Giải phẫu cuốn mũi và những bất thường hay gặp

Cuốn mũi là gì? 

Cuốn mũi là các tấm xương dài, nhô vào trong hốc mũi, cấu tạo nên thành ngoài mũi xoang. Mỗi bên khoang mũi thường có 3 cuốn mũi bao gồm cuốn mũi trên, giữa và dưới. Thỉnh thoảng sẽ có cuốn mũi trên cùng. Bên dưới tương ứng là các khe mũi trên, khe mũi giữa và khe mũi dưới.

Các cuốn mũi được bao phủ bởi niêm mạc chứa biểu mô đường hô hấp có các tuyến bài tiết chất nhầy. Bên dưới niêm mạc của cuốn mũi có hệ thống phân bố mạch máu phong phú và có thể giãn rộng làm mũi trở nên cương to.

Cuốn mũi dưới là một cấu trúc xương riêng biệt của khối mũi xoang và là cuốn mũi lớn nhất. Một nếp niêm mạc phủ lên phần đầu của cuốn mũi dưới trong hốc mũi gọi là van Hasner. Vị trí và kích thước của cuốn mũi dưới ảnh hưởng đáng kể tới thể tích và tính chất luồng khí đi qua mũi xuống phổi. Bên dưới cuốn mũi dưới là khe mũi dưới, chứa lỗ đổ của ống lệ mũi. Bệnh lý thường gặp là quá phát hay phì đại cuốn mũi gây nghẹt mũi. Có thể phì đại phần niêm mạc hoặc phần xương của cuốn mũi dưới. Quá phát cuốn mũi dưới có thể do hóa bóng khí bên trong nhưng hiếm gặp.

 

Phì đại cuốn mũi là tình trạng cuốn mũi phát triển quá mức làm hẹp khoang mũi, hạn chế luồng thông khí, dẫn đến nghẹt mũi.

 

Chức năng của cuốn mũi

  • Làm ấm, làm ẩm, làm sạch khí đi qua mũi;
  • Nhận biết mùi;
  • Ứng dụng quan trọng trong phẫu thuật.

Các cuốn mũi có chu kỳ nhất định. Ba cặp cuốn mũi sẽ thay nhau sung huyết và thu nhỏ sau một đến bảy giờ. Điều này làm cho một số lối đi bị thu hẹp, hạn chế luồng không khí, nhưng đồng thời mở rộng đường thở khác và cải thiện luồng không khí. Trong quá trình thay đổi chu kỳ mũi, chúng ta sẽ không cảm thấy sự tắc nghẽn bởi vì sức cản đường thở tổng thể không thay đổi.

Các bệnh lý thường gặp tại cuốn mũi

  • Quá phát hay phì đại cuốn mũi: thường gặp ở cuốn mũi dưới, niêm mạc hay phần xương cuốn mũi dưới to làm hẹp khoang mũi gây nghẹt mũi, khó thở, chảy mũi liên tục, ảnh hưởng khứu giác, chảy máu mũi bất thường,…

    Bệnh kéo dài không được điều trị có thể gây suy giảm khứu giác, suy giảm thính lực, viêm xoang cấp tính hoặc mạn tính. Ngoài ra, khoang mũi tắc nghẽn khiến lượng oxy lên não bị suy giảm, người bệnh có thể cảm thấy hoa mắt, chóng mặt, thiếu tập trung,…

    Viêm mũi dị ứng và vận mạch là hai nguyên nhân phổ biến gây phì đại cuốn mũi.

    • Khi các tác nhân dị ứng từ môi trường tiếp xúc với niêm mạc mũi, cuốn mũi phản ứng bằng cách tăng tiết dịch và tắc nghẽn, gây viêm mũi dị ứng.
    • Viêm mũi vận mạch không có tác nhân gây dị ứng, do sự kiểm soát mạch máu thần kinh của màng mũi bị suy giảm.

  • Bóng khí cuốn mũi: còn gọi là Concha bullosa, có sự hóa bóng khí trong cuốn mũi, thường hay gặp ở cuốn mũi giữa, làm hẹp khe giữa có thể dẫn đến viêm xoang.Bệnh không có nguyên nhân chính xác và không có triệu chứng đặc hiệu, giống với các triệu chứng viêm xoang thông thường. Nhiều trường hợp không biết mình có Concha bullosa trong suốt cuộc đời. Nhưng khi bóng khí lớn, người bệnh có thể cảm thấy đau và khó chịu quanh vùng mắt, vùng mũi xoang, cảm giác có vật gì cản trở trong mũi,…
  • Teo cuốn mũi: Tình trạng này hay gặp trong các bệnh nhân lạm dụng thuốc nhỏ mũi co mạch kéo dài, làm ảnh hưởng tới chức năng của thụ thể hô hấp cuốn mũi và tế bào chế tiết nhầy. Mặc dù hốc mũi thoáng nhưng bệnh nhân vẫn cảm giác nghẹt mũi nhiều.
  • Hẹp van mũi: Van mũi là phần hẹp nhất của đường thở mũi, nằm ở phía trên vách ngăn mũi. Chấn thương, lệch vách ngăn mũi hay phẫu thuật có thể gây hẹp van mũi, xuất hiện các triệu chứng như chảy máu mũi, nghẹt mũi nặng,..
return to top