
Hãy hỏi xem trẻ có cảm thấy tê cứng, ngứa ran hay yếu cơ vùng cổ, lưng trên hay cánh tay hay không. Nếu có, hãy đưa trẻ đi bác sỹ ngay lập tức.
Trong cơn đau, trẻ có thể không thể giao tiếp. Hãy cố gắng phát hiện các dấu hiệu khiến trẻ cảm thấy bất tiện trong sinh hoạt như không thể nghiêng đầu sang một bên, khó khăn khi ngồi yên hoặc khi ngủ, hạn chế khi sử dụng cánh tay trong các hoạt động hàng ngày. Đây đôi khi là dấu hiệu cho thấy trẻ đang bị đau cổ, yếu cơ hay tổn thương dây thần kinh.
Để điều trị bảo tồn đối với chứng đau cơ hay căng cơ, bạn có thể cho trẻ chườm đá hay chườm nóng trong khoảng 10-15 phút vài lần một ngày lên vị trí bị chấn thương. Nghỉ ngơi hoàn toàn và tránh các hoạt động cường độ mạnh cũng rất quan trọng cho đến khi cơn đau khỏi hoàn toàn.
Bạn có thể hướng dẫn trẻ kéo giãn nhẹ các cơ cổ bằng cách nghiêng đầu về một bên cho tới khi trẻ cảm thấy các cơ được kéo căng, giữ nguyên tư thế này trong khoảng 30 giây. Trẻ cũng có thể thực hiện động tác tương tự nhưng kéo đầu về phía nách. Cách khác, trẻ có thể xoay nhẹ đầu về cả hai hướng và xoay vai về trước và ra sau.
Thở sâu và các động tác thư giãn cũng có thể giúp giảm đau vùng cổ và vai. Ngoài ra, sử dụng các thuốc giảm đau như paracetamol và ibuprofen có thể giúp giảm tạm thời các cơn đau do bong gân và căng cơ.
Hạn chế thời gian trẻ xem tivi và sử dụng máy tính có thể là một biện pháp giúp phòng các triệu chứng đau cổ và các bệnh lý khác về sau. Một nghiên cứu vào năm 2006 trên tạp chí European Journal of Public Health đã chứng minh mối liên quan giữa việc sử dụng máy vi tính với sự gia tăng tỷ lệ các cơn đau cổ-vai và đau lưng ở lứa tuổi vị thành niên. Họ nhận thấy rằng nguy cơ mắc chứng đau cổ-vai tăng lên đáng kể khi trẻ sử dụng máy tính nhiều hơn 2-3 tiếng/ngày.
Nếu trẻ than phiền rằng chúng bị đau ở cổ, cha mẹ hãy cố gắng quan sát và phát hiện thêm những triệu chứng khác. Nếu cơn đau là do chấn thương tai nạn hay đi kèm với các triệu chứng của bệnh lý khác, hãy đưa trẻ đi cấp cứu ngay.
Nếu trẻ kêu đau thường xuyên, đó có thể là hậu quả của việc đeo cặp sách quá nặng hoặc sử dụng máy tính sai tư thế. Hãy đảm bảo rằng bạn luôn luôn kịp thời thông báo cho bác sỹ hoặc tìm đến các chuyên gia vật lý trị liệu để điều trị cho trẻ.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh