Viêm xoang là một bệnh lý tai mũi họng thường gặp, gây ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ người bệnh cũng như chất lượng cuộc sống. Nếu không điều trị sớm, bệnh sẽ diễn tiến nặng sang mức độ mạn tính và gây nguy hiểm đến tính mạng. Vậy điều trị viêm xoang cấp tính bằng phương pháp nào?
Viêm xoang là một dạng bệnh lý nhiễm trùng khi các hốc rỗng bên trong khối xương sọ – mặt bị bịt kín và có nhiều dịch mủ khiến cho lớp niêm mạc lót xoang bị viêm nhiễm. Có 2 mức độ viêm xoang là viêm xoang cấp tính và viêm xoang mạn tính.
Viêm xoang cấp tính là dạng nhiễm trùng trong một thời gian ngắn với triệu chứng trong khoảng 4 tuần. Bệnh lý này khiến cho mũi bị tắc, chất nhầy không thoát ra được bên ngoài nên người bệnh sẽ cảm thấy khó chịu và phần xương gò má bị đau nhức.
Có nhiều nguyên nhân gây nên viêm xoang cấp tính, có thể kể đến như:
– Do bị nhiễm khuẩn vì có bệnh nền như cảm cúm, viêm Amidan, viêm mũi dị ứng
– Người bệnh bị dị ứng với một số tác nhân như phấn hoa, vi sinh vật, bụi bẩn trong nhà, lông động vật…
– Do tác nhân nấm: Nấm trong môi trường nông nghiệp, nấm trong môi trường không khí.
– Người bệnh bị viêm răng ở hàm trên, bị viêm hốc mắt.
– Gặp chấn thương ở vùng xoang dẫn đến tắc lỗ thông xoang, vách ngăn bị lệch, có dị vật ở hốc mũi.
– Do có điều kiện thuận lợi cho viêm xoang dễ phát triển: người bệnh thường xuyên tiếp xúc với hoá chất, tiếp xúc với không khí ô nhiễm hay bị suy giảm miễn dịch.
Khi bị viêm xoang cấp, người bệnh sẽ có một số những biểu hiện đặc trưng như:
– Sau khi bị các bệnh lý cảm cúm, viêm Amidan thì người bệnh sẽ có triệu chứng nghẹt mũi.
– Cơ thể bệnh nhân sốt nhẹ, khoảng 38 – 39 độ
– Cảm thấy đau đầu dữ dội ở vùng má, trán và hốc mắt.
– Cảm thấy vùng cổ có biểu hiện bất thường: khô cổ và rát cổ.
– Có thể bị chảy dịch nhày từ mũi. Ban đầu dịch trong, sau thì chuyển sang màu trắng hoặc vàng đặc.
Với trường hợp viêm xoang cấp tính ở mức độ nhẹ, người bệnh cần tuân theo một số nguyên tắc khi chăm sóc tại nhà như: tuân thủ theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, uống đủ thuốc được kê đơn, không tự ý tăng giảm liều lượng, nghỉ ngơi đủ để cơ thể hồi phục, uống nhiều nước, nằm cao đầu khi ngủ để giúp lưu thông tốt.
Một số phương pháp điều trị viêm xoang cấp tính có thể kể đến như:
Bệnh nhân sẽ được hướng dẫn rửa mũi bằng dung dịch nước muối NaCl 0.9%, rửa nhiều lần trong ngày để có thể ngăn ngừa cũng như giúp giảm tình trạng viêm nhiễm. Cách thực hiện: Bệnh nhân nhỏ dung dịch nước muối vào hốc mũi, sau đó cúi mặt xuống để giúp nước muối chảy ra ngoài và xì sạch mũi.
Chất được dùng nhiều nhất có thể kể đến như phenylpropanolamin và pseudoephedrin. Bệnh nhân có thể dùng dạng thuốc uống hoặc dạng xịt. Thuốc chỉ nên dùng trong 7 ngày để không bị nhờn và kháng thuốc (loại dạng xịt chỉ nên dùng trong khoảng 4 ngày.
Trong điều trị bệnh lý viêm xoang, bệnh nhân sẽ được khuyến cáo sử dụng thuốc kháng sinh khi tình trạng nhiễm trùng nặng hoặc nhiễm trùng tái phát do vi khuẩn. Dùng loại thuốc kháng sinh hay thuốc giảm đau nào còn tuỳ thuộc vào tình trạng bệnh.
Trường hợp người bệnh bị viêm xoang cấp tính nặng thì có thể dùng thuốc xịt mũi có chứa corticoid hoặc thuốc corticoid ở dạng xịt. Cần lưu ý thuốc corticoid tuy hiệu quả nhưng có thể gây một số tác dụng phụ độc hại. Vì vậy người bệnh bị viêm xoang cần đến thăm khám tại các bệnh viện lớn uy tín để được bác sĩ có chuyên môn tư vấn và chỉ định dùng thuốc.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh