✴️ Vị thuốc cây Chân rết

Tên tiếng Việt: Chân rết, Cơm lênh, Tràng pháo, Ráy leo

Tên khoa học: Pothos scandens L.

Họ: Ráy (Araceae)

Công dụng: Cây chân rết có vị đắng, cay, tính ôn, được dùng chữa vết thương do đánh đập, gẫy xương, đau xương do phong thấp, đau lưng, mỏi gối.

1. Mô tả

  • Cây thảo leo, dài 4m hoặc hơn. Cành non, hình trụ, mọc ngoằn ngoèo, rễ bén ở những mấu. Lá mọc so le, đa dạng, hình mũi mác hoặc dài mũi mác, gốc tròn, đầu nhọn, cuống lá phình ra thành bản dẹt dạng lá, hai mặt nhẵn.
  • Cụm hoa mọc ở kẽ lá, ngắn hơn cuống lá, bao bọc bởi một mo nhỏ; trục cụm hoa hình trứng gồm toàn hoa lưỡng tính; hoa đực ở trên, hoa cái ở dưới; bao hoa có 6 thùy bằng nhau; nhị 6, chỉ nhị ngắn; bầu có 3 ô, mỗi ô chứa 1 noãn.
  • Quả mọng khi chín màu đỏ.
  • Mùa hoa quả: tháng 2-5.
  • Các loài Pothos repens (Lour.) Druce và p.yunnanensis Engl. cũng có nơi dùng làm thuốc.

2. Phân bố, sinh thái

  • Pothos L. là một chi có các dạng sống tương đối đặc biệt. Hầu hết các loài của chi này là thân leo sống phụ sinh, phân bố rải rác ở vùng nhiệt đới hoặc á nhiệt đới các châu lục, trừ châu Mỹ. Ở Ấn Độ, có khoảng 20 loài; Việt Nam 13 loài, chưa tính một vài loài mới nhập trồng làm cảnh. Trong số các loài, cây chân rết có diện phân bố rộng nhất, bao gồm ở hầu hết các tỉnh miền núi, trung du và thậm chí ở cả đồng bằng.
  • Chân rết là loại cây sống phụ sinh, thường mọc bám trên đá hay trên các cây gỗ lớn. Cây phân nhánh nhiều và sinh trưởng nhanh, tạo thành những búi lớn, đến mức không thể xác định được từng cá thể. Chân rết ưa khí hậu ẩm mát, nhưng cây cũng có thể chịu được điều kiện khắc nghiệt, khi mọc bám trên những tảng đá trơ trọi hoặc trên các cây gỗ ở vùng đồi khô hạn. Cây ra hoa quả nhiều hàng năm, song chỉ có các hạt giống bám được vào các kẽ đá hoặc vết nứt của vỏ cây mới nảy mầm. Chưa quan sát được cây con mọc trên đất.
  • Chân rết có khả năng tái sinh vô tính khỏe. Dù bị chặt phá nhiều, nhưng phần thân cành còn sót lại, đều có khả năng tiếp tục tái sinh.

3. Cách trồng

Chân rết thường được trồng trong chậu, bồn và cho leo để làm cảnh. Các đốt thân đều mọc rễ. Cây được nhân giống dễ dàng bằng cách giâm cành. Vào mùa xuân, chọn cành bánh tẻ, cắt thành từng đoạn có 2 – 3 đốt đem giâm trong chậu hoặc bồn chứa đất trộn lẫn với một ít phân chuồng mục. Thỉnh thoảng cần tưới nước và bón thêm phân vi sinh. Tránh trồng ở nơi quá nắng.

4. Bộ phận dùng

Toàn cây.

5.Tính vị, công năng

Cây chân rết có vị đắng, cay, tính ôn có tác dụng sơ cân hoạt lạc, tiếp cốt tục cân (liền xương liền gân), tán ứ tiêu thũng, khư phong thấp.

6. Công dụng

  • Cây chân rết được dùng chữa vết thương do đánh đập, gẫy xương, đau xương do phong thấp, đau lưng, mỏi gối. Liều dùng: thân và lá cây chân rết 15 – 30g, sắc nước uống hoặc ngâm rượu uống. Dùng ngoài, giã nát đắp tại chỗ.
  • Ở Lào, lá chân rết được dùng sắc uống cho phụ nữ sau khi đẻ. Ở Malaysia, lá chữa hen suyễn, co giật. Ở Ấn Độ, rễ chân rết nghiền thành bột trộn với dầu, hơ nóng đắp tại chỗ chữa áp-xe, lá hãm với nước sôi chữa co giật, động kinh.
  • Ghi chú: Loài Pothos repens (Lour) Druce, có tác dụng giảm đau, lợi tiểu, tiêu thũng, hạ nhiệt chữa mụn nhọt, đầu đinh, viêm tuyến vú, đau răng, vết thương chảy máu. Liều dùng và dạng dùng như trên.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top